'Khủng bố' điện thoại, email để quảng cáo - Kỳ 1: Phát điên với tin nhắn, alo

04/08/2016 14:15 GMT+7

“Có khi đang chạy xe giữa trời nắng nóng có điện thoại phải tranh thủ tấp vô, nghe thấy mời mua bảo hiểm bực không thể tả được”, chị Nguyễn Thu Hà (ngụ quận 12, TP.HCM) bức xúc.

Khi công nghệ phát triển thì cũng là lúc, đại bộ phận thị dân phải chịu cảnh phiền nhiễu điên đầu từ các công ty kinh doanh. Việc tin nhắn rác, gọi điện thoại chào mời mua nhà, bất động sản, dự hội thảo, mua bảo hiểm đã không còn xa lạ với nhiều người dân Sài Gòn, Hà Nội... Bên cạnh cuộc sống bộn bề, giờ đây họ còn phải đối mặt thêm các tin nhắn rác, các cuộc điện thoại cứ liên tục.... không mời mà đến!
Bất kể thời gian
Chị Hà cho biết mỗi ngày phải nhận gần chục cuộc gọi từ bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo mỹ phẩm, mời đi hội thảo, mời mọc mua nhà, mua đất. Luôn thẳng thừng từ chối nhưng cách vài ngày thì những công ty này lại gọi: “Bực đến mức tôi phải gọi lên tổng đài và được hướng dẫn chặn cuộc gọi, nhưng chặn số này thì số khác lại gọi”.
Tương tự, anh Trương Minh Trí (32 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) nhân viên văn phòng, cho biết gần 1 năm qua liên tục bị nhân viên công ty bảo hiểm Dai - ichi Life gọi chào mời dịch vụ. Anh đã gọi lên tổng đài công ty 6 lần yêu cầu ngưng lại. 

Nhiều khi mới sáng sớm ra những nhân viên này đã gọi, để chứng minh quyền lợi của người mua họ nói nếu anh chết thì người nhà anh được 2 tỷ, tai nạn thì được ít hơn. Nghe mà cứ như trù ẻo vậy.

Anh N.Q.Q. (một luật sư ở TP.HCM)

“Họ gọi bất kể thời gian, một tháng hơn 3 lần. Cách đây 2 hôm, tôi lại nhận được điện thoại mời mua bảo hiểm và có gọi lên công ty thông báo thì được phía công ty nói xem xét và sẽ gọi điện trở lại, nhưng đến nay vẫn không nhận được cuộc nào. Tôi cảm thấy dường như công ty không còn kiểm soát được nhân viên của họ nữa”, anh Trí thở dài.
Chị Nguyễn Thị T. (38 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) cho biết, thời gian trước có ghé một cửa hàng điện máy mua máy giặt 12 kg hiệu Aqua. Do có chế độ bảo hành, nên chị T. để lại số điện thoại. Từ đó, chị liên tục nhận được cuộc gọi của bảo hiểm Dai - ichi Life.
Tuy nhiên, những ngày sau, một nhân viên khác của công ty này tiếp tục gọi và xin địa chỉ với lý do có món quà tri ân cho khách hàng.
Vài hôm sau có một nhân viên giao tận nhà cái phong bì với thiệp mời tham dự hội nghị của công ty và tiệc tri ân. Đến ngày chị T. liên tục được nhân viên gọi điện nhắc nhở. Nhưng khi đến dự thì phải ngồi nghe các chính sách ưu đãi từ 18 giờ 30 đến 21 giờ mới có cái tiệc nhỏ.
Do thấy có nhiều chính sách không phù hợp nên chị T. quyết định không sử dụng dịch vụ bảo hiểm của Dai - ichi Life. Từ hôm đó về hơn 10 ngày sau, mỗi ngày chị T. nhận được từ 2 - 3 cuộc gọi từ công ty thuyết phục.
“Thật sự tôi thấy quá mệt mỏi, nhân viên gọi liên tục làm tôi mất thời gian và bị làm phiền, trong khi công việc kinh doanh quá bận rộn. Tôi đã từ chối thẳng thừng nhưng hết nhân viên này rồi đến nhân viên khác gọi như một cái máy mặc định. Họ đâu biết rằng, cách mời như vậy làm khách hàng ghét công ty thêm. Cách đây mấy hôm, cũng có nhân viên công ty này nhắn tin nói gửi thiệp mời tri ân khách hàng như xưa. Tôi có trả lời không tham gia nữa, không biết họ có gọi điện khủng bố tôi như thời gian trước nữa không”, chị T. than thở.
Anh N.Q.Q. (một luật sư ở TP.HCM) cho biết mỗi ngày anh nhận tới 5 cuộc gọi mời mua bảo hiểm: “Nhiều khi mới sáng sớm những nhân viên này đã gọi, để chứng minh quyền lợi của người mua họ nói nếu anh chết thì người nhà anh được 2 tỷ, tai nạn thì được ít hơn. Nghe mà cứ như trù ẻo vậy”.
Đủ kiểu 'khủng bố'
Anh Nguyễn Tấn Lực (32 tuổi, ngụ Q.12) cho biết, không biết số điện thoại mình người nào phát tán ra ngoài mà tin nhắn quảng cáo tới liên tục, nhất là các dịch vụ bán sim giá rẻ, bán nhà kiểu mẫu, đất và căn hộ chung cư, bói toán các kiểu... Chỉ cần một tuần không xóa là phải chứa một rừng tin nhắn rác.
Quảng cáo qua tin nhắn
Quảng cáo qua tin nhắn Ảnh: P.H
“Mỗi ngày trung bình nhận từ 1 - 2 tin, có ngày nhận 4 tin... muốn chặn hết số cũng không xuể, vì hết thuê bao này tới thuê bao khác gửi đến. Thậm chí, có số điện thoại lạ gửi thông báo thuê bao tôi nằm trong diện đặc biệt trúng thưởng xe SH, để xác nhận lãnh thưởng soạn ok gửi 9157. Do tưởng thật, tôi soạn cú pháp gửi liền bị trừ 20.000 đồng”, anh Lực bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Hương Giang (34 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty tại Q.1) cho biết hầu hết công việc hằng ngày trao đổi các văn bản, hình ảnh, thư từ với đồng nghiệp đều bằng email.
Tuy nhiên, mỗi khi có email mới, mở ra xem thì nguyên một loạt thư đến với đủ loại quảng cáo từ bất động sản đến bán hàng online, phải dò qua vài lượt mới thấy tên đồng nghiệp. Rồi phải mất thời gian lọc và xóa mail rất phiền phức.
Quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn và cả email
Quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn và cả email Ảnh chụp màn hình
“Khổ nhất là những lúc đi xe máy ngoài đường, do có kết nối 3G nên mỗi khi điện thoại vang lên thông báo thì phải dừng xe lại kiểm tra xem có công việc đột xuất không, nhưng nhiều lúc mở ra chỉ là thư rác thật sự rất khó chịu, nhưng phải chấp nhận vì không biết làm gì hơn”, chị Giang chia sẻ.
Nhiều bạn đọc gọi Đường dây nóng Thanh Niên rất bức xúc trước tình trạng quấy nhiễu và tra tấn kiểu này. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao số điện thoại, thông tin cá nhân, email của mình lại được nhân viên các công ty này nắm rõ. Vì sao họ có được các thông tin của hàng triệu khách hàng và người bị làm phiền có thể khởi kiện ra tòa về chuyện xâm phạm đời tư cá nhân hay không?   
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.