Làm “chui” ở xứ Hàn

16/05/2006 15:00 GMT+7

Đưa lao động ra nước ngoài làm việc là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta. Ngoài giải quyết việc làm cho người lao động, hằng năm những lao động này còn mang về nước một lượng lớn ngoại tệ. Tuy nhiên, do sự hấp dẫn của đồng lương, một số lao động đã tự phá vỡ hợp đồng để trở thành những lao động bất hợp pháp trên đất khách.

Giấc mộng đổi đời

Nhìn những người bạn cùng chăn trâu, cắt cỏ ngày nào giờ đã quần jean, áo pull thẳng nếp, giày Adidas... chễm chệ bước lên máy bay đi xa, D. (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi - TP.HCM) không nén được tham vọng “đổi đời” của mình. Rồi nhà ông K. xóm trên vốn ngày nào nhếch nhác bỗng phút chốc phất lên nhờ có 2 con đi hợp tác lao động. Tất cả những thứ đó đã thôi thúc D. hạ quyết tâm: Phải đi cho bằng được...

Và thế là, D. về nhà thúc giục cha mẹ bán nửa mẫu đất bưng còn lại của gia đình để lấy tiền cho mình thực hiện giấc mộng đổi đời. Cầm 50 triệu đồng trong tay, D. nhờ người quen “chạy” cho chiếc giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 2 (vì D. nghỉ học năm lớp 6) với giá 5 triệu đồng. Khi đã có bằng cấp, D. lặn lội về TP đăng ký đi Hàn. Sau 5 - 6 lần trật vuột trong khâu sơ tuyển vì kiến thức cơ bản trên “tiểu học” một tí mà D. tiếp thu cách đây gần chục năm đã “ra đi” gần hết, may nhờ có người “chạy thuốc” nên cuối cùng D. cũng được tuyển. Sau 3 tháng “bế quan luyện tiếng Hàn”, cuối cùng D. cũng nhận được visa nhập cảnh. Ngày D. lên đường, cả xóm được một bữa tiệc linh đình kéo dài từ trưa cho đến tận chiều tối.

Tuy nhiên, chỉ 7 tháng sau, vào một buổi chiều, người dân Thái Mỹ lại thấy D. lặng lẽ về nhà trên một chiếc xe ôm. Đến lúc này, cả nhà mới ngã ngửa ra khi D. thông báo mình bị bắt và bị trục xuất vì lao động “chui”. D kể: “Qua đó mình được bố trí vào một xưởng cơ khí để làm. Được khoảng 3 tháng mình tình cờ gặp lại người bạn cũ. Qua vài lần đi lại, mình quyết định trốn vì giá nhân công ở các xưởng bên ngoài cao hơn 100 - 200 USD một tháng”. Tuy nhiên, với vốn tiếng Hàn chỉ ở dạng “lớp chồi”, cộng với tính tình thiệt thà, nên chỉ 3 tháng sau D. bị “tó” và bị trục xuất về Việt Nam. Lương bị mất, số tiền thế chân cũng không được công ty xuất khẩu lao động trả lại. Thế là giấc mơ đổi đời của D. nhanh chóng tan biến. Cùng chuyến đi và bị trục xuất lần ấy với D. còn có anh bạn tên H. (xã Phước Vĩnh An), nghe nói lần đó gia đình H. cũng phải bán đứt mẫu đất còn lại để trả nợ cho tham vọng làm “chui” của H...

Bấp bênh phận làm “chui”

Vất vả, đó chính là đáp án chung mà tất cả các lao động “trong” hay “ngoài” đều gặp phải. Tuy nhiên, với cánh lao động “chui”, ngoài chuyện cực nhọc ra còn vô số vấn đề khác phải lo. D.V.L, một lao động vừa mới bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam hồi đầu tháng 1 năm nay, kể: “Sống chui lúc nào cũng nơm nớp lo. Nếu bị bắt, coi như mọi thứ chấm hết: bị tống vô trại tập trung một tuần lễ, trục xuất, thế là xong!”.

Để tồn tại với sự khắc nghiệt đó, các công nhân thường phải thuê nhà ở với nhau theo từng nhóm nhằm mục đích chia nhau thay phiên... “canh me” cảnh sát. Tuy nhiên, đấy cũng chưa cực bằng ngày truy quét, lúc ấy họ phải nâng mức báo động lên “vạch đỏ”. Đối phó với tình huống này, các lao động lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng: quần áo, đồ dùng cá nhân cho vào bao tải để khi có động là “phăng” cho thật lẹ. Giá của nhà trọ cũng là một nỗi lo đáng kể: Một căn nhà xoàng xoàng chí ít cũng trên 500 USD/tháng và thường phải đặt cọc trước 6 tháng. Để giảm bớt gánh nặng tiền nhà, các lao động thường tụ lại với nhau thành từng nhóm từ 3 - 5 người.

Lao động “chui” cũng là đối tượng chính để một số ông chủ Hàn bất lương lừa gạt chiếm đoạt tiền. Biện pháp của các ông chủ này rất đơn giản: Làm gần 1 tháng thì kiếm chuyện đuổi việc. Điều đó đồng nghĩa với việc khoản tiền lương mà ông chủ hứa miệng sẽ trả vào cuối tháng sẽ chẳng bao giờ đến tay các công nhân. Là người đã từng bị “xù” đến 4 lần, H.V chua chát kết luận: “Dù sao làm việc ở trong hợp đồng còn được luật pháp bảo vệ, chứ làm việc ở ngoài thì chẳng ai bảo vệ cả... phải tự bơi là chính”.

Bên cạnh đó, tai nạn lao động cũng là một vấn đề mà tất cả các lao động chui đều rất sợ gặp phải. Bởi họ không được bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, trong khi chi phí cho việc điều trị ở bệnh viện lại rất đắt. Vì thế khi rủi ro bị tai nạn, các lao động chỉ còn biết nương tựa vào nhau để sống lây lất qua ngày chờ khi lành lặn trở lại.

Theo Minh Ngọc/báo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.