'Khu rừng chết' ở Nhật

06/01/2018 18:39 GMT+7

Khu rừng Aokigahara được coi là điểm đến số 1 của những người muốn tự sát ở Nhật Bản.

Hồi tháng trước, nam diễn viên người Mỹ Logan Paul (22 tuổi) đưa lên YouTube đoạn phim quay thi thể phân hủy của một người đàn ông tự sát bằng cách treo cổ trong khu rừng Aokigahara thuộc tỉnh Yamanashi của Nhật Bản. Đoạn phim thu hút 6,3 triệu lượt xem chỉ trong vòng 24 giờ sau khi được đưa lên, theo tạp chí New York. Tuy nhiên, Paul đã bị nhiều cư dân mạng, trong đó có những người nổi tiếng, chính trị gia, chỉ trích là vô cảm đối với nạn nhân tự sát. Paul sau đó phải gỡ đoạn phim xuống, viết lời xin lỗi trên Twitter vào ngày 1.1. Paul thừa nhận hành động của mình là vô trách nhiệm nhưng bác bỏ cáo buộc trêu chọc nạn nhân và dùng đoạn phim để trục lợi.
Diễn viên Logan Paul trong khu rừng Aokigahara. Ảnh Chụp từ clip
Đoạn phim gây tranh cãi đã thu hút sự quan tâm đối với “khu rừng tự sát” Aokigahara và xới lại cuộc tranh luận về nâng cao nhận thức phòng chống tự sát ở Nhật Bản. Aokigahara, còn gọi là Biển Cây, nằm ngay chân núi Phú Sĩ, được nhiều du khách tìm đến nhờ có 2 hang động, theo trang Aokigaharaforest.com. Tuy nhiên, khu rừng này vắng lặng đến mức nhiều người Nhật xem đó là nơi bị ma ám và không dám bén mảng. Aokigahara trở thành địa điểm tự sát phổ biến từ thập niên 1960, khi một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của tác giả người Nhật Seicho Matsumoto kể về một cặp đôi tự sát ở đó. Đến năm 1993, nhà văn người Nhật Wataru Tsurumi còn cho ra đời một cuốn sách trong đó viết rằng Aokigahara là nơi tự sát hoàn hảo và mô tả một số địa điểm để kết liễu cuộc đời mà không bị phát hiện thi thể. Cuốn sách này bị cho là đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ tự sát ở Nhật.
Hiện không rõ con số chính xác về người tự sát ở Aokigahara vì trong những năm gần đây cảnh sát Nhật đã ngưng công bố số liệu này nhằm giảm trường hợp tự sát, theo Aokigaharaforest.com. Lần gần nhất cảnh sát Nhật công bố số liệu là vào năm 2003, khi có 105 trường hợp tự sát ở Aokigahara, vượt con số kỷ lục 78 của năm 2002. Trong khi đó, tờ The Japan Times dẫn hồ sơ cảnh sát cho hay trong năm 2010 có 247 người muốn tự sát ở Aokigahara, trong đó có 54 người hoàn thành ý nguyện. Còn trong giai đoạn 2013 - 2015 có hơn 100 người đến Aokigahara tự sát, theo CNN dẫn số liệu từ chính quyền địa phương. Đối tượng đến Aokigahara tự sát thường là nam giới trong độ tuổi 40 - 50 và cách tự sát phổ biến là treo cổ hoặc uống thuốc quá liều. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN hồi năm 2009, ông Taro, từng đến Aokigahara tự sát bất thành, cho hay số trường hợp tự sát ở Aokigahara đặc biệt gia tăng vào tháng 3, tháng cuối cùng trong năm tài chính của Nhật “vì nền kinh tế xấu”.
“Mạng sống là món quà quý giá”
Trong những năm qua, giới chức địa phương đã dùng nhiều biện pháp ngăn chặn nạn tự sát ở khu rừng Aokigahara, chẳng hạn dựng một số biển cảnh báo tại cổng vào với nội dung khuyên đừng tự sát. Trong đó có một biển mang dòng chữ: “Mạng sống là món quà quý giá do cha mẹ cho bạn” và một biển báo khác viết: “Hãy nghĩ kỹ về cha mẹ, anh chị em và con của bạn. Đừng chịu đựng một mình mà trước tiên hãy nhờ người khác giúp đỡ”. Nhà chức trách còn huấn luyện những người tình nguyện trò chuyện với đối tượng có nguy cơ tự sát. Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên dường như không mang hiệu quả cao vì Aokigahara rộng tới 4.000 ha nên những người có ý định tự sát có thể vào khu rừng này theo nhiều lối khác nhau, theo tờ The Japan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.