Không để sự cố môi trường làm dân tái nghèo: Quyết liệt với vấn nạn ô nhiễm

17/10/2016 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Không để sự cố môi trường làm dân tái nghèo đăng trên Thanh Niên ngày 16.10.

Hậu quả nghiêm trọng
Thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường thường tập trung vào các dự án lớn do nước ngoài lẫn trong nước đầu tư. Do quy mô lớn nên khi gây ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng ngàn, hàng triệu người dân. Đây là lý do giờ đây khi nghe dự án lớn đầu tư trên quê hương mình thì người dân tỏ ra lo lắng hơn là mừng vui. Do đó, trước những chỉ đạo của Thủ tướng trong vấn đề bảo vệ môi trường, để tránh tái nghèo thì các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến các dự án lớn có nguy cơ gây ô nhiễm, thảm họa môi trường để tránh những hậu quả đáng tiếc cho người dân.
Nguyễn Minh Trường
(TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)
Khốn khổ vì ô nhiễm
Quê tôi có những cái bàu rất rộng, ngày xưa, đấy là nơi sinh sôi nảy nở của rất nhiều cá, tôm… Đó cũng chính là nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình với nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, thời gian gần đây họ đành thất nghiệp, cuộc sống trở nên khó khăn vì bị ô nhiễm nặng, cá tôm chết dần, người dân cũng không dám ăn cá ở bàu do sợ nhiễm độc. Nguyên nhân ô nhiễm có nhiều, trong đó có một phần từ sự xả thải của các doanh nghiệp trú đóng dọc bàu cũng như ý thức về môi trường của người dân ngày càng kém. Nói như thế để thấy môi trường ô nhiễm sẽ khiến bao người, bao gia đình rơi vào cơ cực. Từ đó, chuyện tái nghèo, lâm vào cảnh nghèo vì sự cố môi trường là điều rất hiển nhiên.
Lê Thị Thanh Thúy
(H.Đại Lộc, Quảng Nam)
Dân phải tha phương
Nếu công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án kinh tế không được giải quyết một cách triệt để, quyết liệt thì dễ có nguy cơ xuất hiện những thảm họa môi trường mới. Một khi môi trường bị ô nhiễm, đe dọa thì người dân không thể tiếp tục sinh sống gần dự án, phải bỏ quê hương, xứ sở ra đi, tìm kế sinh nhai mới. Lúc này, các hộ di dân này rất có thể trở thành những hộ nghèo của địa phương nơi họ đến. Đó là một trong những hậu quả nặng nề của ô nhiễm môi trường mà chính quyền, nhà nước cần lưu tâm khi chăm lo đời sống cho người dân.
Trần Thị Kim Huyền
(TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Ủng hộ
Tôi cũng như mọi người dân đều ủng hộ chủ trương giữ gìn môi trường trong sạch. Phát triển kinh tế luôn đi đôi với bảo vệ môi trường, có như thế thì sự phát triển đó mới thực sự bền vững. Nền kinh tế bền vững, môi trường bền vững thì sẽ cải thiện được tình trạng nghèo đói. Để đạt được điều đó các địa phương khi xét duyệt dự án đầu tư cần phải hết sức chú trọng đến công tác đánh giá tác động môi trường. Nên quyết liệt nói không với những dự án chưa, không có đánh giá tác động môi trường cũng như những dự án áp dụng công nghệ quá lạc hậu, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường mà thế giới đã “chê”. Làm được như vậy, chính quyền địa phương đó sẽ không còn lo lắng về tình trạng hộ nghèo mới phát sinh hay tình trạng tái nghèo tăng cao.
Lê Hoàng Phúc
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Vòng luẩn quẩn
Nhiều địa phương chưa phát triển kinh tế, còn nghèo nên bất chấp ô nhiễm, chấp thuận cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm đầu tư để phát triển kinh tế. Rồi khi dự án đó đi vào hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh kế đến hàng ngàn người dân thì cái nghèo lại tái lập, dân không thoát nghèo mà còn khổ hơn. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn đó chẳng biết bao giờ chấm dứt. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này thì phải kiên quyết bảo vệ môi trường, không vì bất kỳ lý do nào để môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng.
Nguyễn Thanh Hằng
(Q.9, TP.HCM)
Nguyễn Hoài Khanh
Một trong những nguyên nhân của nghèo đói, khốn khó là vì ô nhiễm môi trường. Điều này thực tế đã chứng minh đối với người dân ven biển miền Trung sau sự cố Formosa. Vì vậy, các địa phương cần phải quyết liệt ngăn chặn nạn ô nhiễm môi trường theo như chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng. Theo tôi, địa phương nào làm không nghiêm túc vấn đề này thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân, và phải xử lý thật nghiêm minh. Có như vậy đời sống người dân mới khá lên được.
Nguyễn Hoài Khanh 
(Q.4, TP.HCM)
Sự cố môi trường làm dân tái nghèo là đương nhiên. Một gia đình có một người bị ung thư đồng nghĩa với việc gia sản của gia đình đó bay theo căn bệnh, thậm chí còn rơi vào cảnh nợ nần, nghèo khó. Người dân chỉ thực sự vươn lên làm giàu khi sống trong một môi trường sạch để bảo đảm sức khỏe, có sức khỏe con người mới có thể làm ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội, thoát nghèo.
Nguyễn Quang Dũng
 (H.Hóc Môn, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.