Hóa giải bí ẩn đá biết đi ở thung lũng Chết

03/09/2014 03:00 GMT+7

Lần đầu tiên con người đã quan sát tận mắt sự di chuyển bí ẩn của đá tại thung lũng Chết ở Mỹ, và quay phim toàn bộ quá trình này.

Lần đầu tiên con người đã quan sát tận mắt sự di chuyển bí ẩn của đá tại thung lũng Chết ở Mỹ, và quay phim toàn bộ quá trình này.

Hóa giải bí ẩn đá biết đi ở thung lũng Chết 1 

Racetrack Playa, vùng lòng hồ cằn cỗi ở công viên quốc gia thung lũng Chết tại bang California, là quê hương của một trong những kỳ quan tự nhiên của thế giới: những hòn đá không chân nhưng lại di chuyển một cách bí ẩn trên mặt bùn khô rát, để lại các vệt dài đằng sau chúng. Trong bối cảnh nhiệt độ vào mùa hè có thể lên đến 49 độ C, còn ban đêm rớt xuống ngưỡng đóng băng, những khối đá thần bí, một số nặng đến 320 kg, nằm rải rác khắp lòng hồ, kéo theo những vệt dài phía sau.

Kể từ thập niên 1940, những hòn đá này làm dấy lên đủ loại tin đồn lẫn giả thuyết quái dị, từ các lực đẩy tự nhiên như gió, bụi, đến trượt trên băng đá hay rong rêu ẩm ướt, hoặc do một năng lượng thần bí nào đó bên dưới lòng đất. Tuy nhiên, không một giả thuyết nào được chứng minh, cũng như chẳng ai từng thấy chúng “đi”, cho đến mới đây. Một nhóm các chuyên gia của Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California tại San Diego (Mỹ) đã quyết tâm khám phá bí mật tại thung lũng Chết. Từ mùa đông năm 2011, họ mang đến một trạm thời tiết độ phân giải cao và một vài camera tua nhanh thời gian, và đặt 15 tảng đá gắn thiết bị GPS rải rác khắp nơi (không được phép sử dụng đá có sẵn tại thung lũng Chết). Và họ chờ đợi.

 Hóa giải bí ẩn đá biết đi ở thung lũng Chết 2
Đá biết đi tại thung lũng Chết - Ảnh: AFP - NatGeo

Do các hòn đá rất hiếm khi di chuyển, có thể 10 năm 1 lần, các chuyên gia chuẩn bị sẵn tinh thần là phải chờ lâu. Tuy nhiên, vận may đã đến. Jim Norris và Richard Norris đã đến khu vực đang quan sát hồi tháng 12.2013 và phát hiện lòng hồ bị bao phủ bởi một lớp nước dày 7 cm. “Vào ngày 21.12.2013, băng tan ngay giữa trưa, với những tiếng nứt và nổ lốp bốp đến từ mặt hồ đóng băng”, NBC dẫn lời Richard Norris. Họ biết rằng thời khắc đã đến. Hóa ra, sự chuyển động đòi hỏi một sự trùng khớp hết sức hoàn hảo của các sự kiện nối tiếp nhau. Đầu tiên, lòng hồ phải ngập nước, đủ để hình thành lớp băng bề mặt trong mùa đông, nhưng vẫn đủ cạn để các hòn đá lộ ra. Khi nhiệt độ rơi xuống ngưỡng đóng băng vào ban đêm, mặt hồ đông lại thành những tấm băng như ô kính, đủ dày để duy trì sức nặng nhưng đủ mỏng để di chuyển tùy ý. Cuối cùng, khi mặt trời ló dạng, lớp băng tan và vỡ thành những mảng nổi khác nhau; và chúng bị thổi đi tứ phía dưới tác động của gió, đẩy những hòn đá phía trước mặt đi nơi khác.

Những tấm băng chỉ dày từ 3 - 5 mm, di chuyển trước sức gió từ 3 - 5 m/giây, đẩy các hòn đá đi với tốc độ vài cm/giây - mức tốc độ hầu như không thể nào cảm nhận được trừ phi bạn biết mình cần tập trung sự chú ý vào đối tượng nào. Có vẻ như đã tìm ra lời giải cho những hòn đá nhỏ, nhưng liệu các khối đá lớn có chung một cơ chế chuyển động như vậy không? Khi chưa trả lời được câu hỏi này, những người thiên về giả thuyết siêu nhiên vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng bên dưới Racetrack Playa ắt hẳn đang chôn giấu một nguồn năng lượng bí ẩn nào đó vẫn chưa được khám phá, theo báo cáo đăng trên chuyên san PLOS One.

Hạo Nhiên 

>> Đá bí ẩn bị "xoáy" khỏi Thung lũng Chết
>> Bí mật thung lũng Chết  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.