Không chỉ có biển đảo trong xanh lộng lẫy trong nắng hè, Quy Nhơn còn là nơi lưu lại dấu tích của những đền đài, thành cổ, của những nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam.
Lối xưa xe ngựa…
Bà Huyện Thanh Quan có lần cảm tác: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Thăng Long thành hoài cổ). Không ít người cũng có cảm nhận đó khi đến thăm thành Hoàng Đế ở cách TP.Quy Nhơn chừng 30 km.
Thành Hoàng Đế còn gọi là Đồ Bàn được xây dựng dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya vào cuối thế kỷ 10, và là kinh đô cuối cùng của Vương quốc Chămpa từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Đến năm 1775, thành được triều đại Tây Sơn xây dựng lại, mở rộng về phía đông tới 15 dặm và được chính thức gọi tên là thành Hoàng Đế từ năm 1778.
Thành Hoàng Đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với 3 vòng thành: thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành. Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, không thẳng, có chu vi 7.400 m. Chân thành có chiều rộng hơn 10 m, tường thành cao trên 6 m và mặt thành rộng trên 4 m. Thành cổ này sẽ khiến nhiều du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những câu chuyện cổ, những kỳ bí về thời huy hoàng của một triều đại đã giúp bao du khách mê khám phá văn hóa, lịch sử góp nhặt được nhiều điều lý thú, bổ ích.
Vào đến khu vực Tử Cấm Thành, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một số di tích còn sót lại cho đến ngày nay như lầu Bát Giác, hòn Giả Sơn… Phân bố đăng đối hai bên lầu Bát Giác là hai hồ hình bán nguyệt đã được nạo vét, trả lại nguyên vẹn hình dạng một hồ tắm xưa với đường kính dài 17 m, sâu 1,6 m. Tương truyền, đây là công trình được vua Chiêm Thành Chế Mân xây tặng công chúa Huyền Trân như một món quà tình yêu.
Nhà thờ làng sông thơ mộng giữa ruộng đồng
Một công trình khác, cũng đầy dáng vẻ êm đềm, cổ kính tại xã Phước Thuận, H.Tuy Phước. Khó mà hình dung được, chỉ cách TP.Quy Nhơn chừng hơn 10 km lại có một nơi đẹp đến nao lòng như nhà thờ Làng Sông. Giữa bao la ruộng đồng rập rờn trong gió là một kiến trúc Gothic cổ xưa nằm lẩn khuất sau hàng cây sao hàng trăm năm tuổi.
Cách đây gần 400 năm, Cristophoro Borri, giáo sĩ dòng Tên người Ý đã viết trong tác phẩm Xứ Đàng trong năm 1621 thuật lại chuyện ông được một viên quan trấn phủ Quy Nhơn đón tiếp nồng hậu, cho phép xây dựng nhà thờ để truyền đạo. Và điểm đầu tiên khi các giáo sĩ cập bến là cảng Nước Mặn vào năm 1618, được quan phủ Quy Nhơn là khám lý Trần Đức Tài cho phép vào giảng đạo. Sau này, việc đi lại giao thương ở cảng Nước Mặn không thuận tiện nên cơ sở truyền giáo chuyển về Làng Sông. Khoảng năm 1862, giám mục người Pháp Stephano Cuénot cai quản giáo phận Đàng Trong giao cho linh mục Phao lô Châu coi sóc nhà thờ Làng Sông.
Từ con đường giao thương thủy bắt đầu từ đầm Thị Nại, các tàu buôn ngược dòng sông Côn lên thượng nguồn, đến tận vùng núi Tây Sơn thượng đạo, một phần thuộc Vĩnh Thạnh ngày nay để tiếp tục chuyển hàng hóa lên vùng Tây nguyên. Các giáo sĩ truyền giáo cũng theo con đường này đi truyền đạo, và nhà thờ Làng Sông là một di tích còn lại của những giáo sĩ truyền giáo Bồ Đào Nha khi đặt chân lên vùng đất Quy Nhơn, Bình Định.
Chủng viện cũng là nơi đặt nhà in Làng Sông năm xưa, trở thành một trong ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài sách tiếng Latin và tiếng Pháp, nhà in Làng Sông đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại như: giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch…
Chủng viện Làng Sông ngừng hoạt động từ năm 1983, nay chỉ còn lại những người trông coi, săn sóc vườn cây, khu kiến trúc cổ, chăm chút những bông hoa, thảm cỏ. Nhờ vậy tổng thể khu kiến trúc cổ này không hề có sự hoang tàn, phế nát, mà trái lại rất gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Những buổi cuối tuần, nơi này thường là điểm dừng chân lý tưởng cho những cặp đôi chụp hình cưới muốn chọn khung cảnh nên thơ, cổ kính. Cũng có khi, khách xa ghé lại, tìm chút bình yên trầm mặc trong không gian đầy dấu tích của lịch sử, văn hóa và kiến trúc đẹp.
Yên bình mũi đất đề gi
|
Xuôi về phía biển, đi hết cung đường dọc biển Cát Tiến - Cát Hải - Cát Khánh là cửa cảng Đề Gi. Tuy không phải là một cửa cảng rộng và sâu nhưng Đề Gi có hòn Lâm Sơn án ngữ như một tấm bình phong chắn gió từ hướng bắc tạo thành một nơi trú đậu lý tưởng cho thuyền bè. Nơi đây đã từng có một thời phồn thịnh, buôn bán sầm uất mà dấu tích còn lại là chợ Gành nằm ở phía tây với những khu vực dân cư tập trung, mang dáng dấp một đô thị cổ. Cách Đề Gi không xa về phía đông còn mấy hòn đảo nhỏ nằm chơi vơi giữa biển, trông chẳng khác gì những chú trâu đang lặn ngụp, đùa giỡn cùng sóng biển nên tục gọi là Hòn Trâu.
Cửa Đề Gi nối thông với một đầm nước ở phía bắc có hình dạng gần giống như một hình chữ nhật với chiều dài xấp xỉ 7 km chạy xuôi theo hướng bắc - nam và chiều rộng ước chừng non 4 km. Đó là đầm Đạm Thủy. Giới săn ảnh vẫn thường rủ nhau đến đây để tìm cho mình những khoảnh khắc đẹp. Du khách sẽ được mãn nhãn khi ngắm đầm Đạm Thủy những buổi hoàng hôn đỏ rực óng ánh, một bên là dãy núi Bà xanh rì, hùng vĩ, nghe gió đầm rù rì bên tai kể những chuyện ngày xưa cũ…
Bình luận (0)