Lão nông 2 lần hiến đất xây trường

01/08/2018 10:33 GMT+7

Cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn nhưng cảm thương trẻ em vùng quê phải vất vả đi học đường xa nên ông Nguyễn Văn Thông đã 2 lần hiến đất xây dựng hoàn chỉnh ngôi trường tại địa phương.

Chia sẻ về nghĩa cử của mình, ông Thông  (55 tuổi, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, H.Mỹ Tú, Sóc Trăng) chân chất nói: “Chuyện nhỏ mà. Nhà tôi nghèo đâu có của cải gì để giúp học sinh nghèo vùng quê khó khăn này. Mà nếu cứ vậy thì mấy đứa nhỏ sẽ dốt vì đâu có phương tiện ra huyện để học. Thôi thì mình hiến đất để xây trường tại chỗ để tụi nhỏ có điều kiện tới trường”.
Trước đây các phụ huynh phải vất vả bơi xuồng đưa con em đi học tại Trường tiểu học Mỹ Hương B. Khi đó, điểm trường chỉ là một căn phòng tre lá ọp ẹp, tối tăm, mỗi khi mưa to, gió lớn thầy trò lại nơm nớp lo sập. Hơn nữa, do giao thông trắc trở, đường đi bộ khó khăn nên điểm trường này chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh lớp 1 và 2, còn từ lớp 3 đến lớp 5 phải đi xa hơn nữa mới có trường.
Thấy vậy, năm 2004, ông Thông bàn với gia đình tự nguyện hiến 120 m2 đất cạnh nhà để xây dựng một phòng học khang trang, giúp các em học sinh có chỗ học tươm tất, an toàn.
Thời gian sau, trước nhu cầu phát triển trường lớp để học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 không phải vượt trên 4 km đường sông, đường sình trơn trượt đến trường tại trung tâm xã Mỹ Hương, năm 2010 ông Thông lại hiến thêm 740 m2 đất còn lại của gia đình để trường xây dựng thêm 3 phòng học, giúp hàng trăm học sinh vùng sâu có điều kiện học tập.
Bà Trần Thị Mận, vợ ông Thông, chia sẻ: “Nghe ổng bàn chuyện hiến đất xây trường, tôi và 2 đứa con đồng ý liền. Mình hiến đất để tụi nhỏ ăn học ngon lành, sau này trở thành người hữu ích để xây dựng quê hương mình. Tiền bạc ai cũng cần nhưng mình phải biết hy sinh vì việc học của mấy đứa nhỏ”.
Cô Lê Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Hương B, xúc động nói: “Nếu không có trên 860 m2 đất trị giá trên 100 triệu đồng của vợ chồng chú Thông hiến để xây dựng 4 lớp học thì học sinh tại đây sẽ rất vất vả, dẫn đến tình trạng bỏ học giữa chừng. Không chỉ vậy, dù không có bất kỳ khoản bồi dưỡng, hỗ trợ nào nhưng chú Thông, cô Mận vẫn tự nguyện làm công việc bảo vệ các lớp học, sửa chữa bàn ghế, cửa chính, cửa sổ, cổng rào khi hư hỏng. Thật đáng trân trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.