Khám phá người 'khám phá' Hà Nội

21/11/2010 09:37 GMT+7

Năm 2003, cuốn sách 'Ngõ phố Hà Nội những khám phá' của GS. Ito Tetsuji (hiện là giảng viên Trường Đại học Ibaraki- Nhật Bản) được xuất bản tại Việt Nam (do NXB Hội Nhà văn ấn hành) đã thu hút quan tâm của nhiều độc giả. Do sức hấp dẫn của cuốn sách, cuối năm 2009, 'Ngõ phố Hà Nội những khám phá' được tái bản. Gần đây, gặp GS. Ito Tetsuji trong lần anh trở lại Hà Nội, có dịp khám phá thêm về một người luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình...

Thích ngồi quán ven đường

Đầu tháng 11 vừa qua, GS. Ito Tetsuji trở lại Hà Nội để tham dự một cuộc Hội thảo quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Gặp vị GS bình dị này ngay khi Hội thảo kết thúc, được anh mở đầu câu chuyện bằng giọng cởi mở: “Tôi đến Hà Nội rất nhiều lần, nhưng vẫn thấy đây là một thành phố thật thú vị, ấm áp tình người”.

Nếu bất chợt nghe câu nói trên từ một người nước ngoài nào đó, có thể nghĩ đó là lời mang tính ngoại giao. Nhưng với những ai đã từng đọc Ngõ phố Hà Nội những khám phá, nhất là khi trò chuyện cùng tác giả - sẽ thấy đây là câu nói chân tình của một người yêu Hà Nội.

 

Giáo sư Ito Tetsuji và con gái - (Ảnh do nhân vật cung cấp)

... Mùa hè năm 1992, chàng thanh niên 28 tuổi Ito Tetsuji lần đầu đến Hà Nội theo đường du lịch. Anh đến Sài Gòn, rồi ra Hà Nội trên chuyến tàu cao tốc Bắc-Nam. Đến Hà Nội, Ito Tetsuji thấy đây là một thành phố yên tĩnh nhưng buồn và không tiện lắm trong các nhu cầu dịch vụ. Hà Nội lúc đó chưa gây ấn tượng đặc biệt gì đối với Ito Tetsuji.

Sau đó 6 năm, Ito Tetsuji có dịp trở lại và sống một thời gian dài tại Hà Nội (từ tháng 5-1998 đến tháng 2-1999) để thực hiện một đề tài nghiên cứu về văn hóa của Bộ Giáo dục Nhật Bản. Tại Hà Nội, Ito Tetsuji thuê một ngôi nhà trong ngõ để ở và cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây đã cuốn hút anh. Sau đó, vợ và con gái cũng sang sống cùng anh. Thế là gia đình Ito Tetsuji sống tại Hà Nội như rất nhiều người Việt Nam bình thường khác.

Là người tinh tế và dễ hòa đồng, Ito Tetsuji càng sống càng thấy Hà Nội hấp dẫn bởi những điều rất đời thường, giản dị. Ito Tetsuji thích ngồi thu mình trong chiếc ghế nhỏ nơi quán ven đường, vừa ăn bát phở Hà Nội, vừa đắm mình trong không gian ngõ phố. Thỉnh thoảng vào những buổi chiều se lạnh, anh lại có dịp ngồi nhâm nhi ly rượu và cùng cô con gái nhỏ nhể ốc ăn ngon lành. Ito Tetsuji cũng thích uống nước chè trên ngõ phố, uống bia hơi tại vỉa hè… để cảm nhận mọi nhịp sống của ngõ phố Hà Nội.

Dưới lăng kính ngõ phố Hà Nội của Ito Tetsuji, hình ảnh người phụ nữ bán bánh mỳ, cậu bé đánh giày, bác đạp xích lô, người bơm xe đạp, chị hàng rong…, những người chúng ta thường gặp hàng ngày nhưng lại dễ bị lãng quên nhất bỗng trở nên gần gũi hơn và là một phần của Hà Nội. Ito Tetsuji thậm chí còn phân biệt được tiếng rao của từng người bán hàng rong, để biết họ bán những mặt hàng gì…

“Tôi mong muốn Hà Nội không vội vàng, không hấp tấp, bình tĩnh đi lên mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp.  - Ito Tetsuji”.

Ito Tetsuji thuê một người hàng xóm để giúp việc nhà, rồi dần dà gia đình hai bên quan hệ với nhau không khác gì người thân. Một phụ nữ lớn tuổi bán nước chè, gia cảnh nghèo, nhưng khi đã quen thân với Ito Tetsuji thường xuyên không chịu lấy tiền khi anh đến uống nước, đến khi biết anh về nước còn biếu một hộp chè to. Một gia đình gần nhà gói bánh chưng bán ngày tết, Ito Tetsuji đứng xem và đặt mua, không ngờ ít ngày sau họ mang bánh cho anh và nhất định không chịu lấy tiền… Tình cảm này được Ito Tetsuji thể hiện khá tỉ mỉ trong cuốn sách, với những tình cảm chan chứa.

Với trải nghiệm của mình, Ito Tetsuji cũng đưa vào cuốn sách những nét chưa đẹp lắm của Hà Nội. Đó là đâu đó người dân cãi nhau, sai hẹn (giờ cao su), nhiều nhà thích lấn một chút ra ngõ để sinh hoạt riêng, tệ lấn chiếm vỉa hè lòng đường…Những điều này được anh mô tả nhẹ nhàng, hóm hỉnh trong sách, khiến người đọc có thể bật cười trước những góc khuất của Hà Nội.

Góc nhìn nhân văn

Trong Ngõ phố Hà Nội những khám phá, Ito Tetsuji khiêm tốn coi đó là những ghi chép tản mạn, chắp nhặt trong quãng thời gian sống ở Hà Nội 10 tháng nên gọi là tùy bút sẽ thích hợp hơn. Anh tâm sự: “Khi xuất bản cuốn sách tại Việt Nam, thực lòng, tôi vừa cảm thấy xấu hổ vừa hồi hộp. Tôi lo sẽ có người chê trách mới sống tại đây có 10 tháng thì đã hiểu gì về Việt Nam. Nhưng với mong muốn được giãi bày tâm sự của mình với người Việt Nam, muốn những người bạn Việt Nam đã từng giúp đỡ tôi và gia đình trong thời gian qua hiểu hơn về mình, nên tôi quyết định xuất bản cuốn sách”.

 

Ito Tetsuji sinh năm 1964 tại Nagoya (Nhật Bản). Năm 1987: Tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, tổ triết học, khoa Văn học, Trường Đại học Nagoya. Năm 1995: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tâm lý tại Trường Đại học Ibaraki. Năm 1996: Được phong chức danh Phó Giáo sư tâm lý học xã hội. Năm 1998-1999: Nghiên cứu thực tế tại Việt Nam, chuyên đề tâm lý học xã hội. Năm 2006: Được phong chức danh Giáo sư tâm lý học. Hiện giảng dạy và công tác tại khoa Nhân văn học, Trường Đại học Ibaraki.

Trái với sự lo lắng của Ito Tetsuji, khi xuất bản, sách được bán hết veo và giành được nhiều thiện cảm của độc giả. Đọc sách, nhiều người từng sống lâu năm tại Hà Nội thấy rằng có những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, đời thường nhưng lại có duyên đến vậy mà mình chẳng khám phá ra. Ito Tetsuji nhận được nhiều phản hồi bằng e-mail, không chỉ từ người Việt Nam mà cả người nước ngoài.

Những phản hồi như: “Tôi nghĩ đây đích thị là Hà Nội”, “Tôi ngạc nhiên vì sự miêu tả tường tận về Hà Nội của cuốn sách”, “Vợ tôi say sưa đọc sách đến nỗi chảo cá cháy đen hết cả”, “Tôi vừa đọc sách vừa cười đến nỗi đứa cháu nhỏ hỏi bà ơi bà cười gì thế?”… Có người còn trực tiếp gặp Ito Tetsuji, nói: “Nếu được xuất bản bằng tiếng Anh thì cuốn sách này sẽ là “must read” (nên đọc) đối với những người nước ngoài tới thăm Hà Nội”.

Qua Ngõ phố Hà Nội những khám phá, có thể thấy để nghiên cứu một nền văn hóa khác, không đơn thuần là tìm hiểu một cách khách quan nền văn hóa đó mà bản thân cũng phải hòa mình vào dòng chảy này một cách thực sự, tự nhiên. Ito Tetsuji đã sống thật, viết thật với góc nhìn nhân văn về Hà Nội, để từ đó khái quát nên những nét văn hóa về con người và sinh hoạt nơi đây.

Anh giãi bày: “Văn hóa là cái gì đó rất đỗi bình thường, tưởng chừng như là điều hiển nhiên, ngay cả sự vận động và biến đổi của nó cũng diễn ra một cách vô hình và không ồn ào, đến nỗi ta thường không để ý tới. Nhưng để đề cập tới một điều bình thường, có lẽ lại khó hơn cả”.

Văn hóa ngõ phố Hà Nội dường như ngấm sâu vào Ito Tetsuji. Kết thúc thời gian nghiên cứu và trở về Nhật, đối với anh là sự thay đổi không nhỏ. Ito Tetsuji tâm sự: “Dường như cú sốc trở về Nhật Bản còn lớn hơn cả sốc khi đến Hà Nội. Để trở lại nhịp sống như trước, tôi cần thời gian dài hơn cả thời gian để thích ứng với cuộc sống ở Hà Nội” . Rồi anh cho biết, về nước, con gái Akane của anh thỉnh thoảng lại nằm mơ và gọi tên những người cháu quen khi sống ở Hà Nội… Sau đó, Ito Tetsuji có dịp đưa gia đình (thêm con trai được sinh sau khi trở lại Nhật Bản) trở lại Hà Nội vài lần và muốn các con mình khi lớn lên sẽ tự du lịch đến Hà Nội.

“Akane còn 4 năm nữa sẽ vào đại học. Mà đã là sinh viên thì thường rất độc lập, Akane có thể trở lại Hà Nội để gặp lại những người đã từng chăm sóc cháu trước kia. Tuy nhiên tôi không nhắc cháu, mà chỉ quan sát xem cháu có tự mình làm việc này không”- Ito Tetsuji nói thêm.

Kể cả những chuyến trở lại Hà Nội cùng gia đình cũng như nhiều lần đi công tác khác, Ito Tetsuji đều không có dịp lưu lại Hà Nội lâu. Tuy nhiên trong mỗi chuyến đi, anh vẫn để tâm quan sát Hà Nội, thấy được sự thay đổi như một quy luật tất yếu, nhưng Thủ đô Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa ngõ phố thuở nào.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.