|
Nếu cứ mãi trằn trọc mà vẫn không chợp mắt, thử nhìn qua cửa sổ phòng bạn. Kết quả nghiên cứu mới cho thấy mặt trăng có thể là thủ phạm cho những đêm thiếu ngủ, và giấc ngủ có thể hụt đến 50 phút/đêm ở những người tình nguyện. Thậm chí khi một nhóm được chuyển vào ngủ trong một căn phòng tối như mực, không hề có cửa sổ, họ cũng phải loay hoay trên giường đến 25 phút so với bình thường vào những đêm trăng tròn. Cuộc nghiên cứu này đã cung cấp thêm chứng cứ khoa học cho những lời truyền miệng trong dân gian qua nhiều thế kỷ, rằng sự thay đổi trong hành vi của con người có liên quan đến chu kỳ của mặt trăng. Dù không góp phần xác nhận những câu chuyện về người sói, nhưng cuộc nghiên cứu đích thực đã đưa ra những câu hỏi về mối quan hệ giữa đồng hồ sinh học với chuyển động của mặt trăng.
Giới khoa học đã nắm trong tay chứng cứ rõ ràng về sự tồn tại và hoạt động của nhịp sinh học ở cơ thể người. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều xoay quanh giả thuyết cho rằng có sự hiện diện của nhịp sinh học mặt trăng, còn gọi là nhịp trăng kỳ. Về vấn đề này, Trưởng nhóm Michael Smith, nghiên cứu sinh của Đại học Gothenburg (Thụy Điển) kết luận: “Cơ thể nhiều khả năng có nhịp trăng kỳ”. Theo đó, chức năng này có thể là một ưu thế hình thành trong quá trình tiến hóa để con người trở nên tích cực hơn vào những đêm trăng sáng cho các hoạt động như săn bắn hoặc luôn trong tình trạng cảnh giác trước các mối đe dọa.
Phát hiện mới, được công bố trên chuyên san Current Biology, dựa trên những kết quả thu được từ một cuộc thí nghiệm trước đó với 47 người được yêu cầu ngủ trong điều kiện được sắp xếp suốt 6 đêm. Cuộc nghiên cứu này tập trung vào việc con người phản ứng như thế nào trước tiếng ồn trong khi ngủ, nhưng chuyên gia Smith đã thẩm định lại kết quả và so sánh chúng với chu kỳ mặt trăng. Kết quả cho thấy những người tình nguyện trung bình ngủ ít hơn khoảng 25 phút khi gần đến thời điểm trăng tròn. Trong số này, đàn ông đặc biệt bị ảnh hưởng mạnh bởi trăng kỳ, với thời gian mất ngủ lên đến 50 phút/đêm. Bên cạnh đó, mọi đối tượng đều nhạy cảm hơn với âm thanh bên ngoài trong thời gian trăng tròn. Nơi ngủ trong phòng thí nghiệm không có cửa sổ, loại bỏ ảnh hưởng của ánh sáng.
Chuyên gia Smith thừa nhận rằng cần phải triển khai thêm các cuộc thí nghiệm trước khi rút ra kết luận chắc chắn về sự liên hệ giữa đêm trăng tròn với cơ thể người. Russell Foster, giáo sư của Đại học Oxford (Anh), cũng đồng ý rằng nên mở rộng cuộc nghiên cứu trước khi đưa ra kết quả phủ định báo cáo của chuyên gia Smith. Trước đây, các chuyên gia Anh cũng đưa ra báo cáo cho thấy con người thường có những giấc mơ đầy sinh động vào thời điểm trăng rằm. Nhà tâm lý học Richard Wiseman của Đại học Hertfordshire phát hiện nội dung các giấc mơ của con người không thay đổi theo mùa hoặc theo ngày trong tuần, nhưng vào lúc trăng sáng nhất trong tháng, những giấc mơ “lạ lùng và kỳ quái” diễn ra thường xuyên hơn.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)