Lên rừng tìm vàng

20/04/2007 00:10 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện miền núi huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã kéo nhau lên rừng tìm kiếm vàng. Hoạt động khai thác rừng trái phép đã tàn phá rừng đầu nguồn; hồ chứa nước đang đứng trước nguy cơ bị vùi lấp...

Đường đến bãi vàng

Thông tin ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Hòn Lập, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) có vàng vì vậy hoạt động khai thác vàng trái phép ở đây đang diễn ra sôi nổi. Khi chúng tôi đến thị trấn nhỏ của huyện miền núi này lại càng bị cuốn hút khi nghe người dân bàn tán xôn xao về chuyện tìm vàng. Một người bán nước mía ven đường cho biết: "Bãi vàng thuộc địa bàn thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh. Hôm rồi nghe thông tin có mấy người đã "trúng đậm", bà con chúng tôi cũng kéo lên rừng tìm vàng, nhưng không có. Các anh muốn vào bãi vàng thì phải thuê người dẫn đường, đi đứng cẩn thận kẻo trúng bẫy thú...". Để cho chắc ăn, chúng tôi liên hệ với UBND xã Vĩnh Thịnh, và chính quyền địa phương đã đồng ý giúp chúng tôi được "mục sở thị" bãi vàng.

Từ UBND xã, chúng tôi men theo con đường mòn ngoằn ngoèo tiến vào rừng. Mới đến bìa rừng đã thấy những hố vàng nham nhở. Anh Mã Thanh Hùng (người của xã Vĩnh Thịnh) cho biết: "Cách đây mười mấy năm, khu vực này là điểm khai thác vàng. Ngày đó, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra sôi nổi, mỗi ngày có hàng trăm người vào đây tìm vàng. Họ dựng lán ở qua ngày, đào bới tứ tung, rồi tranh giành địa bàn, đâm chém diễn ra phức tạp, có một người đã giết bạn cướp vàng rồi vùi xác bạn dưới hố. Tỉnh đã phải huy động lực lượng công an, bộ đội của tỉnh, huyện, xã mới dẹp được tình trạng trên. Bẵng đi một thời gian, mới đây có một đơn vị kinh doanh về lĩnh vực khoáng sản ở Quy Nhơn thuê người dân dẫn đường vào rừng để thăm dò khoáng sản. Người dân phát hiện trong đá ở khu vực rừng đầu nguồn hồ Hòn Lập có vàng. Khi doanh nghiệp kia rút quân, người dân trở lại khu rừng này phá rừng tìm kiếm vàng, khiến cho chúng tôi phải mất ăn mất ngủ để bảo vệ rừng".

Chúng tôi tấp xe vào một lán trại ở bìa rừng rồi cuốc bộ vào khu rừng rậm. Anh Hùng cảnh báo: "Đường đến bãi vàng nguy hiểm lắm, cẩn thận kẻo mắc bẫy thú, cố bám sát chúng tôi. Ở đây đã có người bị thương vì "dính" bẫy rồi đó". Đi hơn 1 km đường rừng, tôi tự rẽ vào một lối mòn, phát hiện 2 thanh niên đang hì hục đào đất, đập đá. Một người trạc chừng 25 tuổi, mặt mày lem luốc, mồ hôi nhễ nhại, thả xà beng xuống đất, hất cằm gằn giọng: "Mày ở đâu đến đây, có việc gì không?". "Em ở thị trấn vào thăm rẫy". Thấy tôi không có gì khả nghi, thanh niên kia bỏ búa xuống đất chụp lấy bình nước nốc một hơi dài. Tôi gạn hỏi: "Sao các anh biết ở đây có vàng mà đào, không sợ công an bắt à?". "Tụi tôi cũng nghe người khác nói khu vực này có vàng mới lên đây đào thử, nếu không có thì chuyển đến địa điểm khác. Mấy ổng đi kiểm tra dưới chân núi là tụi tui biết liền, họ lên gần đến nơi thì biến vào rừng ẩn náu, xong rồi lại tiếp tục đào, xui xẻo lắm mới bị bắt". Trò chuyện hồi lâu tôi mới biết người đối diện với mình tên Tuấn, người dân Vĩnh Thịnh. Câu chuyện giữa chúng tôi đang dở dang thì anh Hùng xuất hiện. Nghe tiếng động hai người khai thác vàng vội vàng tháo chạy vào rừng. Anh Hùng cho biết: "Những người đào đãi vàng chủ yếu là dân địa phương, họ biết rất rõ đường ra lối vào rừng. Dụng cụ mà người dân mang theo gồm có cuốc, búa và xà beng; họ lên rừng đào đất lấy đá, nếu phát hiện vàng "dính" trong đá thì lượm đá vào bao rồi chuyển xuống Tây Sơn nghiền nhỏ để lấy vàng".

Hơn 1 giờ len lỏi trong rừng, chúng tôi đã đến tiểu khu rừng 211 thuộc làng M2, xã Vĩnh Thịnh - trung tâm của bãi vàng. Tại đây có 4 người là cán bộ kiểm lâm, công an huyện, xã đang trấn giữ. Trước mặt chúng tôi là vùng đất trống, rộng khoảng 6.000m2 đã bị đào xới tứ tung, đất đá rơi vãi,  cây cối ngả nghiêng. Nhiều hố vàng còn vết tích mới, sáp đèn cầy rơi rớt trên miệng hố. Ông Nguyễn Hữu Đạo, cán bộ kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phụ trách địa bàn xã Vĩnh Thịnh cho biết: "Thời điểm đào vàng trái phép bùng phát mạnh nhất từ tháng 2 trở lại đây, có ngày cả trăm người vào khu vực này tìm kiếm vàng. Họ theo dõi đường đi nước bước của chúng tôi, nên việc ngăn chặn khai thác vàng gặp nhiều khó khăn".

Hệ lụy khó lường

Ông Nguyễn Hữu Tạng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: "Chưa có ai "phất lên" sau những chuyến lên rừng tìm vàng, song hoạt động khai thác vàng trái phép đã làm ảnh hưởng xấu đến đời sống sản xuất của nhân dân địa phương. Vì vàng mà nhiều nông hộ đã xao nhãng việc nhà, bỏ bê ruộng đồng. Chúng tôi lo lắng xảy ra tình trạng người dân bỏ bầu cử lên rừng tìm vàng, rồi lại xảy ra vấn nạn phá rừng, tranh giành địa bàn khai thác vàng... ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương". Chính quyền địa phương đã tốn không ít thời gian, công sức và tiền của để bảo vệ rừng phòng hộ. Khu rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 211 là bức thành vững chắc, bảo vệ đời sống sản xuất cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, nay đã bị phá hại. Chỉ cần một cơn mưa, tất cả đất, đá ở bãi vàng sẽ đổ dồn xuống hồ Hòn Lập. Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, lo lắng nói: "Sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn nước hồ Hòn Lập, nếu hồ chứa nước bị bồi lấp thì đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi đã huy động lực lượng kiểm lâm, công an túc trực 24/24 giờ tại tiểu khu 211, đồng thời vận động người dân cam kết không lên rừng tìm vàng, đối tượng nào không thực hiện cam kết sẽ bị xử lý nghiêm minh".

Ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép là việc làm cần thiết, song các giải pháp mà chính quyền địa phương đề ra không có tính khả thi vì lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng trong khi khu vực khai thác vàng lại đông đảo, đường đi lại hiểm trở. Hơn nữa, hy vọng làm giàu từ vàng của người dân vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo thì khó mà ngăn chặn họ lên rừng chặt cây, đào xới tìm vàng. 

P.T.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.