Miền Trung thời El Nino

14/11/2015 10:02 GMT+7

Miền Trung nước ta có vị trí địa lý khá đặc biệt. Nó là một dải đất dài chạy dọc theo vòng cung bờ biển, địa hình chủ yếu là núi non và đồi gò, vùng bình nguyên hẹp và nhỏ.

Miền Trung nước ta có vị trí địa lý khá đặc biệt. Nó là một dải đất dài chạy dọc theo vòng cung bờ biển, địa hình chủ yếu là núi non và đồi gò, vùng bình nguyên hẹp và nhỏ.

Miền Trung thời El NinoẢnh: Shutterstock
Địa hình ấy có chiều dài mà thiếu chiều ngang, lại chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ gió mùa, đặc biệt là gió foehn khô nóng mùa hè từ khu vực vịnh Thái Lan thổi sang, qua nước bạn Lào rồi đổ xuôi theo dãy Trường Sơn Đông tạo tình hình khô nóng. 
Cuối tháng 10 dương lịch, tôi về miền Trung. Đáng lẽ như nhiều năm trước, trời cuối thu miền Trung sẽ có màu nắng lụa rất đẹp, dịu dàng và trong như lọc; buổi chiều sẽ có gió heo may thổi nhẹ qua khắp đồng bằng, bờ tre, bãi mía, nương dâu. Đáng lẽ như nhiều năm trước, mùa này miền Trung đã có lũ lụt - những trận lũ lụt vừa hoặc nhỏ. Đó là hiệu ứng của vùng không khí lạnh từ phương bắc tràn về, kết hợp với những cơn bão trung bình đưa mây về quần tụ trên núi cao. Mây sẽ tạo mưa nhiều cho vùng thượng nguồn, chảy xuống thành lũ lụt ngập khắp đồng bằng. Thế nhưng năm nay và tháng 10 này, miền Trung không thấy mùa lũ lụt. Quảng Nam - vùng đất nằm đúng trung lộ của đất nước, ba năm qua không có lụt, dù là cơn lụt nhỏ.
El Nino - hiện tượng khô hạn do biến đổi khí hậu của trái đất - đang thật sự diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Trên đất nước ta, hiện tượng El Nino dễ nhận ra nhất là ở miền Trung. Dọc theo quốc lộ đi qua miền Trung, những dòng sông Dinh (Ninh Thuận), sông Ba (Phú Yên), sông Côn (Bình Định), sông Trà và sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Thu và sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Bồ (Thừa Thiên), sông Thạch Hãn và sông Bến Hải (Quảng Trị), sông Lệ Giang (Quảng Bình), Ngàn Sâu và Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Lam (Nghệ An)… mực nước đều ở thấp dưới lòng sông. Sông miền Trung vốn trong vắt quanh năm nhưng cuối thu vào đông thì thường đục ngầu, chảy tràn bờ do nước mưa từ thượng nguồn đổ xuống. Đó là dòng nước mang phù sa mới về bồi bổ cho ruộng đồng, nương rẫy sau một năm sản xuất mùa vụ. Nay đã vào đầu đông mà sông vẫn thấp nước và trong veo, điều đó có nghĩa là hạn hán sẽ xảy ra ở mùa xuân và mùa hè năm tới.
Lũ lụt thì có vất vả thật nhưng người miền Trung đối phó với lũ lụt cả ngàn năm qua nên đã hình thành những kỹ năng thích nghi rất tốt. Cũng như nhân dân các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long ở Nam bộ, nhân dân các tỉnh miền Trung vẫn mong có những cơn lũ lụt vừa và nhỏ về với ruộng đồng. Lũ lụt đem lại lớp phù sa mới, khử chua khua mặn cho đất đai, làm sạch những mầm bệnh tiềm ẩn trong đất giúp cây trồng và vật nuôi an toàn hơn, diệt được các loại côn trùng gây hại mùa màng và lũ chuột phá hoại lúa, hoa màu. Lũ lụt không về khiến vụ lúa đông xuân năm qua ở nhiều huyện nông nghiệp Thừa Thiên-Huế thất thu trên 10% sản lượng lúa do chuột phá hoại. Con số khá lớn đó cho ta biết người nông dân miền Trung cần có lũ lụt đến bao nhiêu.
Lũ lụt không về khiến bà con nông dân miền Trung thất thu mùa cá. Tôi nhớ những năm xưa, có lũ lụt về là bà con thi nhau đánh cá; anh nông dân nhanh chóng biến thành ngư dân. Nông dân đánh cá theo kiểu thủ công: chài, lưới, rớ, lờ, đăng, đó, nơm… cũng kiếm được cả tạ. Bà con ngư dân làm cá chuyên nghiệp ven sông thì thu hoạch “chính quy” hơn, cũng có thể kiếm lời từ cá tôm mùa lũ lụt nhiều hơn là đánh bắt những ngày bình thường trên sông. Ngay đến bọn trẻ con chúng tôi đánh bắt tài tử trên ruộng cũng kiếm được cá về ăn ba, bốn ngày. Trời ạ, cái nồi kho “kính thưa các loại cá” từ nước nguồn đổ xuống, kho với nghệ tươi, ớt xanh, tiêu đen, lá gừng thơm bảy xã cũng nghe, không đủ cơm mà ăn với nó. Mùa lụt, các chợ quê không còn bán cá biển, cá sông nữa. Thay vào đó là hệ cá suối, cá đồng gồm trê, tràu, ngạnh, giếc, trảnh, rô, lăng, leo, dưng, tôm đất… Con cá, con tôm nào cũng sống nhăn, nhảy soi sói thấy mà ham. Giờ thì những hình ảnh thơ mộng và hoành tráng ấy không còn nữa, một vì thiếu lũ lụt, hai vì các “vua thủy điện” chặn lại hết ráo rồi.
Bằng mắt thường, người ta có thể nhận ra hiện tượng El Nino ở miền Trung. Những hồ chứa nước thủy lợi lớn đáng lẽ đã lên tràn bờ mênh mông, các cửa đều được xả van cho nước thoát thì năm nay vẫn thấp lé đé, bày ra những bến bãi vàng chóe màu đất đồi. Đi trên máy bay ATR 72 từ 3.000 m trên không gian nhìn xuống, bạn có thể thấy những hồ nước trên các vùng đồi núi khô hạn hẳn, chỉ còn là những vũng nhỏ màu vàng hiện ra giữa thảm rừng xanh. Sau những trận mưa tháng 8 và 9, Ninh Thuận đã thực sự trở lại hạn hán ngay giữa mùa đông. Cỏ không mọc nổi cho bò, cừu ăn nữa. Mực nước trong các hồ đập thì ngang với mực nước chết.
Người miền Trung có tập quán chăn thả đàn bò trên đồi núi cho chúng ăn cỏ, đến tháng 10 mới cho về chuồng tránh cái lạnh mùa đông. Để tránh lạnh, người ta thường nhốt chúng vào chuồng, che chắn cho chúng khỏi bị trái gió, lại mặc “áo” bằng bao tải cho chúng, thậm chí còn đốt lửa sưởi ấm ban đêm nữa. Tháng 10 này, tôi đi qua những huyện vùng cao, chưa thấy đàn bò nào về nhà, cũng chưa thấy nhà nông dân nào chuẩn bị bao tải làm áo cho trâu bò. Ở những huyện đồng bằng, bà con nuôi một vài con bò đã làm sẵn những nhà chòi cao, bỏ sẵn rơm rạ ở đấy để đưa bò lên tránh lũ. Lũ lụt không về, các chú bò thẩn thơ đứng trong sân nhai lại.
Tôi lên đồi xưa, tìm lại chút xúc động lãng mạn của thời thanh xuân. Đáng lẽ mùa này, lá đã vàng, nhiều loài cây rụng hết lá. Ấy vậy mà rừng vẫn xanh như ở cuối mùa hè, chỉ có những đầm sen bắt đầu héo lá, đài sen đã kết trái. Bốn giờ chiều đứng trên đồi loang nắng, chỉ nghe một chút heo may thổi nhẹ. “Vâng, anh đã trở về/ Áo khinh cừu nhẹ tênh/ Túi giang hồ một bên/ Gối cỏ hồng nằm nghiêng” – câu hát viết vào cuối thu ngày nào bây giờ không hát nổi nữa. Có lạnh đâu mà nói chuyện mặc áo khinh cừu với lại khinh dê?
Cây cầu Cửa Đại hoành tráng và hiện đại nối thành phố Hội An với vùng đông Duy Xuyên vẽ ra một nét thanh tân nơi miền đất sông về cửa biển. Nơi ấy từng là cái rốn lũ của tỉnh Quảng Nam bởi nước của dòng sông nào cũng hội tụ về đây, chảy như thiên binh vạn mã ra biển để thoát nước, tiêu úng cho đồng bằng. Đứng trên cầu, tôi cúi nhìn dòng nước. Mặt nước ở dưới xa kia, chảy lờ đờ không ra cái phong thái rốn lũ mùa đông chút nào. Cách biển chỉ nửa cây số mà nước vẫn chia làm hai dòng với hai màu rõ rệt: nước bên sông Thu về thì có màu vàng một chút, nước bên sông Trường Giang về thì lại trong xanh.
Chúng ta sống ở thành phố quanh năm, vốn quen với không gian và khí hậu thành phố; nhiều lắm chỉ nhận ra sự biến đổi khí hậu qua những đợt triều cường, những mùa ít mưa, những ngày quá nóng. Nếu có dịp đi về đâu đó sống giữa thiên nhiên nông thôn miền Trung, ta mới nhận ra sự biến đổi khí hậu rõ rệt. Quy luật của đất trời là mùa nào thì thực hiện “lệnh” - những biểu hiện của thế giới tự nhiên, của mùa đó. Thí dụ vào mùa đông thì phải có bão, có lụt, có gió lạnh, rừng cây thay hết lá… Miền Trung với hiện tượng El Nino năm nay có thể gọi là “đông hành hạ lệnh” - mùa đông mà biểu hiện thế giới tự nhiên cứ như mùa hè.
Người miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả của hiện tượng El Nino. Ở những vùng khô hạn nặng như Ninh Thuận, bà con đang thay đổi vật nuôi, cây trồng; chủ yếu nuôi các gia súc và trồng các loại cây chịu hạn. Ở nhiều tỉnh khác, công tác thủy lợi coi trọng việc chứa nước trong các hồ đập, sử dụng nước có quy trình và khoa học, tiết kiệm nước để tưới cho vụ đông xuân và hè thu, gia cố các đập ngăn mặn để chống nước mặn từ biển xâm thực. Các hồ chứa nước ngọt được bảo vệ nghiêm cẩn, bảo đảm đủ nguồn nước sạch cung cấp cho đời sống nhân dân. Công tác bảo vệ rừng cũng được đặt ra khẩn trương; vừa chống cháy rừng, vừa chống phá rừng để bảo vệ nguồn nước.
Thanh niên, thiếu nữ có quần áo mùa đông khá đẹp không có cơ hội lấy ra mà diện. Buổi trưa nóng toát mồ hôi, buổi chiều mát mẻ cũng cỡ 26 độ C; ai huỡn đâu mặc áo vét với áo len ra đường, dạo phố. Riêng tôi, tôi chỉ thèm một cơn lụt nhỏ để được xăn quần lên đến đầu gối, ghé quán ăn bánh xèo đúc với tôm đất, thịt ba chỉ quấn rau đắng. Năm chục năm không được ăn món này ngày lụt, “ngứa ngáy” quá chừng. Hiện tượng El Nino làm cho con người ta mất hứng, quả cũng là chuyện tự nhiên!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.