Ký sự pháp đình: Đồng hương, sao đến nỗi này...

Hoài Nhân
Hoài Nhân
26/08/2018 11:04 GMT+7

Hai con người cùng nơi chôn nhau cắt rốn, cùng tha hương mưu sinh, cùng nghề lái xe... những tưởng sẽ thành bè bạn nâng đỡ nhau. Nào ngờ, họ lại là bị hại và bị cáo trong cùng một phiên tòa.

Đau đớn hơn, trong phiên tòa không ai mong muốn ấy, một cúi đầu nơi bục bị cáo, một chỉ còn là tấm di ảnh được người thân mang tới phòng xét xử...
Nỗi đau từ rượu...
Một sáng trung tuần tháng 10.2017, nhân lúc không có những chuyến xe, Nguyễn Nam (34 tuổi) và P.V.C (31 tuổi, đều quê Quảng Ngãi) cùng gần chục anh em tài xế, phụ xe khác tìm vui trên bàn nhậu. Rượu vào lời ra, đến lúc tính tiền, C. đứng dậy chửi thề và bắt đầu gây gổ với Nam chỉ vì “sao mày không uống nữa mà tính tiền”. Nam vẫn đứng dậy sau khi nói “tao nhậu đủ rồi”.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu C. không liên tục réo tên người cha quá cố của Nam ra để khiêu khích, mặc Nam nhắc “sao mày kêu tên ông già tao ra chửi hoài”. Chưa dừng lại, C. tiếp tục ngang ngược thách thức và lao vào định đánh Nam. Mọi người xúm vào can, nhưng C. vẫn hậm hực chỉ vào mặt Nam gằn giọng: “Bữa nay tao giết mày”. Những tưởng mọi thứ sau cơn say sẽ thôi, chẳng ngờ...
Nam rời quán trở về bãi xe. Chẳng lâu sau, C. đã mò đến và tiếp tục gây sự, dùng lời lẽ xúc phạm người cha quá cố của Nam rồi lao vào hành hung. C. nào biết Nam đã thủ sẵn hung khí trong người, sau lời dọa giết của C. khi cuộc nhậu tàn canh.
Việc gì đến cũng đến, một nhát dao chí mạng từ Nam đã khiến C. mãi mãi lặng im. Tới khi C. gục xuống, Nam mới bừng tỉnh, vội vàng đến Công an P.Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tự thú.
Phải chi...
Sáng 21.8.2018, Nam bị đưa ra xét xử với tội danh “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Suốt phiên xét xử, người ta thấy bị cáo không có luật sư, cũng chẳng có một người thân bên cạnh, kể cả người vợ và hai con nhỏ của Nam. Chắc những đứa trẻ đang nô nức tựu trường, và cũng có lẽ bởi những điều hôm nay chúng cũng không nên thấy...
Ngồi bên dưới chỉ có gia đình nạn nhân, với tấm di ảnh được chuyền tay nhau, như một cách để C. ở nơi nào đó cũng thấy công lý được thực thi. Mẹ C. khóc, chỉ trả lời được vài ba câu thủ tục đầu phiên xử, rồi nhường tất cả lại cho người anh ruột của C. Vững vàng chăm con trai từ những ngày mang nặng đẻ đau, chỉ hôm nay người mẹ đã ngoài 60 ấy mới thấy mình bất lực.
Suốt hơn 2 giờ đứng ở bục bị cáo, Nam chỉ cúi đầu trả lời và nhận tội, tuyệt nhiên không một lời biện hộ cho mình trước hội đồng xét xử và gia đình nạn nhân. Học hành không đến nơi đến chốn, chỉ hết lớp 9 thì thôi, nhưng cũng đủ để anh biết đâu là những sai, đúng trong cuộc đời.
Chủ tọa xác định nhân thân, rồi khẽ lắc đầu: “Đều là đồng hương, cùng làng cùng thôn, cùng đến Sài Gòn vì miếng cơm manh áo, cùng là đồng nghiệp trên những chuyến xe, cuối cùng chỉ từ những bất đồng lời nói, bị cáo lại ra tay sát hại đồng loại”. Nam vẫn không dám ngẩng đầu từ lúc nghe cáo trạng, chỉ có những tiếng trầm đục cất lên: “Bị cáo biết lỗi”. Đằng sau, mẹ C. lại đưa tay quẹt lên gương mặt lem luốc.
Không khí phiên tòa như chùng xuống hơn khi những thông tin nhân thân bị cáo và bị hại tiếp tục được làm rõ. Ấy là cha C. và cha Nam từng là bạn chiến đấu trên chiến trường năm xưa, thời bình lại trở về làm nông cùng nhau. Hai ông bạn già nay đã mất, còn hai đứa con trai lại trở thành bị hại, bị cáo trước tòa. Đau!
Tòa nghị án, mẹ C. bước ra ngoài. Bấy giờ, những cảm xúc dồn nén mới vỡ òa nơi bà. Bà khóc thành lời. Những lời xót xa vọng vào trong căn phòng nhỏ, nơi Nam đang ngồi với chiếc còng số 8, dựa hờ vào vách chờ nghe tuyên án. “Nó chửi, nó đánh cho hả dạ cũng được mà, sao phải cầm dao...”.
Nam bị kết án 2 năm tù về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, đồng thời phải bồi thường gia đình bị hại 185 triệu đồng. Pháp luật được thực thi, nhưng có những mất mát chẳng bao giờ tìm lại được, một khi bản án đã có 2 từ “giết người...”.
Phải chi đừng có rượu. Phải chi dăm ba lời nói thuận lòng. Phải chi cái nghèo không đeo đẳng để họ có thể học hành nhiều hơn... Những “phải chi” đó chắc chắn không chỉ gói gọn trong bốn bức tường căn phòng diễn ra phiên xử, mà nó còn là bài học đắt giá với tất cả chúng ta, để không phải thốt lên khi đã quá muộn màng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.