Học hát ca trù miễn phí giữa Hà thành

26/12/2009 00:37 GMT+7

Những ai yêu thích ca trù sẽ có dịp được học miễn phí tại CLB ca trù Thăng Long vào mỗi tối thứ sáu tại đình Giảng Võ (ngõ 612 Đê La Thành, Hà Nội).

Tối thứ sáu nào, sân đình Giảng Võ cũng nhộn nhịp sênh phách và tiếng hát ca trù. Nhịp trống chầu “tom tom, chát” và giọng ca mượt mà của đào nương Phạm Thị Huệ đã thổi bay cái rét se sắt của buổi tối mùa đông. Gần 60 thính giả, cũng đồng thời là học viên ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu trải ở sân đình, miệng lẩm nhẩm, hồn thả theo điệu hát.

Thành lập từ tháng 8.2006 đến nay CLB ca trù Thăng Long do đào nương Phạm Thị Huệ - giảng viên Nhạc viện Hà Nội làm chủ nhiệm đã đi được một chặng đường dài. Ngoài mục đích giới thiệu những cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật dân gian, CLB còn là nơi để những ai yêu ca trù có cơ hội được học hát.

Không gian thích hợp nhất để hát ca trù là sân đình. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay, CLB đã 5 lần đổi địa điểm. Trong đó có đến 2 lần CLB bị đặt trong tình huống: hoặc sinh hoạt tạm tại nhà riêng, hoặc... giải tán vì gặp khó khăn về địa điểm.

Chị Huệ cho hay, trước kia, CLB sinh hoạt tại đình Ngọc Hà, đình Cống Vị, chỉ mới chuyển sang đình Giảng Võ được một thời gian ngắn. Đã hai lần, vì mê ca trù và thương con gái, thương học viên CLB ca trù không có chỗ học, bố chị Huệ đã “dành đất” cho ca trù tại nhà riêng ở phố Kim Mã và Giang Văn Minh.

“Rất nhiều thăng trầm và biến cố, lắm lúc tưởng như phải đóng cửa CLB vì gặp khó khăn về địa điểm sinh hoạt lẫn kinh phí hoạt động”, chị Huệ tâm sự.

Từ những tháng ngày chật vật đầu tiên ấy, đến nay, số người tham gia CLB ca trù Thăng Long đã lên đến hàng trăm. “Hiện tại, CLB có 20 ca nương và kép đàn là thành viên chính thức, có thể hát và đàn nhiều làn điệu ca trù với nhiều giọng khác nhau”, chị Huệ cho biết.

Học viên tại CLB đa dạng về tuổi tác. “Tính đến thời điểm này, người nhỏ tuổi nhất mới 9 tuổi và lớn tuổi nhất là bác Phi Chân - quan viên cầm trống chầu năm nay đã hơn 40 năm”, đào nương Huệ tiết lộ.

Là cháu gọi nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc bằng cụ và cũng là một trong những học viên nhỏ tuổi nhất CLB, Nguyễn Thị Nhung (12 tuổi) tối thứ sáu nào cũng vượt hơn 20km để đến với CLB.

Bạn Lê Nam Hàn (SV Đại học FPT), mới sinh hoạt tại CLB được 2 tuần cho hay: “Em biết CLB qua cậu bạn thân, đi cùng nó một buổi, thế là mê luôn. Con gái hát ca trù hay hơn, vì chất giọng thanh nhẹ. Con trai giọng mạnh, hát cứ ồm ồm, nghe buồn cười lắm. Nhưng em vẫn sẽ theo CLB đến cùng”.

Lần đầu tiên được cầm chầu (đánh trống chầu), hát những làn điệu đơn giản theo nhịp phách, nhịp đàn dưới sự chỉ bảo của các ca nương, cô Trần Thị Lý (số 3/21, Kim Mã) vui ra mặt.

Bật máy ghi âm ghi lại làn điệu ca trù mới học, cô tâm sự: “Tôi mê ca trù từ nhỏ, nhưng giờ mới có dịp theo học. Mình có tuổi rồi, trí nhớ không bằng lớp trẻ nên phải ghi âm lại về học cho nhanh thuộc lời”.

“Một buổi sinh hoạt của CLB bắt đầu từ 19 giờ 30 đến 21 giờ nhưng hôm nào cũng kết thúc muộn vì cả người dạy và người học hát đều quá say mê. Cứ buổi tối thứ bảy đầu tháng CLB tổ chức biểu diễn tại đây”, chị Huệ cho biết.

Giọng buồn buồn, đào nương này tâm sự: “Thế hệ trẻ ngày nay bị cuốn vào nhạc hiện đại dần quên mất văn hóa dân gian. Vì thế, dù rất khó khăn để mở rộng CLB ca trù, nhưng tôi vẫn sẽ cố duy trì CLB đến khi không cố được nữa mới thôi”.

Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.