Làng thợ rèn tuổi cao niên

Giang Phương
Giang Phương
05/02/2018 14:05 GMT+7

Nghề rèn là nghề đòi hỏi những người trẻ bởi có sức khỏe dẻo dai nhưng ở làng rèn Tân Lộc (xã Tân Lộc, H. Trảng Bàng, Tây Ninh) lại có trên 95% thợ rèn là những người cao tuổi.

Làng thợ rèn U.50
Một trong những hộ giữ lửa lò rèn lâu đời nhất ở làng rèn Tân Lộc phải kể đến gia đình ông Hà Văn Đạm (55 tuổi). Ông Đạm là đời thứ 6 tiếp quản và giữ lửa nghề rèn truyền thống của dòng họ suốt hơn 40 năm qua. Ông Đạm không biết rõ nguồn gốc của làng rèn này có từ bao giờ, từ nhỏ chỉ nghe ông bà kể lại nghề này đã có từ hàng trăm năm trước. Theo ông Đạm, xưa kia làng rèn có rất đông người làm, chủ yếu là thanh niên, nhưng hiện nay chỉ còn lại những thợ rèn độ tuổi từ 50 trở lên.
Ông Đạm bắt đầu nghiệp quay búa từ năm lên 14 tuổi. Đến khoảng năm 18 tuổi, các ngón nghề làm lưỡi cày, lưỡi cuốc truyền thống của gia đình ông Đạm đều thành thạo. 20 tuổi, ông Đạm lấy vợ và có con. Hai vợ chồng ông Đạm lấy nghiệp cầm búa để mưu sinh.
Từ nghề rèn truyền thống của gia đình, thương hiệu về lưỡi cuốc, cày từ lò rèn của ông Đạm đi tứ xứ, sang cả Campuchia. Nhờ đó, ông cùng vợ nuôi 2 người con ăn học và có công việc ổn định. Vừa nện nhát búa tạo hình lưỡi cuốc, ông Đạm bất chợt ông thở dài nói: "Cả đời làm nghề thổi lửa nung sắt chỉ mong đủ sống. Đời mình ráng chịu cực, chịu khó mà nuôi các con ăn học thành người, ra ngoài xã hội kiếm được việc làm để đỡ vất vả cái thân. Vợ chồng tôi sức khỏe còn ngày nào thì gắn bó với cái búa, cái đe ngày đó".
Hơn 40 năm gắn với nghiệp búa, dù vợ ông Đạm là bà Bùi Thị Kim Chi đã 53 tuổi nhưng vẫn miệt mài bên lò than nóng rực phụ chồng. Bà tự mình làm được hầu hết các công đoạn của nghề rèn. Từ việc đơn giản nhất là đi mua sắt phế liệu, than, nung bếp lò, trui, gò sắt cho đến việc quai búa cái để tạo hình sản phẩm…Mỗi ngày, vợ chồng ông Đạm bắt đầu công việc từ lúc tờ mờ sáng đến tối mịt. Ông Đạm thì cắt, trui, dần sắt còn vợ thì mài lưỡi. Riêng công đoạn đập tạo hình sắt, hôm nào không thuê được người làm thì hai vợ chồng phải thay phiên nhau cầm búa để tạo ra từng sản phẩm. Hôm nào đập giỏi thì được 10-15 cái, hôm nào người đau nhức thì 5-10 cái. Tiền bán sản phẩm trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng chỉ kiếm được 150.000 đồng.
Hàng xóm của ông Đạm, một tay quay búa lão luyện khác là ông Nguyễn Văn Bổn (71 tuổi) với trên 60 năm tuổi nghề rèn. Hơn 9 giờ sáng, lò rèn chuyên làm rựa của ông Bổn vẫn đỏ lửa. Ông Bổn cùng một thợ phụ đập vẫn miệt mài rèn ra từng chiếc rựa từ tận 4 giờ sáng. Theo ông Bổn, ở làng rèn này từ xa xưa có một quy ước về nghề rèn để sản phẩm không bị cạnh tranh bởi người cùng làng là mỗi gia đình tự chọn một mặt hàng rèn riêng. Có lò chỉ chuyên rèn rựa như ông, có lò rèn thì chuyên làm cuốc, lò rèn dao, lò rèn liềm, lưỡi cày....Trên mỗi sản phẩm phải có ký hiệu riêng để phân biệt lò rèn và tạo thương hiệu riêng cho lò của mình.
"Hồi xưa làm được ít sản phẩm hơn bây giờ mà lại có ăn hơn. Thời đó làm được 10 đồng thì đã lời 9 đồng. Còn bây giờ làm được 10 đồng thì chỉ lời 2-3 đồng. Bởi ngày xưa, tất cả các công đoạn đều làm thủ công rất mất thời gian nhưng ai cũng cần mua. Còn bây giờ, khoa học tiến bộ, nhiều công đoạn đã có máy làm thay rồi bị hàng công nghiệp cạnh tranh khốc liệt", ông Bổn giải thích.
Trải qua hơn 60 năm gắn bó với nghiệp búa trong lò rèn, ngồi ngẫm nghĩ lại ông Bổn thở dài nói: "Người trẻ bây giờ nói đến nghề rèn là ngán. Tôi thì già rồi, làm được ngày nào hay ngày đó chứ sau này không còn ai theo được nghề này nữa".
Theo thông kê của ông Bùi Văn Dọ (64 tuổi), Trưởng ấp Tân Lộc, xã Tân Lộc, H.Trảng Bàng, thời kỳ cao điểm làng rèn có khoảng 300 - 400 lò, tuy nhiên hiện nay làng nghề truyền thống đang dần mai một, chỉ còn vỏn vẹn khoảng 47 hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.