Hầm đường bộ qua đèo cả: Giấc mơ trở thành hiện thực

31/07/2016 08:00 GMT+7

Sáng 31.7, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ thông hầm đèo Cả và thông kỹ thuật toàn tuyến dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.

Giây phút thông hầm đèo Cả khiến cả chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu vỡ òa niềm hạnh phúc. Một dự án mang tầm vóc quốc gia - hầm đường bộ qua đèo Cả đã trở thành hiện thực. Công trình này do Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Về đích trước 3 tháng
Con đường dẫn vào hầm đèo Cả đã cơ bản hoàn thành hơn 90% nên xe ô tô bon bon trên mặt đường mà chẳng gặp trở ngại gì. Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hải Thạch thuộc Tập đoàn Hải Thạch, nhà thầu thi công đường dẫn phía bắc và phía nam dự án hầm đèo Cả, chia sẻ: “Dù trước đây gặp khó khăn do địa chất phức tạp nên tiến độ chậm lại. Tuy nhiên, sau khi xử lý xong thiết kế kỹ thuật thì chúng tôi đã tranh thủ tập trung máy móc, nhân lực, vật lực tăng ca, có thời điểm trên công trường huy động hơn 200 đầu máy móc và gần 1.000 công nhân tham gia thi công”.
Vì sao việc thi công gặp khó khăn nhưng tiến độ nhanh như vậy? Ông Dương Đình Mạnh, Giám đốc Ban Điều hành đường dẫn phía bắc và phía nam dự án hầm đèo Cả, giải thích: “Tiến độ thi công nhanh, chất lượng đảm bảo là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời giữa chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu. Khi có vướng mắc, các bên liên quan đến hiện trường họp bàn, xử lý kỹ thuật và giải quyết ngay. Cái hay trong thực hiện dự án này là không có thủ tục rườm rà, chờ đợi như các dự án khác. Vướng thì giải quyết ngay nhưng vẫn đảm bảo pháp lý theo quy định. Nhờ thế, tiến độ dự án mới nhanh như vậy”.
Theo ông Mạnh, ngoài sự phối hợp, việc gói thầu đường dẫn đạt tiến độ nhanh chóng đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Hải Thạch trong công tác đảm bảo đời sống của người lao động, cung ứng thiết bị vật tư, vật liệu kịp thời.
“Hãy làm tốt ngay từ đầu”
Hai gói thầu khá quan trọng đối với hầm đèo Cả đều do 2 công ty có kinh nghiệm hàng đầu trong khoan hầm. Ông Lê Văn Ngôn, Giám đốc Công ty xây dựng công trình ngầm thuộc Tổng công ty Lũng Lô, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu 1A2 (gói thầu phía bắc đèo Cả), cho biết trong quá trình thi công gói thầu 1A2 luôn gặp khó khăn về độ dốc, nước ngầm và do địa chất thay đổi, ảnh hưởng đến thi công. Tuy nhiên, nhà thầu đã cố gắng nỗ lực bằng những biện pháp đảm bảo, tuân thủ các quy định biện pháp thi công của dự án, đồng thời phối hợp với năng lực kinh nghiệm của nhà thầu nên tiến độ khoan hầm để thông hầm vượt kế hoạch trước 3 tháng.
Ông Đoàn Mạnh Cường, Phó giám đốc Ban Điều hành Sông Đà 10, nhà thầu gói thầu 1B2 (gói thầu 1/2 hầm phía nam đèo Cả) đã xác định dự án hầm đường bộ qua đèo Cả là dự án lớn, trọng điểm quốc gia nên mọi tiêu chí đặt ra cho nhà thầu về tiến độ, chất lượng rất khắt khe. Ông Cường chia sẻ: “Ngay từ đầu, khi triển khai các hạng mục, chúng tôi xác định phải làm tốt tất cả mọi việc, chuẩn bị đầy đủ nhân lực vật lực, điều kiện về kinh tế. Trong quá trình làm việc, chúng tôi đòi hỏi tất cả cán bộ, công nhân phải hết sức nỗ lực để đảm bảo tiến độ chính xác từng giờ, từng ngày một và chất lượng đặt lên hàng đầu. Vì đặt ra từ đầu nên mới đạt được mục tiêu như vậy”.
Tập đoàn Hải Thạch là nhà thầu tiên phong triển khai các công việc ban đầu của dự án như đường công vụ, bãi thải vật liệu, nơi tập kết thiết bị, vật tư, mặt bằng xây dựng lán trại, đường điện, khu nhà điều hành và quản lý dự án... Đây là các bước chuẩn bị quan trọng giúp cho chủ đầu tư, các nhà thầu khoan hầm, các nhà thầu khác có nhiều điều kiện thuận lợi trong triển khai thi công tại dự án. Hải Thạch cũng là nhà thầu triển khai thi công đồng bộ các hạng mục kết nối với hầm đèo Cả như cầu, đường dẫn... Đến nay, bên cạnh việc thông hầm, Hải Thạch cũng hoàn thành việc thông toàn tuyến cầu và đường dẫn vào hầm, tạo tiền đề thuận lợi cho việc đưa toàn dự án vào khai thác trong năm 2017 sắp tới.
Nhờ đó, Ban Điều hành Sông Đà 10 đã được chủ đầu tư, Bộ GTVT và các ban ngành đánh giá rất cao. “Ngay trên hầm, chúng tôi đặt biển với khẩu hiệu “Hãy làm tốt ngay từ đầu”. Đó là cách để chúng tôi nêu cao trách nhiệm, tinh thần ngay từ đầu khi bước vào công việc” - ông Cường chia sẻ và tự hào: “Tôi cũng rất ấn tượng về bộ máy tổ chức, từ chủ đầu tư, tư vấn giám sát đến nhà thầu. Phải nói là rất chuyên nghiệp”.
Xóa tan nghi ngờ
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, cho biết lúc đầu, công tác triển khai bị vướng nhiều, chủ yếu công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không đúng yêu cầu. Sau đó công tác GPMB tốt lên nên mới triển khai được. Theo ông Mai, sau khi có mặt bằng, tiến độ triển khai khá tốt, về cơ bản các gói thầu đã đáp ứng tiến độ. Một số hạng mục chính như hầm Cổ Mã đã hoàn thành từ tháng 9.2015, còn hầm đèo Cả thông hầm vào cuối tháng 6.2016. Các gói thầu khác cũng đáp ứng được tiến độ của Bộ GTVT.
“Tôi thấy tất cả mọi người ở đây, từ chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu đến các đơn vị liên quan của địa phương đều có sự ủng hộ nhiệt tình và có nhiều nỗ lực triển khai thi công. Thời tiết nắng nóng, oi bức thế này nhưng vẫn đảm bảo lao động đầy đủ một ngày, thậm chí người lao động chấp nhận làm sớm từ 5 giờ sáng để trưa nắng quá thì nghỉ sớm một tí. Trong hầm, các đơn vị thi công bố trí lao động ba ca liên tục từ tháng 8.2014 đến nay”, ông Mai nói.
Hầm đèo Cả thông đã làm cho chủ đầu tư giảm bớt lo lắng, căng thẳng. Ông Mai tâm sự: “Khi bắt đầu thực hiện dự án cũng có rất nhiều ý kiến nghi ngờ về năng lực của chủ đầu tư, nghi ngờ về năng lực của nhà thầu. Chính vì vậy chúng tôi cũng nhận thấy rằng mình cần phải có những củng cố. Chúng tôi đã củng cố bằng cách mời tư vấn nước ngoài để triển khai thực hiện dự án. Chúng tôi đã mời Ban Quản lý dự án 85 tư vấn cho chúng tôi để tăng cường năng lực. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi kiểm soát tất cả, đặc biệt là công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường chất lượng nên trong suốt thời gian triển khai dự án không xảy ra bất cứ tai nạn lao động đáng tiếc nào. Đó là thành công lớn của chúng tôi”.
Còn những băn khoăn
Chia sẻ với những suy nghĩ của ông Mai về vướng mắc trong GPMB, ông Lê Đức Hiệp - cố vấn cao cấp của Công ty Đèo Cả tỏ ra ưu tư vì mặc dù nhà đầu tư, nhà thầu, cán bộ kỹ thuật, công nhân đang rất nỗ lực và cố gắng từng ngày để sớm đưa hầm vào vận hành trong năm tới nhưng hiện vẫn còn vướng mắc về công tác GPMB có thể dẫn tới những cố gắng nêu trên và việc thông hầm sớm mất đi ý nghĩa - vì không đưa hầm vào khai thác sớm được.
Ông Hiệp nói: “Để kịp tiến độ đưa công trình vào sử dụng, nhà đầu tư đã hoàn thành rất sớm các công việc liên quan đến GPMB của trạm biến áp 110 kV đèo Cả, nhà quản lý vận hành hầm, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí… Tuy nhiên đến nay, sau rất nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, công tác GPMB cho các hạng mục quan trọng trên vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến nguy cơ không có điện cấp cho dự án khi vận hành vào tháng 7.2017. Bên cạnh đó, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, nhà đầu tư luôn cam kết và thực hiện ứng trước kinh phí để thực hiện công tác GPMB cũng như sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, nhưng đến nay công tác GPMB vẫn chưa được hoàn thiện thủ tục bởi các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Trên cơ sở áp dụng các quy định của nhà nước, mặc dù chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã nhiều lần họp để đáp ứng các yêu cầu của người dân đưa ra nhưng tại phần đường dẫn phía nam hầm Cổ Mã thuộc xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) trong những ngày gần đây có nhiều người dân ra cản trở thi công, thậm chí không cho xe chở vật liệu đi qua để cấp vật tư cho thi công hầm với những lý do hết sức vô lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.