Một người Việt kể chuyện lạ châu Phi (Kỳ cuối)

29/08/2008 09:37 GMT+7

Kỳ cuối: m nhạc châu Phi và tập tục tìm chồng Tôi (Diệp Chí Huy) từng tham gia nhóm ca khúc chính trị hồi 16 tuổi, từng được Thứ trưởng Văn hóa Nông Quốc Chấn, sinh thời xoa đầu khen tại một hội diễn ở Bình Định. Suốt 5 năm đại học ở Nha Trang, tôi là tay guitar lead.

>> Kỳ 2

Tại Ghana, quốc gia nói tiếng Anh như Nigeria (còn Benin, Burkina Faso, Togo nói tiếng Pháp), tôi từng có chuyến đi nhớ đời hồi 2007. Dù đã ghi ra giấy đi Rocopite nhưng taxi cố tình nghe nhầm, chạy ngược hướng đến... Coco Beach! Tốn cả trăm USD lại “khuyến mãi” cái sự bực mình, chẳng khác chi mấy bác tài ở Sài Gòn thời kỳ đầu mới có taxi. Nhưng cuối cùng tôi cũng đến nơi có tấm biển ghi “Học viện m nhạc Nghệ thuật châu Phi”. (Academy of African Music& Art). Sáng lập học viện là Mustafha, người chơi trống giỏi nhất châu Phi, tức số một thế giới. Hôm tôi đến nhằm chủ nhật, người dạy là một thanh niên điển trai, ở trần trông rất khỏe, cổ đeo vòng cườm đặc sắc. Anh ta chơi trống như lên đồng. Cũng phải thôi, tiết tấu nằm trong máu thịt người dân châu Phi từ khi họ biết đi biết chạy.

Tây Phi là khu vực ở cực tây của lục địa châu Phi. Theo Liên Hiệp Quốc, Tây Phi bao gồm 16 quốc gia trải dài trên một diện tích 5 triệu km², gồm Bénin, Burkina Faso, Côte d'Ivoire, Cabo Verde, Gambia, Ghana, Guinée, Guiné - Bissau, Liberia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Sénégal, Sierra Leone, Togo. Tất cả 16 quốc gia đó đều là thành viên của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, trừ Mauritania. Khu vực theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc còn bao gồm các đảo Saint Helena, một lãnh thổ thuộc Anh ở nam Đại Tây Dương. Phần lớn vùng này là những bình nguyên có độ cao 300 mét trên mặt nước biển.

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Sau 4 tiếng đồng hồ vã mồ hôi học trống châu Phi, tôi cơ bản nắm được bí quyết đánh trống, kèm theo là... bàn tay phải đỏ rần. Trống gồm 4 âm cơ bản: mép trống/tone, tâm trống/bass, má trống/slap và tang trống/open hoặc close. Do là chủ nhật, không thể lấy giấy chứng nhận, ông thầy người Ghana đề nghị quay phim làm chứng rồi nói với tôi: “Anh là người Việt Nam đầu tiên (!) tới đây. Tôi tin tiếng trống châu Phi sẽ vang lên tại quê anh”. Tôi  đã mang về Việt Nam mấy cái trống như vậy. Mặt trống làm bằng da cừu, có lông trắng viền quanh. Chân trống hình trụ với hoa văn rất đẹp. Một cái tôi đã bán đấu giá ủng hộ người nghèo, một cái để tại phòng trà Gitano Đà Nẵng và một cái tôi mang theo bên mình, gõ chơi trong những cuộc vui bè bạn. Mê nhạc, tôi mê luôn dòng nhạc Ziggy, gốc Phi đến từ Jamaica với tay tổ là Bob Marley. Nhạc Ziggy ít lời, người chơi diễn tả cảm xúc bằng bộ gõ là chính. Nghe nó dậm dực như một số điệu nhạc từng du nhập vào Việt Nam hồi thế kỷ trước. Một lần có nhóm sinh viên đến từ Pháp, một nữ thạc sĩ người Việt đi cùng. Tôi đã mời họ về nhà, ăn cơm Việt và nghe ca khúc do tôi viết trên nền nhạc Ziggy...

Chuyện thiếu nữ Togo chiêu quân (kiếm chồng) cũng rất lạ. Một lần tôi lên phía bắc biên giới Togo, gần Kara. Đang trên đường, bỗng thấy một đoàn thiếu nữ dung dăng đi dạo, đặc biệt mấy cô nhỏ hơn để ngực trần. Ai cũng đi dép đế bằng, tay mang xách. Thấy lạ, tôi cứ lẽo đẽo theo, các cô lấy làm hãnh diện lắm! Về sau, tôi được biết đó là tập tục tìm chồng mỗi độ xuân về. Các cô không chỉ khoe ngoại hình đẹp mà còn bảo đảm rằng mình khỏe mạnh, rắn chắc, không  bệnh tật trước khi có chồng. Cứ thế, hằng năm họ lại đi, đến khi nào có chồng mới thôi. (Huy chuyển cho tôi những tấm hình anh đã chụp, bảo đảm không dùng photoshop. Anh bảo cứ đăng nguyên trạng, không cần che mặt vì thiếu nữ Togo chiêu quân hãnh diện vì điều  đó ! - PV).

Mấy tuần nay, do Sài Gòn kẹt xe và ngập lụt, Diệp Chí Huy bay ra Đà Nẵng gặp tôi, trong khi chờ có vé bay 3 ngày 2 đêm để qua lại Togo. Vì sao bay châu Phi khó vậy? Tôi hỏi. Huy đáp: “Đâu phải dễ. Bay từ Sài Gòn qua đó phải qua các chặng Tân Sơn Nhất - Bangkok - Dubai - Ghana. Kẹt nhất là đoạn Bangkok - Dubai - Ghana. Chỉ cần tắc một đoạn là kẹt cả tuyến. Ngược lại, nếu mình cứ lấy vé từng chặng thì chết. Thời gian chờ đợi có vé đi tiếp dài dằng dặc. Có người từng phải bay về lại Việt Nam vì không thể chờ đợi lâu hơn”.  Phức tạp vậy, sao không tìm nơi khác làm ăn? Tôi hỏi, anh cười: “Nói chung, Tây Phi là thị trường dễ tính, đa số dân theo đạo Hồi, chuyên trồng ca cao, bắp. Vả lại, không nhiều lắm người Việt qua bên đó bán sỉ áo quần, vật liệu xây dựng, fibro xi măng, gạo... nên không phải cạnh tranh gay gắt như trong nước. Doanh số hằng năm cũng tương đối, có cái xài, cái ăn, lại được khám phá một trong những nền văn hóa thú vị thì còn gì bằng”.

Đ.N.K

Đặng Ngọc Khoa (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.