Hoàng kim Malaysia

31/08/2010 04:50 GMT+7

(TNTS) Malay, trong tiếng Mã Lai - ngôn ngữ chính thức của Liên bang Malaysia, có nghĩa là “hoàng kim”. Có rất nhiều lý giải cho việc Malaysia đứng đầu ngành công nghiệp không khói của ASEAN, mỗi năm đón hơn 20 triệu khách quốc tế.

1. Kuala Lumpur (Kul) là thủ đô lập pháp, là thành phố lớn nhất của Malaysia – một trong 4 lãnh thổ của liên bang được hợp lưu bởi hai dòng sông Gombak và Klang. Kul có 1 trong 10 nhà hát hiện đại của thế giới là Istana Budaya; Berjaya,  trung tâm mua sắm lớn nhất Malaysia; Menara Telekom tọa lạc trên đồi Bukit Nanas, cao 310m (cao thứ 5 thế giới, với hệ thống 22 vườn lộ thiên trong tháp).

Kul còn có Bảo tàng quốc gia (Negara Museum) bề thế, Đài tưởng niệm quốc gia (Tugu Negara) ấn tượng, nhiều đền thờ Hồi giáo rất đẹp và các trung tâm mua sắm tầm cỡ, nhộn nhịp suốt ngày đêm. Ngoại vi Kul về phía bắc có động Batu – nơi thờ phụng linh thiêng với các đền thờ Hinđu, tượng Lord Murugan cao 42,7m son vàng rực rỡ. Tuy nhiên so với Phong Nha (Quảng Bình), Ngườm Ngao (Cao Bằng), Thiên Cung (Hạ Long)… Batu chỉ là “em út mấy đời”, vậy mà lúc nào cũng nhộn nhịp du khách Việt. Đây là câu hỏi mà chúng ta chưa thể trả lời…

Nhưng ấn tượng nhất phải là tháp đôi Petronas (Petronas Twin Tower) có 88 tầng, cao 452m với diện tích sàn 395.000m2, là biểu tượng cho niềm tự hào và khát vọng vươn cao của đất nước. Đây là tòa tháp đôi cao nhất thế giới, là công trình kiến trúc cao thứ 3 của nhân loại sau Sears Tower – Mỹ, 520m và Taipei 101 Tower – Đài Loan, 508m (tính cả chiều cao cột ăngten). Petronas là công ty dầu khí quốc gia Malaysia, 1 trong 500 tập đoàn hàng đầu thế giới. Tháp được xây bằng thép và kính theo kiến trúc đặc trưng của đạo Hồi, tôn giáo chính của Malaysia.

Dưới chân tháp có phòng trưng bày cung cấp thông tin và nhiều trò chơi thú vị. Trò chơi “Bạn và tháp – ai cao hơn?” sẽ cho biết tỷ lệ chiều cao của tháp với từng du khách. Tesla Coil show là nơi xem phim dự báo thời tiết và đường đi của sấm sét qua đỉnh tháp xuống mặt đất, các phim tài liệu về tháp đôi, về 10 công trình cao nhất thế giới. Du khách sẽ tham gia trò chơi “Sway of tall building” để cảm nhận độ cao của các đỉnh cao thế giới, từ Petronas đến Sears, Eiffel, Taipei… qua độ dài đoạn đường lắc lư của ghế. Tháp đôi còn có “Sky bridge” nối liền tháp anh và tháp em ở tầng 41 và tầng 42. Sau khi được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, chỉ cần 90 giây, thang máy đã đưa bạn lên đến đỉnh tháp. Sky bridge dài 58,4m ở độ cao 170m và mỗi người có 10 phút để thưởng ngoạn bởi phải dành chỗ cho người khác đang xếp hàng (không có vé). Ở đây trời và đất như sát gần nhau, nhìn xuống thấy Kul xinh đẹp, hiện đại mà cổ kính, yên bình mà đáng yêu vô cùng. Xế chiều, nắng như dát vàng khắp cả thủ đô. Chập tối thì lung linh huyền ảo, hư thực giữa đất và trời.

2. Đến Malaysia, tôi mê nhất là thăm Putrajaya - trung tâm hành chính, thủ đô mới, cách Kul chừng 27 km. Kul chỉ rộng 243km2, dân số hơn 2 triệu người; vẫn quá lớn theo cách nghĩ của người Malaysia. Được mệnh danh là Garden city, Intelligent city, Putrajaya được đặt theo tên cố thủ tướng Junku Abdul Rahmar Putra. Thành phố bạt ngàn xanh với tâm điểm là hồ nước nhân tạo Putra rộng 680 ha. Văn phòng Chính phủ có kiến trúc hình vòm theo nghệ thuật Malaysia và Mông Cổ; dinh Thủ tướng mang dáng dấp phương Tây; đền thờ Hồi giáo Putra cao 75m; tháp chính có 5 tầng (cao 116m) kiêu hãnh và rực rỡ. Quảng trường Putra, nơi tổ chức các sự kiện trọng đại, thiết kế hình tròn với 3 ngôi sao đồng tâm có số cạnh biểu trưng cho các bang trong từng thời kỳ 11 – 13 và hiện nay là 14 (13 đơn vị hành chính trực thuộc và Putrajaya).

Lang thang giữa Putrajaya, lại nhớ về Hà Nội với nét cổ xưa. Giữ nguyên đã khó, quản lý còn khó hơn khi hiện giờ mở rộng gấp ba (có người gọi đùa là “Hà Ngoại”). Và cũng thương mấy cột đèn Sài Gòn, đơn điệu, nghèo khó mà suốt đời còn khoe “yếu sinh lý, trĩ nội, trĩ ngoại…!”.

Tại đây có khu đầm lầy Taman rộng 500 ha, 12 công viên, 24 đầm lầy với vô số động vật và chim muông vùng ngập nước. Rừng quốc gia Potani rộng 93 ha có hơn 700 loài thực vật đặc trưng của 90 quốc gia. Putrajaya có 13 khu vực (tượng trưng cho 13 bang và lãnh thổ) có thể nhận biết sự khác biệt qua các trụ đèn đường. Mỗi trụ đèn là một tác phẩm nghệ thuật đơn giản mà tinh tế. Nơi đây cũng có 9 cây cầu (tượng trưng 9 bang), mỗi cầu là  một công trình kiến trúc độc đáo. Cầu Putra có 3 tầng mô phỏng cầu Khaju ở Iran; cầu Wawasan thiết kế dạng cánh buồm; cầu Perdara theo phong cách Hồi giáo Moorish… Còn vườn Dâm Bụt là “bộ sưu tập” gần 2.000 loài hoa của Malaysia.

Các loại hình dịch vụ và du thuyền tập trung trên hồ Putra, trung tâm Souq, nơi có thể mua đủ thứ hàng đặc sản… Tôi nghĩ, Putrajaya là một thành phố mẫu mực. Vậy mà có nhà báo ví Putrajaya như “New York phương Đông”! Ví kiểu đó khác gì so sánh hoa hậu chuyển giới với Thiên thần của Chúa. Lang thang giữa Putrajaya, lại nhớ về Hà Nội với nét cổ xưa. Giữ nguyên đã khó, quản lý còn khó hơn khi hiện giờ mở rộng gấp ba (có người gọi đùa là “Hà Ngoại”). Và cũng thương mấy cột đèn Sài Gòn, đơn điệu, nghèo khó, mà suốt đời còn khoe “yếu sinh lý,  trĩ nội,  trĩ ngoại…!”.

3. Trái ngược với Putrajaya thơ mộng kiều diễm là khu liên hợp giải trí Genting lúc nào cũng ồn ào, nhộp nhịp mà không kém phần lịch lãm. Nằm ở độ cao gần 2.000m, Genting cách Kul 50km, được biết đến như “thành phố trong mây”, “thành phố giải trí”, “thành phố không ngủ”. Sunway Themes Park có nhiều trò chơi cảm giác mạnh – nơi bạn trẻ chứng tỏ sự dũng cảm, xả bớt calori dư thừa; hơn 500 máy chơi game mặc sức mà thách đấu.

Bên cạnh các đu quay khổng lồ là những rạp chiếu bóng, karaoke, cùng vô số cửa hàng ăn uống và bán đồ lưu niệm. Hàng chục sòng bài tấp nập suốt ngày đêm. Khách vào đánh bài phải mặc áo dài tay, bỏ áo trong quần và đi giày nghiêm túc. Mỗi năm Genting đón khoảng 20 triệu khách đến, một góc để thanh niên xả stress và mời gọi thiên hạ đến trút hầu bao, thiết nghĩ cũng là điều hay.

4. Malaysia có hệ thống giao thông rất tốt, mạng đường cao tốc dài gần 1.200km. Xe cộ được kiểm soát khí thải nghiêm ngặt. Ở Kul, nước máy có thể uống trực tiếp, các dịch vụ y tế và giáo dục được tổ chức rộng khắp và chất lượng. Một số xe du lịch ở Malaysia có ghế ngồi cao sau lưng tài xế đế hướng dẫn viên ngồi đối diện với khách và thuyết minh thoải mái. Ấn tựợng nhất là khi vào cửa hàng da cao cấp có bán loại “túi xách thông minh”. Khách được xem phim và thực địa hiện trường.

Khi giật mạnh, 2 móc khóa sẽ tự động “nhả” dây, túi xách rơi xuống đất. Bọn cướp chỉ giật được... sợi dây đeo, chẳng tên nào dám quay lại vì sợ bị bắt. Ở Việt Nam, nếu bị giật túi xách, rách áo, té lăn quay, dây vẫn không đứt, vừa bị mất đồ, vừa nguy hiểm đến tính mạng. Người Malaysia rất kỵ việc xoa đầu và lưng người khác, kể cả trẻ em; không được để hở cánh tay và đùi nơi công cộng. Phụ nữ thường mặc áo dài tay, khăn choàng đen kiểu hijab trùm kín đầu chừa khuôn mặt; hoặc kiểu niqab trùm kín người, trừ đôi mắt; hay kiểu burqa trùm kín người, có lưới che mắt. Phụ nữ Hồi giáo ở Malaysia chỉ choàng khăn khi đi ra đường. Về nhà, trong khách sạn hay những bãi biển riêng, họ cũng mặc sức ăn diện theo sở thích và rất hiện đại.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.