Kỳ thú Châu Đốc - Bài 3: Trên trời dưới… mắm

11/08/2016 14:32 GMT+7

Tới Châu Đốc mà chưa ra chợ chính của thành phố, thì coi như chưa biết nơi này. Chợ Châu Đốc có gì lạ khiến ai cũng phải thăm, phải vào?

Chớm thu, Châu Đốc có một màu trời xanh dịu dàng. Nắng chỉ vàng ươm chứ không gắt. Gió từ sông Hậu thổi lao xao, không thật nhận rõ gió sông nhưng cảm thấy mát mẻ, dễ chịu. Sau khi thăm viếng những nơi cần thăm, chúng tôi ra chợ. 
Mắm. Vâng, chợ Châu Đốc cũng bán nhiều thứ như bất cứ chợ nào khác, nhưng khác tất cả các chợ còn lại trong nước ở món… mắm. Mắm Châu Đốc không chỉ nổi tiếng là ngon, nó còn nổi tiếng là… nhiều.
Chưa vào chợ đã thấy mắm. Vào chợ rồi càng thấy mắm chiếm vị trí độc tôn trong chợ này thế nào. Có cái lạ, là mấy hàng bán mắm nổi tiếng ở chợ Châu Đốc đều mang tên các bà giáo: hàng Bà giáo Thảo, hàng Bà giáo Khỏe…Có phải vì các bà giáo khi làm mắm cũng giống như khi dạy học trò, họ đều chắt chiu cẩn trọng và có trách nhiệm?

tin liên quan

Kỳ thú Châu Đốc - Bài 1: Bà Chúa của lưu dân Việt
Châu Đốc (An Giang) trước là thị xã xưa cũ nay đã là thành phố. Ở đó có miếu Bà Chúa Xứ linh thiêng, có món cá linh huyền thoại, và trên hết là những con người Nam bộ chân chất, hào sảng. Xin giới thiệu loạt Ký sự Kỳ Thú Châu Đốc của nhà thơ Thanh Thảo đến bạn đọc về một vùng đất miền Tây dễ thương, dễ sống!  
Chúng tôi được anh Trần Tấn Ngô - một người đã quen với chợ Châu Đốc tư vấn, nên tới thẳng hàng mắm bà giáo Khỏe nằm ở “mặt tiền” phía trong chợ. Nhìn cách trưng bày “kính thưa các loại mắm” ở hàng này thì biết doanh số bán hàng ở đây chẳng phải dạng vừa! Đúng là trên trời dưới…mắm.
Kinh nghiệm khi mua các mặt hàng “nhạy cảm” này, là nên mua chúng trong chợ. Vì hàng trong chợ mà ngon, mà có tiếng thì luôn bán được nhiều. Bán được nhiều về số lượng thì hàng luôn được thay mới, ít hàng tồn kho để quá lâu. Dù là mắm, nhưng mắm Châu Đốc hầu hết là mắm muối tươi, còn nguyên con cá hay chỉ lọc lấy filet, nên tốt nhất là không mua mắm đã để quá lâu.
Tôi cũng có chút kinh nghiệm khi mua các loại mắm ở Huế, nên chỉ mua mắm ngoài chợ, dù là chợ Đông Ba hay chợ Tây Lộc, các bà các mẹ bán mắm ở các chợ Huế họ đều tự tay muối mắm, họ lại “có tay” muối mắm, nên chắc chắn mắm của họ phải ngon.
Bây giờ, sau vụ Formosa xả thải độc chất đầu độc biển miền Trung, các mẹ các chị bán mắm tại các chợ Huế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới nghề nghiệp và thu nhập của mình: dân tình chuộng ăm mắm Huế ngại ngần không dám mua mắm, vì ngay tới muối hột, dân Huế còn ngại, chỉ dám mua muối… cũ, đủ biết vụ xả thải của Formosa độc ác đến thế nào!

tin liên quan

Kỳ thú Châu Đốc - Bài 2: Tuyệt phẩm cá linh đầu mùa
Từ Sài Gòn, qua phà Vàm Cống, qua Long Xuyên đi thêm 80 cây số, là tới Châu Đốc. Trên đường đi tôi cứ nghĩ, ngày xưa ngài Lê Đại Cang khi nhậm chức tổng đốc đầu tiên ở An-Hà (gồm An Giang và Hà Tiên), không biết ông xuống Châu Đốc bằng phương tiện gì?
Còn ở chợ Châu Đốc, dù không thể tìm hiểu về các cơ sở sản xuất mắm, nhưng cứ thấy hàng mắm nào đắt khách thì mình cũng vào mua, cho yên tâm, vậy thôi. Mắm Châu Đốc thật phong phú về chủng loại, nhưng người du lịch thường mua những loại mắm thông thường như mắm thái, mắm cá lóc, mắm cá sặt, mắm cá trèn…
Tôi chọn mua mắm cá chốt, do tôi vốn thích loại cá nhỏ này khi nấu ăn tươi: cá chốt kho khô hay cá chốt nấu canh khế đều rất ngon. Ngoài ra còn các loại cá khô, từ cá “nhà giồng được” tới cá Biển Hồ Campuchia, trên quầy bán mắm chợ Châu Đốc đều rất sẵn. Chúng tôi mua nhiều mắm và cá khô đến nỗi phải đóng thùng mới chuyển về khách sạn được. Còn tôi, khi về lại Sài Gòn lại phải nhờ thằng con trai tiếp tục đóng thùng mới chuyển theo xe đò Chín Nghĩa về Quảng Ngãi.
Vậy mà, coi nhiều thế nhưng khi về quê “thích ăn mắm” của mình, thì không đủ để phân phối cho những đứa em thân thiết mỗi người một hũ nhỏ. Mắm đâm quí vậy đó! Cũng phải thôi, vì đây là mắm Châu Đốc, tận cuối trời phía Tây Nam tổ quốc, đâu phải dễ gì đi tới đó.
Tôi chỉ hơi thắc mắc về tên gọi loại “mắm thái” nguyên liệu gồm thịt cá lóc xắt mỏng cộng với đu đủ thái chỉ và thêm vài thứ gì nữa, không biết chữ “thái” ở đây có nghĩa như “xắt” hay còn nghĩa gì khác? Hay món mắm này xuất xứ từ Thái Lan? Cũng không biết, nhưng ăn ở nhà hàng hay khách sạn Châu Đốc, trong mâm cơm đều thấy hiện diện món mắm thái này, ăn kèm với các loại rau thơm và thịt ba chỉ luộc. Đó là món ăn “chào sân” của Châu Đốc.
Ai cũng biết, ăn nhiều loại mắm hay cá khô này là dễ lên huyết áp lắm, nhưng biết vậy mà ai cũng ráng… mua. Mấy khi mới có dịp tới thăm Châu Đốc, nước thốt nốt dù thật ngọt mát nhưng chỉ uống tại chỗ, đâu mang về được. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhờ đứa cháu làm phóng viên báo Thanh Niên mua cho tôi mấy gói đường thốt nốt, mua ngay tại Sài Gòn, đề giành ăn dần. Tôi thích vị và hương của loại đường đặc biệt này.
Tại quầy mắm chợ Châu Đốc cũng bán đường thốt nốt, mà theo chị chủ cửa hàng giới thiệu, thì đây là loại “đường sữa”-tức đường “ngoại hạng” khi người ta làm đường thốt nốt. Đường này có màu trắng đục, chứ không phải màu nâu như tôi thường biết về đường thốt nốt. Vậy là mua luôn, cái này thì “giảm cho” khi về quê, để giành nấu chè ăn cho sướng. Chợ Châu Đốc, đúng là trên trời dưới… mắm, nhưng còn đường thốt nốt - một loại đường quí mà ta không nên quên mua mỗi khi có dịp tới chợ này.
Không biết khi mình mua mắm Châu Đốc làm quà tặng, những người nhận quà có kiêng ? Tôi không biết, vì ai tôi tặng món quà này cũng đều…nhận ngay, nhanh đến nỗi nhiều khi quên cả cảm ơn người cho quà. Như thế, quà mắm, lại là mắm Châu Đốc, là “quà hên” chứ ạ ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.