Hương vị quê hương : Nếp Tú Lệ

14/11/2005 21:24 GMT+7

Cúc cù cu! Cúc cù cu! Con chim gâu (cu gáy) ngân tiếng gáy dài nhắc lúa mùa vùng cao chín rộ, tôi mải miết theo quốc lộ 32 qua đèo ách, Mường Lò lên vùng cao Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Theo đúng phong tục người Thái, hôm nay là ngày con rồng, gia đình ông Tòng Văn Khó ở bản Phạ làm lễ Cơm mới - một nghi lễ truyền thống của đồng bào Thái để cảm tạ trời đất, tổ tiên cho vụ lúa bội thu.

Tôi may mắn trở thành khách quý của gia đình, bữa cơm hôm nay còn có mấy anh em cán bộ xã và cả Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn - kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hợp Đoàn và những nhà khoa học của Sở Khoa học - Công nghệ đang về đây nghiên cứu, phục tráng giống lúa nếp Tú Lệ.

 

Nghi lễ xong, bữa cỗ được bày ra. Chủ, khách cùng nhấp ngụm rượu trong thơm nồng; nhai nắm xôi dẻo quánh và húp thìa cháo cốm vịt xanh béo ngậy, tất cả đều được chế biến từ hạt nếp Tú Lệ mà theo tiếng địa phương là Tan lả. Truyền rằng có một tộc người Thái được tiên hiện ra cho một coóng thóc quý, ông tiên bảo rằng phải tìm được mảnh đất thích hợp thóc quý mới mọc thành cây lúa và cho nhiều hạt gạo dẻo thơm. Vâng lời tiên dạy, tộc người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến đâu thấy đất tốt cũng gieo trồng thử, nhưng nơi thì hạt gạo không nảy mầm, chỗ thì lúa không trổ bông hoặc có hạt thì gạo chẳng dẻo thơm như lời tiên dạy. Một ngày kia đoàn người Thái tới chân đèo Khâu Phạ thì dừng chân xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt. Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại vỡ ruộng trồng lúa, quả nhiên thóc tiên gieo xuống đã nhanh nảy mầm và rất tươi tốt, cuối vụ bông nào cũng to như cái đuôi trâu, đem ra cối giã thấy trắng trong và thơm phức, nếu cho vào chõ gỗ mà đồ thì dẻo thơm lạ kỳ. Từ đó Tan lả gắn bó với người Thái Tú Lệ và nhờ có hạt nếp dẻo thơm này mà đàn ông trong làng trong bản khỏe mạnh, vạm vỡ, bước chân băng rừng, lội suối không biết mỏi, con gái người Thái Tú Lệ thắt đáy lưng ong, làn da trắng ngần, miệng cười như hoa.

 

 Dưới góc độ khoa học, anh Nguyễn Hợp Đoàn cho biết gạo nếp Tú Lệ dẻo, thơm, ngon là bởi được gieo trồng trên một nền đất hiếm (với các nguyên tố như molybden, bo, kẽm), tầng phong hóa mỏng, nồng độ ka li trên phiến thạch mi ca lớn. Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khâu Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin lớn (lượng mạch tinh bột amino-pectin quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo). Thêm một yếu tố nữa là do cấu tượng của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ ngấm nước và khí hậu ở Tú Lệ trong lành nên sản xuất lúa ở Tú Lệ ít phải thâm canh, vì vậy gạo ở Tú Lệ là gạo sạch.

 

Việc sản xuất nếp Tú Lệ hiện nay chưa mang tính hàng hóa, năng suất còn thấp, chủ yếu cấy một vụ, một thương hiệu cho hạt nếp Tú Lệ vẫn chưa được xây dựng. Toàn xã Tú Lệ có 172 ha ruộng nhưng sản lượng thóc nếp chưa năm nào vượt qua con số 350 tấn. Được biết huyện Văn Chấn đã có chương trình phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành phục tráng cho cây nếp Tú Lệ nhằm tạo ra hạt giống có chất lượng cao, sạch bệnh.

 

Lê Phiên

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.