Mỹ: Tàu Endeavour lắp ghép thành công vào Trạm không gian quốc tế

13/08/2007 00:22 GMT+7

(TNO) Sáng sớm thứ bảy 11.8 (giờ VN), theo thông báo từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Phi thuyền con thoi Endeavour đã lắp ghép thành công vào Trạm không gian quốc tế ISS trên bầu trời phía nam Thái Bình Dương cách trái đất 320 km sau hành trình hai ngày .

Một ngày sau khi phi thuyền con thoi Endeavour lắp ghép thành công với ISS, hai phi hành gia Rick Mastracchio người Mỹ và Dave Williams người Canada đã có chuyến đi bộ đầu tiên ra ngoài không gian.


Đi bộ ngoài khoảng không vũ trụ - Ảnh: AP

Họ đã ở bên ngoài khoảng không vũ trụ suốt 6 giờ 17 phút để chuyển một bộ phận mới mang tên "Starboard 5" của hệ thống pin mặt trời (có kích thước 3,37 x 4,24 m, nặng 1,58 tấn) từ tàu con thoi Endeavour sang lắp đặt ở vị trí bên ngoài trạm. Để chuyển và lắp đặt tấm panel này, phi hành gia Charles Hobaugh ngồi trong tàu Endeavour điều khiển một cánh tay robot giữ nó trong thời gian hai phi hành gia bên ngoài thực hiện việc lắp ghép với giàn "Starboard 4".

Trong khi đó, dưới mặt đất, các chuyên gia NASA đang bận rộn phân tích những hình ảnh chụp được tại thời điểm tàu Endeavour xuất phát. Các hình ảnh thu được cho thấy dường như có một vết nứt rộng khoảng 19 cm2 trên lớp cách nhiệt của tàu nằm gần cửa hầm của một bộ phận hạ cánh. Theo ông John Shannon, phụ trách giám sát chuyến bay, vết nứt trên có thể do một mảnh băng đã va vào tàu ở giây thứ 58 sau khi Endeavour cất cánh từ Mũi Canaveral, bang Florida.


Cánh tay robot - Ảnh: NASA

Hiện NASA đang xác định độ sâu của vết nứt này và tính toán ảnh hưởng của nó với sự an toàn của con tàu để xác định cách xử lý. Không loại trừ khả năng lần thứ hai trong lịch sử tàu con thoi, các phi hành gia phải tiến hành việc sửa chữa Endeavour ngay khi nó đang bay trên quỹ đạo.


Thiết bị SPACEHAB do Endeavour mang lên cho ISS -            Ảnh: NASA

Cần nhắc lại rằng phi thuyền con thoi Columbia trên hành trình trở về trái đất vào ngày 1.2.2003 đã nổ tung do một mảnh vỡ ở lớp cách nhiệt trên cánh trái gây ra.

Vĩnh Bảo (theo NASA, Xinhua)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.