22 tuổi, bị bệnh máu khó đông nên thân hình gầy gò, xanh xao, chân tay teo tóp, nhìn như học sinh lớp 8, thế nhưng Phạm Văn Hùng vẫn là "đôi chân" của em trai mình, Phạm Quang Huy (15 tuổi) từ bao năm nay. Mỗi đợt điều trị tại Viện huyết học truyền máu T.Ư (Hà Nội) dài vài tuần lễ, như thường lệ, bà Phạm Thị Tĩnh, mẹ của Hùng và Huy đưa cho các con một ít tiền rồi tiễn ra trạm xe buýt Hải Dương - Hà Nội, chờ các con lên xe xong, mẹ lại nước mắt ngắn dài quay đi.
Hoàn cảnh gia đình không cho phép cả ba mẹ con chăm nhau ở Hà Nội, bà là chỗ dựa kinh tế, tinh thần duy nhất trong mái nhà chỉ còn 3 người, ai cũng ốm đau.
|
|
Có bảo hiểm y tế hỗ trợ nên tiền điều trị cho Hùng và Huy bớt được phần nào. Hàng ngày, cứ đến bữa Hùng lại cõng Huy xuống căng tin Viện huyết học ăn cơm, có những hôm mệt quá, hai anh em lại ăn tạm gói bánh, gói kẹo mà mọi người cho để qua bữa. Tình người có ở khắp nơi, thấy hai anh em tự chăm nhau, các bác sĩ, y tá, người nhà bệnh nhân ai cũng thương, có quà bánh gì lại mang cho.
Ước mơ một chiếc máy khâu
Điều trị một thời gian, Hùng và Huy lại cõng nhau về nhà. Bệnh của hai anh em không thể điều trị dứt điểm, chỉ có cách sống chung với nó, cùng những cơn đau, vết bầm tím trên cơ thể. Hùng buồn rầu nói với chúng tôi: “Em thấy trong người khó chịu, đau nhức. Huy đang nằm thiêm thiếp trên giường, ăn ít lắm…”.
|
Chúng tôi không thể cầm lòng khi đứng trước căn nhà của Hùng và Huy ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Gian nhà ống sâu hun hút, xây dựng hơn 20 năm nay ẩm mốc, tường rạn nứt, đồ đạc ngổn ngang. Bà Phạm Thị Tĩnh, 43 tuổi, mẹ của Hùng và Huy kể, mấy người em trong gia đình mới góp công lại với nhau giúp bà trát lại bức tường nhà. Tự tay cấy cày mấy sào ruộng, nuôi lợn, gà, trồng rau, đi bán rau khắp các chợ trong làng, trên xã, người phụ nữ già hơn rất nhiều so với tuổi của mình.
Năm 2005, chồng bị ung thư vòm họng rồi qua đời, các con bệnh tật, bản thân bà Tĩnh cũng bị viêm phế quản, u nang buồng trứng, phải phẫu thuật cách đây vài năm. Kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.
tin liên quan
Căn bệnh hiếm gặp trên thế giới và tình mẹ mênh môngTừ đó đến nay đã 8 năm, Khang chưa một lần về lại nhà, trên giường bệnh em đã lớn dần lên trong tình thương mênh mông của mẹ và sự yêu thương chăm sóc tận tình của thầy thuốc, nhân viên y tế Khoa Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện đa khoa Bình Định.
“Mấy ngày hôm nay, 2 con được ra viện nhưng cũng không giúp mẹ được việc gì nặng nhọc. Cháu Huy chỉ nằm trên giường, cháu Hùng, từ sáng đến giờ chỉ có thể nấu giúp mẹ nồi cơm, thức ăn chưa xoay xở được vì cháu đau chân, chỉ có thể lò cò. Tôi đi chợ về, thấy các con mếu máo, lòng đau thắt lại”, bà Tĩnh nói trong khó nhọc. Không được sống cho riêng mình nữa, bà Tĩnh phải sống vì hai con trai đang chống chịu từng ngày với bệnh hiểm nghèo.
|
|
Hùng chỉ có một ước mơ nhỏ bé là có một chiếc máy khâu để ở nhà có thể may vá, giúp mẹ có thêm tiền mua thức ăn, thuốc uống. Trước đây, Hùng từng là thợ may tại một nhà máy, nhưng cường độ công việc căng quá, sức lực người bị bệnh không cho em theo được, Hùng đành nghỉ, bất lực, nhìn mẹ mỗi ngày một lo toan, già yếu hơn.
“Huy từng thích trở thành một kỹ sư, ngày ngày làm việc bên máy tính. Nhưng vì bệnh, Huy chỉ có thể học đến lớp 9 rồi thôi. Em học hết lớp 12, bây giờ nếu có một chiếc máy khâu thì tốt, em sẽ cố gắng làm việc, biết đâu có thể có vài chục ngàn đưa cho mẹ em mỗi ngày”, Hùng hy vọng.
Bình luận (0)