Làng nghề tò he Xuân La dần mai một

27/05/2010 15:00 GMT+7

Nghề nặn tò he của những nghệ nhân làng Xuân La, xã Phượng Dực, H.Phú Xuyên (Hà Nội), vốn khá nổi danh một thời, đang đứng trước nguy cơ teo tóp.

Hình ảnh những người thợ nặn tò he quẩy gánh hàng đi rong trên các phố phường Hà Nội, mang trò mua vui đến cho đám trẻ có một nét văn hóa dân gian độc đáo.

Chỉ nằm cách trung tâm thủ đô chừng 40km, Xuân La vốn là đồng quê chiêm trũng, thường xuyên xảy ra ngập úng, mùa màng thất bát.

Theo những người già ở đây, nhu cầu kiếm thêm từ nghề phụ những lúc nông nhàn đã cho ra đời nghề nặn tò he và nó gắn chặt với mảnh đất nơi này từ lâu lắm rồi, không ai nhớ nữa.

Ông Nguyễn Văn Định, người có hơn 40 năm làm nghề cho biết, đây là nghề đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo. Thời kỳ thịnh vượng cả làng hơn 500 người cùng làm nghề, đi rong khắp chốn. Nghề tuy không đem lại sự giàu có, nhưng nhờ đó người dân Xuân La có cuộc sống ấm no hơn.

Điều đặc biệt nhất đối với làng nghề, có lẽ là chuyện những nghệ nhân tò he ở đây đã từng được ra nước ngoài biểu diễn.

Trước có cụ Đặng Đình Tố từng được mời sang Nhật Bản. Vào năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, ông Nguyễn Văn Thuận được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) mời sang Mỹ nặn biểu diễn.

Ông Nguyễn Văn Thuận kể: “Một tuần ở bên đó tôi đi đến các trường học nặn tò he, vừa để biểu diễn, vừa để tặng các cháu làm kỷ niệm. Không chỉ có bọn trẻ, cả người lớn cũng rất thích những con tò he ngộ nghĩnh. Từ những bông hoa, con vật, đến các nhân vật trong truyện Tây Du Ký... Họ càng phục khi thấy mình cũng nặn được những nhân vật truyền thống của nước họ, hoặc nặn cả chân dung họ để tặng”.

Giọng ông Thuận bỗng chùng xuống, làng nghề tiếng tăm là vậy, nhưng càng ngày xem ra nó càng bị mai một. Ông nhẩm tính, số người còn theo nghề hiện nay chủ yếu là lớp thợ già, còn độ mấy chục người, lớp trẻ hiện nay chẳng mấy ai chọn nghề này.

“Giá như các cháu đi thoát ly, hoặc tìm được công việc khác để làm đã đành. Đằng này nhiều thanh niên học xong phổ thông thất nghiệp, suốt ngày chơi bời, trong khi nghề truyền thống của làng lại đang bị bỏ phí”, ông Nguyễn Văn Định cho biết.

Những người thợ nặn tò he lâu năm ở đây như ông Thuận, ông Định, ông Oa, ông Chất đều khẳng định, nghề này mai một không phải do bị các trò chơi hiện đại như làm tàu biển sắt ở Khương Đình (Thanh Xuân), đồ chơi bằng mây tre đan ở Tây Phương (Thạch Thất) lấn át. “Chúng tôi lên phố nặn, trẻ con trên đó vẫn rất thích, hễ thấy là đòi bố mẹ mua liền”.

Nếu tiêu thụ được sản phẩm, có việc làm đều, mỗi người nặn tò he cũng có thu nhập 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Cái khó nhất hiện nay với những người nặn tò he là điểm bán hàng. Trước đây họ thường đến các nơi công cộng như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, hoặc các vườn hoa, nơi vui chơi giải trí để làm nghề, nhưng từ lâu nay tại những địa điểm này, hàng rong đều bị cấm.

"Nặn con tò he chủ yếu là phục vụ khách trên phố, nhưng làm sao đủ tiền thuê cửa hàng mặt phố những 5 - 7 triệu/tháng. Ngồi đâu cũng bị đuổi, cứ phải chạy, khiến chẳng ai còn mặn mà lên phố làm nữa", ông Đào Văn Chất nói.

Không có địa điểm làm nghề, nặn tại nhà thì chẳng biết bán cho ai. Cứ thế, phần đông những người nặn tò he Xuân La dần dần bỏ nghề. Một nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một ngày càng hiện rõ.

Hồng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.