Mùa khô ở bãi giữa sông Hồng

24/01/2008 15:28 GMT+7

(TNO) Chuyện mùa nước cạn ở sông Hồng là chuyện “đến hẹn lại… cạn”. Thế nhưng, mực nước cứ xuống thấp dần theo năm tháng. Người ta lo cứ đà này, sẽ có ngày “đi bộ” được qua sông Hồng…

Trong những ngày gần đây, mực nước sông Hồng đã cạn xuống mức kỷ lục trong hơn 100 năm qua. Đoạn chảy qua khu vực Hà Nội chỉ còn khoảng 1,4-1,5m, tàu thuyền có tải trọng lớn không thể lưu thông. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình cạn nước của sông Hồng còn có thể kéo dài đến đầu tháng 2.

Sông Hồng cạn nước, dân trong thành phố kháo nhau không biết có bị thiếu điện, thiếu nước không? Không biết làm thế nào để cho qua nhanh mùa khô này… Nhưng, trong khi đèn thành phố vẫn sáng suốt đêm ngày, nước sinh hoạt vẫn còn để lãng phí thì những người sống ở làng chài và bãi giữa sông Hồng phải đang gánh chịu hậu quả trực tiếp của mùa khô.

Ông Đặng Duy Hiển - Phó trưởng Phòng Tưới tiêu và cấp thoát nước nông Nghiệp - Cục Thủy lợi cho biết: "Nguồn nước sông Hồng phụ thuộc vào hai yếu tố: lưu lượng bình thường của sông Đà, sông Thái Bình và lượng xả ở các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà. Kể từ đầu tháng 11. 2007, mực nước sông Hồng đã giảm đến rất thấp. Vào ngày 1.1.2008, mực nước sông Hồng chỉ đạt 1m12".

Chỉ cột bê tông cao nhất trên bãi sông Hồng, anh Hùng - một người sống tại làng chài -nói: “Cứ nhìn cái cột bê tông kia là biết năm nay nước cạn hơn năm ngoái là bao nhiêu. Năm ngoái, chúng tôi neo nhà cách cái cột ấy có 3m, vậy mà năm nay cách tới chừng 5m chứ chẳng chơi. Cứ tình hình này, ra giêng chắc phải chèo nhà ra… giữa sông ở mất”.


Các cột bê tông chênh vênh giữa mùa khô

Tính đến ngày 18.1, phía bên trong bãi giữa sông gần như đã trơ đáy. Sông bây giờ chỉ như con suối nhỏ, các hộ trong xóm chài tận dụng chỗ có nước để neo nhà cho đỡ hỏng thùng phuy bên dưới.

Bác Hưng, quê ở Hưng Yên, làm ở bãi giữa, chia sẻ: “Tôi sống ở đây cũng hơn chục năm rồi, hồi trước còn quăng lưới bắt tôm, bắt cá. Nhưng bây giờ mùa nước lên thì may ra còn có cá, chứ mùa này thì chỉ có cát thôi. Cũng vất vả lắm. Bà nhà tôi thì vào trong thành phố đi gánh nước cơm thừa cho mấy hộ nuôi lợn bên Gia Lâm. Tôi thì đi đứng chợ người gần sông Kim Ngưu ấy. Tối thì về đây, thôi thì coi như đỡ tiền thuê nhà”.

 


"Ao" trữ nước của các hộ dân bãi giữa

Cầm một đoạn ống nước dài chừng 5m dựng ở góc lều, chị Hương nói : “Nhà chị vừa phải mua thêm gần trăm mét ống nước như thế này để hút nước từ sông lên đấy. Từ lều đến sông xấp xỉ gần 200m ống nước, tốn kém lắm. Nước giếng khoan thì có hạn, phải tiết kiệm, khi nào thực sự cần tưới thì mới hút lên thôi. Mọi người ở đây bây giờ chỉ còn giải pháp là đào hố rồi trải bạt lên tích nước bơm từ sông. Cứ khoảng 20m lại đào một hố tích nước, kiểu như ao ở quê ấy. Rồi gánh nước về”.

Cả xóm bãi giữa sông Hồng có khoảng 40 hộ, đa phần là người dân từ các miền quê xung quanh Hà Nội lên làm. Có những người sống ở đây đã hai đời. Cũng có nhiều “công đân thế kỷ XXI” được sinh ra ở đây. Chỉ với căn lều dựng tạm giữa bãi bằng tre và nứa, không điện, thiếu thốn nước quanh năm, cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào ngô, khoai, lạc, cà chua… mà họ canh tác được theo mùa nước của sông Hồng.

Chùm ảnh sông Hồng cạn nước:



Sông Hồng cạn, nhiều bãi cát hình thành, học sinh có thêm chỗ vui chơi


Mùa nước cạn, bãi giữa đắt sô chụp ảnh cưới


Ao cá mùa nước lên giờ chỉ còn là cái vũng


Mọi sinh hoạt của người dân làng chài đều tập trung tại vũng nước này

Bài, ảnh: Hồng Minh-Phương Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.