Lênh đênh đời sông nước

25/10/2005 21:33 GMT+7

Dọc bờ kênh Tàu Hủ, Q.6, hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ nằm san sát nhau phơi mình dưới cơn mưa nhẹ của Sài Gòn, chiếc cầu ván mỏng manh bắc từ ghe lên bờ cứ nảy lên oằn xuống từng hồi theo nhịp chân cô gái trẻ đang ì ạch dời từng bao sắn nặng trĩu qua lại. Đánh ghe từ An Giang, qua Châu Đốc, Tiền Giang rồi lên Sài Gòn để buôn hàng trái cây, đó là hành trình mưu sinh của những người phụ nữ quanh năm lênh đênh sông nước…

Chông chênh trên sóng

Men theo bờ kênh tối đen và buồn hiu hắt, tôi dừng lại trước mặt cô chủ nhỏ của chiếc ghe mang biển số An Giang AG 02... Vừa toan hỏi chuyện thì tôi liền "được" cô thử thách bằng giọng lạnh lùng: "Mời anh xuống ghe". Đành cười... méo xẹo, tôi lấy hết bình sinh đi qua cây "cầu khỉ" dài hơn 3m đã bị ướt sũng vì nước mưa. Cho đến khi chạm được chân lên mũi ghe tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cô chủ nhỏ, sau thử thách ban đầu chừng như đã vừa bụng, cởi mở trò chuyện cùng tôi: "An Giang quê em đang trong mùa nước nổi, không mần ăn gì được hết, nên cả nhà phải đánh ghe lên đây đi buôn sắn. Neo ở kênh này gần nửa tháng nay, mỗi ngày cả nhà xúm lại lột 3-4 trăm ký sắn; kiếm cũng được 5-6 chục ngàn đồng, tạm đủ sống qua ngày...". Cô gái cho biết mình tên Trần Kim Mãi, có "thâm niên" sông nước... 15 năm, bằng giọng dịu dàng của người miền Tây. Từ đời ông bà cho đến cha mẹ của Mãi, tất cả đều gắn bó với cuộc sống trên ghe. Mới lọt lòng có 3 ngày, Mãi đã phải bắt đầu cuộc hành trình sông nước gian truân cùng gia đình. Mẹ của Mãi, cô Diệp Kim Nở, 45 tuổi, cho biết mình theo chồng lên ghe mưu sinh gần 30 năm nay. "Ba đứa con gái đứa nào cũng lớn lên trên ghe hết ! Tội nghiệp, cứ nay đây mai đó suốt không được học hành gì ráo. Được cái tụi nó cũng sáng dạ, biết mua sách về tự học, có gì khó cả nhà cùng chỉ nhau, dần dần tụi nó cũng đọc được sách báo sơ sơ", mẹ của Mãi tâm sự.

Ảnh Đào Ngọc Thạch

Sóng gió đầu tiên của cánh má hồng sống đời sông nước là những lần... té sông. "Ba chị em nó, đứa nào cũng đã hơn một lần té sông rồi đó cậu! Hồi tụi nó còn 4, 5 tuổi lận, ngồi trong khoang mà nghe cái "ùm" là mình nhảy liền xuống nước vớt nó lên, may mà đứa nào cũng bình an vô sự", đến phiên người cha góp chuyện. Gian nan nhất là khi lái ghe đến những khúc sông lớn như sông Tiền, sông Hậu sóng to gió lớn, nếu không vững tay lái là lật ghe như chơi. Lúc ấy, sóng dập lên cả khoang, "ngôi nhà" nhỏ trên sông lắc lư chao đảo liên hồi, ba cô con gái rồi cả người mẹ dù đã có thâm niên đi thuyền cũng phải thường bật khóc vì sợ hãi, ai cũng khư khư thủ sẵn mỗi người một phao cứu sinh phòng lúc nguy cấp. "Có lần, em bị đau bụng âm ỉ cả tuần nhưng cả nhà tưởng đau bình thường nên chỉ cho uống thuốc giảm đau. Cho đến khi bà con hàng xóm trên các thuyền khác nói coi chừng đau ruột thừa thì cả nhà mới lo cấp tốc đưa em đến bệnh viện gần nhất. Đúng là đau ruột thừa, vừa kịp để mổ, may lúc đó thuyền gần tới bến, nếu để trễ 1 ngày nữa là...", Ngọc Giàu - "bé ba" trong gia đình nhắc lại kỷ niệm khó quên của đời mình. Cô gái 18 tuổi với nụ cười cởi mở này đã lên... thuyền hoa gần 2 năm nay, và đã có đứa con trai đầu lòng. Ngày đám cưới, hai vợ chồng thuê một chiếc ghe khá lớn làm "khách sạn" đãi khách, rồi rước dâu bằng những xuồng hoa rực rỡ trên sông. "Em từ nhỏ đã không có điều kiện để học hành nên nhất định sau này em phải lo cho con cái được đi học đàng hoàng, để nó khỏi quanh quẩn mãi cuộc sống như thế này của mẹ...", Giàu khẽ nhìn xuống bé con đang ngon giấc trên tay và thổ lộ ước vọng của mình.

Về đâu?

Ngọc Giàu với bé con kháu khỉnh trên tay. Ảnh: T.Quang

"Hàng xóm" của gia đình đã kể trên cũng cư ngụ trên một chiếc ghe mang biển số AG-024... đang neo bên cạnh. Một cô gái đang ngồi ở mũi ghe, luôn tay cắt gọt những củ sắn trắng nõn, tỏ ra sẵn lòng trò chuyện cùng "khách Sài Gòn". "Em tên Út, 18 tuổi, mới đi ghe được vài năm thôi. Em đi phụ gia đình, mỗi chuyến ghe em chở 2 đến 5 tấn sắn. Cứ neo ở bến khi nào bán hết hàng thì lại đi, tiếp tục sang các bến ở các tỉnh khác", cô gái tên Út liếng thoắng. Theo lời Út kể, mỗi chuyến cả nhà chắt góp cũng lời được 5-6 trăm ngàn đồng, chủ yếu lấy công làm lời. Có khi chẳng dư đồng nào, còn lúc hàng bị ngâm đến nỗi úng, dập... thì lỗ nặng. Các lò bánh bao trong thành phố rất cần sắn để làm nguyên vật liệu, nên gặp những lúc đắt hàng, cả nhà quên ăn quên ngủ làm từ sáng tinh mơ cho tới 11h khuya để giao đủ sắn cho khách. Con gái chân yếu tay mềm, sống đời tàu ghe lắm lúc gặp tai nạn vô cùng nguy hiểm. Út vừa mới bị gãy chân do trượt ngã xuống khoang hàng cao tới 2m, phải nằm dưỡng bệnh 3 tháng ròng mới đi lại được. Đó là chưa kể những lúc bị mắc cạn, cả ghe lẫn người đều phải ở một chỗ chờ nước lên mới đi được; hay vào những đêm không trăng dễ bị bọn đạo chích bơi xuồng nhỏ mò lên tận ghe khống chế lấy tiền, hàng...

Nguyễn Thị Nhiên, con gái của chủ ghe AG-427... cho biết: "Không đâu như kênh Tàu Hủ này hết anh ơi, vừa bẩn lại vừa hôi quá sức. Tối ngủ là mùi tanh hôi lại xộc vào mũi chịu không nổi. Sợ nhất là bọn hút chích, thỉnh thoảng lại mò lên thuyền ăn trộm đồ. Hàng xóm không ai dám la lên vì sợ bọn chúng trả thù". Nhưng cũng nhờ đi ghe nhiều mà các bạn gái học lỏm được từ cha, anh vài "chiêu" cơ bản về cách nhìn trời mây đoán thời tiết, hay lắm lúc cũng phải tập làm "thủy thủ". Lâu lâu, cả bọn con gái trong xóm ghe cũng biết rủ nhau đi "đổi gió" ở khắp các siêu thị trong thành phố!

Quay lại "nhà" của Kim Mãi, tôi thấy cô đang ngồi tiếp tục công việc thường ngày, gọt sắn trên mũi ghe: "Bạn có tính đi học thêm nữa không, ngoài những cái tự học ấy? Với lại thích lên bờ sống hay sống dưới ghe?". "Em thích đi học lắm, nhưng nay đây mai đó hoài sao học được hả anh? Còn lên bờ thì biết sống ở đâu! Em sẽ học nghề may để mở tiệm ngay trên ghe luôn, may đồ phục vụ cho bà con sống trên sông cũng được mà", Mãi trả lời tôi rồi nở nụ cười với ánh mắt hồn nhiên của tuổi 15, bên kia đứa nhóc kháu khỉnh con người chị khóc oe lên rồi dúi đầu vào ngực mẹ nó như đang khát sữa...

Phóng sự của Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.