Kỳ lân Chợ Lớn: Ông Địa tái thế

30/05/2018 10:06 GMT+7

Trong thế giới kỳ lân, ông Địa được ví như Bồ tát, thuần phục con lân từ một linh thú dữ tợn, trở nên hiền lành, gần gũi với con người.

Các lò lân vùng Chợ Lớn khi trình diễn luôn có ông Địa song hành, đùa giỡn cùng lân, dẫn dắt lân phá trận, làm nhân vật kết nối giữa lân và khán giả... Ông Địa giữ một vai trò quan trọng, nhưng rất hiếm người chịu nhận vai.
Trong thế giới kỳ lân, ông Địa được ví như Bồ tát, thuần phục con lân từ một linh thú dữ tợn, trở nên hiền lành, gần gũi với con người. Lân - Địa song hành cùng các bài múa kinh điển như Lân hí Địa với mong ước đem lại đoàn viên, tài lộc và hạnh phúc.

Tuy vậy, các võ sinh vùng Chợ Lớn xưa khi nhập môn luyện võ, ai cũng mong ước được sư phụ cho học múa lân, hoặc trình diễn đi quyền, song đấu, biểu diễn nội - ngoại công, binh khí… hơn là độn bụng phệ, đeo mặt nạ ông Địa, tay cầm quạt ẹo ẹo những động tác gây cười, không giống khí thế của người luyện võ.
Nghệ thuật múa Địa
Nhân vật ông Địa cũng xuất hiện một cao thủ đặc biệt là võ sư Châu Minh Quang thuộc phái Thiếu Lâm Hồng Gia. Ông không theo một đoàn lân cụ thể nào, hễ ai mời thì đi diễn.
Sinh thời, Châu Minh Quang nổi tiếng khắp Chợ Lớn, được người đời ví là lão ngoan đồng Châu Bá Thông (nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung) tái thế. Phần vì cùng họ Châu, phần vì tính tình hiền lành, rất thân thiện nên hễ ông đi đến đâu, trẻ già lớn bé đều tụ lại nghe ông nói chuyện, diễn trò hài hước.
Võ sư Huỳnh Chí Dân, chưởng môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, từng có nhiều thời gian gặp gỡ võ sư Châu Minh Quang, cho biết: “Cái khó của múa ông Địa là khi đeo mặt nạ, hình thái khuôn mặt không thay đổi, nhưng phải làm cho người ta nhìn vào mà cười. Do vậy các động tác phải vừa phù hợp trống lân, vừa tạo sự vui nhộn. Võ sư Châu Minh Quang nổi tiếng nhất Chợ Lớn với biệt tài múa địa và Trư Bát Giới, bởi ông luôn sáng tác những dáng thế lạ, mỗi khi nhập thần, ông tạo được nhiều xúc cảm cho người xem. Thế nên nhiều đoàn lân khi tham gia các buổi quan trọng đều mong mời được Châu Minh Quang diễn cùng. Ông là người múa địa duy nhất có sức hấp dẫn hơn cả những bước nhảy của lân”.

Mặt nạ ông Địa kiểu truyền thống ít đường nét biểu cảm tươi vui như ông Địa hiện đại
Trong đoàn lân, múa địa không bị gò ép vào kỹ pháp, cơ bản chỉ gồm các bước đi tung tăng phe phẩy quạt, đùa nghịch, chọc ghẹo lân. Vai trò hoàn hảo của múa địa là tạo thêm cảm xúc vui nhộn, và khi người xem tập trung quan sát ông Địa, lân sẽ có thời gian nghỉ chờ hồi phục thể lực sau khi thi triển các động tác phức tạp, chuẩn bị cho những pha trình diễn hấp dẫn tiếp đó. Cái tinh ý và phối hợp nhuần nhuyễn giữa địa và lân làm bài diễn tăng độ hấp dẫn, ấn tượng. Điều quan trọng là biết diễn đúng thời điểm, biết dừng đúng lúc, không quá đà khiến người xem mải dõi theo địa mà quên mất lân.
Du khách nước ngoài với mặt nạ ông Địa ở đường Lương Nhữ Học (Q.5)
Võ sinh Huỳnh Gia Bửu của đoàn lân Thắng Nghĩa Đường thường diễn mục múa địa cho biết: “Trong đoàn lân muốn múa địa phải chọn người phù hợp về ngoại hình. Địa là thần thái của Tiên - Phật, bụng phải phệ, động tác thân thiện, khôi hài, hóm hỉnh, biết diễn xuất. Có thể ví ông Địa trong đoàn lân như chú hề trong rạp xiếc, đảm trách phần khuấy động không khí, nhìn Địa múa tưởng dễ nhưng lại rất khó. Đa phần các động tác của Địa là do kinh nghiệm diễn nhiều rồi phát triển thêm chứ không có bài bản nhất định để học”.
Xuất khẩu đầu ông Địa
Dựa vào yếu tố quan trọng của ông Địa trong lò lân, nghề làm đầu ông Địa cũng được lưu truyền qua các thế hệ người Hoa vùng Chợ Lớn.
Ông Địa ngày nay được chế tác mang kích cỡ lớn gấp đôi ba lần so với ông Địa ngày trước, với nét đặc tả khóe miệng cười tươi vui (thần thái này được cho là mượn phần lớn từ hình tượng Phật Di Lặc). Ông Địa ngày xưa được tạo hình đơn giản, sơn hai màu xanh dương (phần đầu) và màu da người, nên không tươi tắn và vui nhộn như ông Địa ngày nay thường sơn màu vàng làm chủ đạo. Cũng vì yếu tố tươi vui và kỹ thuật tạo hình rộng thoáng, kỹ thuật múa địa ngày nay dễ dàng hơn rất nhiều vì chiếc mặt nạ đã phần nào đem lại cảm xúc cho người xem, đặc biệt là các em nhỏ.
Ông Địa xuất hiện luôn được các em nhỏ yêu thích. Ảnh: Nguyễn Đình
Một trong những lò sản xuất ông Địa thâm niên trong Chợ Lớn là của gia đình chị Thích Tô Nữ, Hoa kiều gốc Quảng Đông (hiện sống ở P.5, Q.5) vẫn tiếp tục chế tác đầu ông Địa theo nguyên bản tạo hình của ngày xưa. Chị Nữ nói về nghề: “Gia đình tui làm đầu ông Địa không nhớ từ năm nào, bà ngoại từ hồi còn ở Quảng Đông đã làm nghề này rồi, khi qua VN tiếp tục theo nghề, rồi truyền cho má, giờ là đến đời tui. Vài chục năm trước, nghề này kiếm khá lắm vì có ít người làm, giờ bị cạnh tranh nhiều. Hàng tui sản xuất chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, và có xuất qua Đài Loan, Mỹ”. (còn tiếp)
Cao thủ Chợ Lớn
Nửa cuối thế kỷ 20, vùng Chợ Lớn có hơn 30 võ đường thuộc nhiều môn phái khác nhau và đều có đoàn lân biểu diễn (trừ võ phái Vịnh Xuân Quyền không lập đoàn lân). Để tăng sức hấp dẫn cho nghệ thuật múa lân, ngoài bài biểu diễn ông Địa, kèm với lân còn có các bài được chú trọng: Trư Bát Giới, Tề Thiên và Quan Công.
Chợ Lớn hiện vẫn còn cao thủ ngoài 80 tuổi Trần Cửu (thuộc phái Thiếu Lâm Châu Gia) với biệt tài diễn hầu quyền. Lão hầu Trần Cửu thọ giáo sư phụ Lưu Hào Lương, người sáng lập lò lân Nhơn Nghĩa Đường hàng đầu VN hiện nay. Dù là người khuyết tật, cao chưa đầy 1,5 m nhưng những đường quyền, thế đánh, bộ pháp, thân pháp của Trần Cửu đặc tả y chang loài khỉ nên được phong là “Hầu vương”.
Riêng với bài Quan Công múa đại đao, cố võ sư Hà Châu (lò lân Quang Nghĩa Đường) là số một. Không chỉ bởi các thế võ uy dũng với cây đại đao, biểu lộ thân pháp của Quan Công trong tư thế cưỡi ngựa, vuốt râu đọc sách Xuân Thu, mà điểm đặc biệt khi vận khí múa đao, gương mặt Hà Châu chuyển sang sắc đỏ, miêu tả trọn vẹn thần thái vị danh tướng mà không đoàn lân nào có người thực hiện được.
Vừa múa lân vừa lột vỏ dừa bằng răng
Trong múa lân hiện đại, các lò càng có nhiều bài biểu diễn mới lạ sẽ càng nổi tiếng và đắt giá trong làng. Những tiết mục biểu diễn cơ bản và quen thuộc như Ngọc kỳ lân xuất động, Lân hí Địa, Ngũ phúc lâm môn, Đại triển hồng đồ (múa với trái dưa hấu, lấy màu đỏ tượng trưng cho sự phát triển cơ đồ)... Cao hơn có Tứ quý lân - bốn con lân màu khác nhau, tượng trưng bốn mùa làm ăn phát đạt.
Xông đất có bài Lân ăn dừa nhả lộc, người múa khi nhận trái dừa tươi, sẽ thi triển kỹ pháp lột vỏ bằng răng, sau đó dùng nội lực công phá dừa, rót nước vào ly trao ông Địa mời gia chủ. Trang phục, âm thanh, đèn chiếu sáng hiện đại cũng được thêm vào múa lân để tạo không khí vui tươi, rộn ràng với hy vọng lân đến sẽ mang điềm lành cho gia chủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.