'Hồn nhiên’ đội mũ bảo hiểm dỏm

Sau 10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm (MBH) toàn dân, tuy tỷ lệ đội MBH tại VN đã ở mức rất cao, nhưng tỷ lệ đội mũ kém chất lượng, mũ dỏm, đội kiểu đối phó cũng rất lớn.

Sau khi Nghị quyết số 32 về việc bắt buộc đội MBH ở người lớn được ban hành tháng 12.2007, tỷ lệ đội MBH tăng mạnh, từ 30% lên đến 99%. Hiện nay, tỷ lệ đội MBH ở người lớn tại hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn giữ trên mức 90%. Sau hơn 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội MBH, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) ước tính cả nước đã tiết kiệm được 3,5 tỉ USD (khoảng 77.000 tỉ đồng) chi phí về y tế, tổn thất, thương tật. Ước tính 500.000 chấn thương đầu và 15.000 trường hợp tử vong đã được phòng tránh nhờ việc tăng cường đội MBH.
Tuy nhiên, đằng sau con số khá tích cực trên, một thực tế đáng báo động là MBH giả, kém chất lượng và đội MBH cho trẻ em vẫn bị lơ là. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, hiện cả nước có khoảng 40% MBH kém chất lượng trên thị trường, trong đó, tỷ lệ MBH chưa đạt chuẩn ở miền Bắc khá lớn.
Dù quy định xử phạt đã có, nhiều đợt ra quân rầm rộ, nhưng MBH dỏm, kém chất lượng vẫn được bày bán công khai trên nhiều tuyến phố như Khâm Thiên, Phạm Hùng… (Hà Nội). Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều thanh niên đi xe gắn máy đội mũ phớt nhái MBH mỏng dính, sai tiêu chuẩn.
Theo ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, rất nhiều người đang đội mũ kém chất lượng, thậm chí là mũ dỏm. Việc chống lại MBH dỏm là cuộc chiến và Chính phủ cần xử lý không khoan nhượng đối với các trường hợp vi phạm, cũng như mỗi người phải chung tay trong cuộc chiến này. Mặt khác, cơ quan chức năng cần thu hồi tất cả MBH giả trên thị trường, từ những điểm bán hàng trên phố, đến các cửa hàng và cần phạt nặng những người bán mặt hàng giả này.
Theo ông Greig Craft, lực lượng thanh tra nhà nước cần đến kiểm tra đột xuất thường xuyên tại các nhà máy sản xuất MBH để kiểm tra chất lượng mũ, thay vì các nhà máy tự gửi mẫu sản phẩm đến phòng thí nghiệm. Việc rà soát định kỳ như vậy sẽ buộc các nhà máy phải đảm bảo việc tiếp tục sản xuất mũ đạt chuẩn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quỹ AIP cũng cho rằng người dân mua MBH giả do giá thành rẻ. Do đó, mức xử lý phạt phải cao mới có thể khiến người điều khiển xe không muốn bị phạt tiền do đội MBH giả.
Lơ là đội MBH trẻ em
Quan sát cho thấy, không nhiều phụ huynh chú ý đến việc đội MBH cho trẻ em khi lưu thông, hoặc có đội cũng chỉ mang tính chất đối phó. Theo ông Greig Craft, nguyên nhân do ý thức trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường, cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng chưa cao.
Đánh giá về tỷ lệ đội MBH, ông Greig Craft so sánh, nếu chỉ tính tỷ lệ đội MBH (không tính đến chất lượng mũ đội), VN đạt tới 8-9 điểm, thì với trẻ em thì chỉ 3 điểm. Ông cũng cho rằng hầu hết các bậc phụ huynh không hiểu, để bảo vệ đầu thì 99% là do lớp xốp cứng (lớp hấp thụ xung động) ở phía trong MBH, chứ không phải lớp vỏ nhựa bên ngoài. Đây là lý do nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn những chiếc mũ màu sắc, thiếu an toàn cho trẻ, thậm chí là không đội.
Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban ATGT đã phối hợp với các đơn vị tài trợ triển khai dự án “MBH cho trẻ em”. Năm 2017, dự án đã bước vào năm thứ sáu và tiếp tục được triển khai ở 2 tỉnh Gia Lai và Quảng Nam, đồng thời mở rộng địa bàn tại Yên Bái. Tổng cộng có 20 trường tiểu học thuộc 3 tỉnh tham gia vào chương trình này trong năm học 2017 - 2018, với số lượng MBH đạt chuẩn được trao tặng là 5.100 mũ.
Bên cạnh đó, các bài học về an toàn giao thông cho học sinh vẫn được đưa vào giảng dạy chính khóa trên lớp. Các trường được lựa chọn đều nằm trong khu vực giao thông nguy hiểm với mật độ giao thông lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Hơn nữa, ý thức đội MBH của người dân chưa tốt, hầu hết MBH cho trẻ em được sử dụng đều không đạt chuẩn.
Theo thống kê, đội MBH đạt chuẩn giảm tỷ lệ chấn thương đầu 40-42%, giảm tỷ lệ qua đời vì chấn thương lên tới 60%. Còn MBH dỏm thì tỷ lệ là 0% và không bảo vệ người đi đường khi gặp tai nạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.