Mùng một Tết viếng nghĩa trang liệt sĩ

26/01/2009 18:31 GMT+7

(TNO) Tôi để ý, từ nhiều năm nay, buổi sáng mùng một Tết, trong khi lịch Vạn Sự chỉ rõ nên xuất hành về hướng nào, thì có những gia đình lại tạo cho mình một thói quen: đó là chỉ xuất hành về một hướng duy nhất: hướng về nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương mình.

Họ đi cả nhà, đưa cả con trẻ đi vào nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ, đặc biệt là những liệt sĩ còn chưa xác định được tên tuổi. Khi ngã xuống, các liệt sĩ mà một thời vẫn được ghi vào bia mộ là “liệt sĩ vô danh” cũng có tên có tuổi như mọi người, nhưng rồi vì rất nhiều lý do khác nhau, các anh đã không thể lưu lại tên tuổi khi hy sinh. Đó là một nỗi đau lớn, một nỗi đau dai dẳng cho thân nhân họ, cho tất cả những người còn sống mà nhờ sự hy sinh thầm lặng vô danh của họ, đã có một cuộc sống yên bình trên đất nước không còn chiến tranh.

Ngày Tết, trong khi những ngôi mộ liệt sĩ có tên được người thân chăm sóc, thắp hương, thì những ngôi mộ liệt sĩ “chưa xác định được tên” vẫn âm thầm, dù có thể họ đã được nằm trong những nghĩa trang lớn.

Ý nghĩa của những chuyến xuất hành đầu năm của rất nhiều gia đình - dù không có thân nhân là liệt sĩ - là những nén tâm hương đầy lòng biết ơn thắp trên những ngôi mộ “vô danh” ấy. Như nhiều gia đình ấy, gia đình tôi từ nhiều năm nay cũng giữ cho mình nguyên một hướng xuất hành sáng mùng một Tết: xuất hành về nghĩa trang liệt sĩ Núi Bút - nơi có hàng mấy trăm ngôi mộ liệt sĩ “chưa xác định được tên” đang yên nghỉ.

Mỗi năm, những chuyến hành hương đầu năm như thế bao giờ cũng để lại cho gia đình tôi nhiều cảm xúc và một cảm giác thanh thản kỳ lạ, cứ như mình có dịp bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính và một tình cảm đồng đội đã làm nên sự cân bằng tâm linh và bản lĩnh cho cách sống cách cảm cách nghĩ của mình. Và không chỉ chúng tôi, những người đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ như những người lính, mà còn rất nhiều những người trẻ, những người chưa một ngày sống trong chiến tranh, mỗi lần được trải lòng như thế có thể khiến họ thêm tự tin, thêm tình người, thêm một chút lòng biết ơn, thêm trách nhiệm với chính cuộc sống của họ.

Chúng ta đều nợ những liệt sĩ, nhất là những “liệt sĩ vô danh” ấy nhiều lắm! Và cách “trả nợ” tốt nhất chỉ là làm sao sống cho ra người, sống tốt đời đẹp đạo - ở đây là đạo làm người - chỉ như thế thôi, cũng đủ phần nào làm mát vong linh những người đã ngã xuống trong bóng tối của những đêm chiến tranh, trong khuất lấp của cuộc sống thời bình đầy sôi động nhưng lại dễ hờ hững, dễ lãng quên này.

Cách đây vài ngày, vào chiều 28 Tết, chú em tôi đã hành hương về nghĩa trang liệt sĩ Ba Tơ, và ở đó, em đã sắp sẵn hương hoa trước một ngôi mộ liệt sĩ: đó là người cha của một người chị bạn đang ở Hà Nội. Nhờ sóng điện thoại di động, chú em tôi đã gọi điện kết nối với người chị, và cùng một lúc hai chị em từ hai nơi cách xa nhau nghìn cây số cùng thắp hương khấn nguyện: người thắp hương trên mộ liệt sĩ, người thắp hương trên bàn thờ “Tổ quốc ghi công” tại nhà mình. Để tưởng nhớ người cha thân yêu đã ngã xuống cách đây hơn 40 năm. Dù họ không là chị em ruột, nhưng tình yêu thương, lòng biết ơn đã kết nối họ trong một nghi lễ chỉ có ở thời đại thông tin này.  

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.