Lên đảo Long Hội tìm lại cuộc đời!

15/07/2006 23:32 GMT+7

Nằm giữa hồ Núi Cốc, đảo Long Hội giống một xóm núi hơn là một trung tâm điều trị bệnh nhân sau cắt cơn. Khác hẳn những trung tâm cai nghiện ở Hà Nội, Hải Phòng hay TP Hồ Chí Minh vốn là những địa phương khét tiếng về tệ nạn ma túy, ở đây không có một mét tường rào, một thước kẽm gai. Chúng tôi đang thắc mắc không biết "điển cố" của hai chữ Long Hội là gì thì y sĩ Cương cười: "Thì cứ cho đấy là nơi các con rồng về tụ hội cũng được chứ sao"! Ồ, phải lắm! Hòn đảo ấy đang "dung dưỡng" 90 "con rồng" một thời là đệ tử của nàng tiên nâu đang trong quá trình cai nghiện.

"Có học viên bỏ trốn không?". "Có chứ, nhưng rồi lại... quay lại đây!" - Y sĩ Cương, Trưởng ban quản lý đảo Long Hội, thuộc Trung tâm giáo dục lao động 05-06 Thái Nguyên trả lời. Một đêm mùa đông rét cắt da năm ngoái, khi cả trung tâm chuẩn bị đi ngủ, bỗng nghe từ quả núi bên kia có tiếng người văng vẳng: "Các thầy ơi, cứu em với"! Tiếng kêu lúc xa lúc gần, nghe rợn cả người. Kiểm lại quân số thì thấy thiếu một người là Nguyễn Thanh Hải, 28 tuổi, nguyên là sinh viên ĐH Y Thái Nguyên, vào cai theo diện bắt buộc. Mà ở khu vực này, nếu có người gọi thầy thì đúng là quân mình rồi. Lái tàu Hoàng Văn Bảo được phân công sang mom núi có tiếng gọi. Quả nhiên tìm thấy Hải, anh chàng đã bơi qua hẻm núi gần cây số sang quả núi bên này định trốn về nhà, nhưng rét quá không chịu được, đành... tự thú trước bình minh! Ngay tháng 5 vừa rồi, có hai học viên, trong diện tự nguyện mà vẫn bỏ trốn. Họ khăn gói bơi qua hồ rồi lẻn sang một vùng dân cư, chuồn về nhà. Được mấy ngày, bỗng thấy một con đò lù lù tiến vào trại, trên đò là hai học viên nọ được người nhà hộ tống, đưa vào trung tâm!

Tôi dành một buổi trưa sau giờ cơm để vào thăm các phòng ở của học viên. Một bất ngờ nho nhỏ: sau cánh cửa tuềnh toàng của những dãy nhà còn có phần xập xệ là những dãy phản nằm thẳng tắp, chăn gối xếp vuông vức như trong một đơn vị huấn luyện tân binh. Nhiều phòng có đàn ghi-ta, ti vi và thậm chí cả đầu đĩa CD do học viên mang lên nữa. Tranh ảnh dán đầy tường, toàn diễn viên, người mẫu. Phòng nào cũng có gương lược dù đa số học viên cạo trọc. Một bức ảnh cưới của học viên tên Hòa trang trọng để trên bàn, đó là một chàng trai Hà Nội. Cô vợ trẻ lúc làm đơn xin cho chồng lên Thái Nguyên cai nghiện đã đưa cho Hòa tấm ảnh: "Để anh vì em mà quyết tâm cai nghiện". Có 10 học viên người Hà Nội làm đơn xin lên Thái Nguyên cai nghiện và đóng góp như bình thường. Và nói như anh chàng Hòa nọ, thì từ đất Thăng Long, họ tự nguyện lên Long Hội để tìm lại cuộc đời...

Đối diện tôi là những tấm lưng trần chạm trổ toàn những dòng chữ gớm ghiếc, những hình vẽ lõa lồ hoặc những cảnh đâm chém gươm đao đầy bạo lực cùng những gương mặt bặm trợn, sương gió. Tôi chợt nhớ những tờ giấy giới thiệu của công an tỉnh xếp thành tập ở phòng trực trung tâm. Một nửa số học viên từng có tiền án, tiền sự. Từ trung tâm, có học viên bị bắt vào trại giam bởi đã phạm pháp trước khi đi cai. Long Hội từng có "vinh dự" được "nuôi dạy" những đại ca "tên tuổi" nhất của giang hồ đất Thái Nguyên. Ví như "đại gia" Hưng ở Phổ Yên, một thời nổi danh trên các tuyến quốc lộ với tài chạy xe máy được dân gian lưu truyền là cả chục cây số chỉ cần có một bánh"! Ngược xuôi trên các tuyến quốc lộ, Hưng cùng đệ tử bám theo xe tải, đu lên, cắt hàng thả xuống. Hưng kể rằng có lần anh ta đánh được một lô hàng là phụ tùng của một loại xe hơi cao cấp, được cả tỉ bạc. Tuy nhiên trước khi vào cai ở trung tâm này, "Hưng đại ca" bị bắt sau khi đem một lô hàng tân dược tới hiệu thuốc của... người mất chào bán!

Nhìn họ hiện giờ, tôi không thấy sợ vì hình như những con người gớm ghê ấy giờ đây có vẻ như đang tu tỉnh. Nhưng thật sự bất ngờ khi biết có nhiều người trong số học viên ở đây đã nhiễm HIV. Trước mặt chúng tôi, một học viên mở valy lấy thuốc hãm HIV ra uống và nói về giá cả, về việc gia đình gửi thứ thuốc đó cho anh ta như thế nào một cách bình thản, như thể đó là những viên thuốc trị cảm sốt thông thường.

Tôi thực sự bất ngờ khi thấy một học viên đang chăm chú đọc một mẩu báo cũ bằng tiếng Anh. Chàng trai có một khuôn mặt rất giống một cầu thủ nổi tiếng của đội tuyển Nhật Bản! Cậu có một cái tên rất đẹp: Thế Anh. Năm nay 30 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học Luật, từng làm cán bộ ngành tư pháp ở Thái Nguyên. Cách đây 2 năm, khi chuẩn bị cưới vợ, Thế Anh đi xét nghiệm, kết quả dương tính khiến cậu bàng hoàng! "Vợ chưa cưới kém em hai tuổi, là cô giáo. Em đã phải nghĩ nát nước mới tìm ra lý do để chia tay" - Thế Anh nói, vẻ mặt buồn buồn, cậu đưa tôi trở về khung cảnh của một thời sinh viên lầm lạc: "Năm thứ hai, một thằng bạn cùng phòng người huyện Sông Mã, Sơn La mang thuốc xuống rủ chúng em chơi thử. Thử mà thành thật lúc nào không biết. Tám đứa ở chung, năm đứa nghiện. Sinh viên nghèo, chơi chung một ống tiêm, chích xong lại giắt lên giá sách...". Biết mình nhiễm HIV, Thế Anh xin nghỉ việc, rồi vào cai trong trung tâm. Dự định của anh là sẽ đến một nơi thật xa nào đó sau khi cai nghiện để làm lại cuộc đời vì bây giờ anh thấy mình vẫn còn sung sức lắm. Tôi hỏi: "Cô bạn gái thì sao? Có phải xét nghiệm không"? Thế Anh cười: "Không, chúng em trong sáng lắm, không cần xét nghiệm. Bây giờ không biết đang ở đâu, nghe nói đang dạy học trong miền Trung". Điều đáng trân trọng là dù nhiều người đã biết mình nhiễm HIV, nhưng không học viên nào tỏ vẻ tiêu cực với cuộc sống, hoặc bất cần đời. Y sĩ Cương cho hay, anh em học viên không phân biệt đối xử với người có HIV, còn trung tâm thì làm mọi cách để anh em không bị lây nhiễm một cách đáng tiếc.

Giờ nghỉ trong làn nước hồ Núi Cốc. Ảnh: Nguyên Vũ

Vòng ra phía sau khu nhà ở, tôi gặp đàn lợn béo múp trong chuồng. Cạnh một nương chè xanh ngát có đàn bò đang gặm cỏ. Người chăn bò đứng tuổi có vẻ hơi bối rối khi tôi hỏi chuyện. Hóa ra đó chính là cụ... rồng già nhất trong số 90 "con rồng" trên đảo Long Hội này. Ông tên Dũng, người ở huyện Định Hóa, đã ngoại ngũ tuần và có con lớn đi đại học, vào cai theo diện bắt buộc. Thỉnh thoảng các cô chiêu cậu ấm ấy lại vào thăm ông bố đang chăn bò và cai nghiện giữa lòng hồ!!! 

Khi chúng tôi đến nơi, một số học viên đang dọn vệ sinh, số khác đang làm bếp, một nhóm đang khâu những quả bóng da nhãn hiệu Động Lực. Tại Long Hội, học viên trồng được khoảng 6 tấn rau mỗi năm, một đàn bò 13 con, 9 con lợn... Nên dù tiêu chuẩn chỉ 4.600 đồng/ngày/người, nhưng bữa ăn của học viên ở đây không đến nỗi kém. "Chúng em vừa mổ lợn. Chẳng thèm thịt, chỉ thích cá" - một học viên cười và rót mời tôi chén nước chè nóng hổi: "Chè chúng em trồng, tự hái, tự sao".

Làm thế nào quản lý được họ khi trong số 13 cán bộ chỉ có 2 chiến sĩ công an? "Tất nhiên không phải lúc nào đâu cũng vào đấy, thi thoảng vẫn có chuyện này chuyện kia đấy. Nhưng mình làm đúng trách nhiệm, đúng lương tâm thì anh em chịu thôi" - y sĩ Cương vắn tắt.

Trước khi rời Long Hội, tôi đọc một lượt hồ sơ học viên. Học viên G. từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, người Hà Nội, G. có một bạn gái người... Trung Quốc xinh chẳng kém gì Tây Thi. Cô này từng đi từ Hà Nội lên Thái Nguyên, vào Long Hội thăm G. đến 3 lần! Đây nữa, Thắng - một học viên cũng người Hà Nội, khi mới vào trung tâm, cô vợ hay lên thăm, nhưng lâu lắm rồi chẳng tin tức gì. Thắng định nhờ gửi về gia đình một lá thư, nhưng chẳng hiểu sao, cậu lại không nhờ nữa. Nhìn khuôn mặt buồn buồn, tôi đoán chắc Thắng đang có một uẩn khúc gì... Mỗi con người mỗi số phận, điều ấy cũng đúng đối với những con người từng một thời lầm lỗi này. Họ đáng trách, nhưng cũng cần được thông cảm và sẻ chia. Nhất là lúc này, khi họ đang trong hành trình đi tìm lại mình...

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.