Nạn trộm xác chết ở Trung Quốc

04/04/2016 12:31 GMT+7

Tình trạng một số quan chức Trung Quốc mua thi thể để hoàn thành chỉ tiêu hỏa táng làm gia tăng nạn trộm xác ở nước này.

Tình trạng một số quan chức Trung Quốc mua thi thể để hoàn thành chỉ tiêu hỏa táng làm gia tăng nạn trộm xác ở nước này.

Quan chức cấp thị trấn ở Quảng Đông thường được giao chỉ tiêu hỏa táng mỗi tháng - Ảnh: Nhân Dân nhật báoQuan chức cấp thị trấn ở Quảng Đông thường được giao chỉ tiêu hỏa táng mỗi tháng - Ảnh: Nhân Dân nhật báo
Giới chức đường sắt Trung Quốc cuối tuần trước dự báo trong tiết Thanh minh năm nay, rơi vào ngày 4.4, sẽ có khoảng 41 triệu người đi tàu về quê để tảo mộ người thân, tăng 12,3% so với năm ngoái, theo Tân Hoa xã. Trong khi đó, tờ China Daily dẫn thông báo từ Bộ Dân chính Trung Quốc cho hay tỷ lệ hỏa táng đang giảm xuống do người dân không mặn mà với cách thức này.
Những thống kê trên cho thấy dù chính phủ Trung Quốc khuyến khích hỏa táng để tiết kiệm đất và bảo vệ môi trường, việc chôn cất vẫn còn phổ biến.
Theo Tân Hoa xã, tình trạng trên xảy ra do nhiều người vẫn giữ quan niệm rằng thi thể phải được giữ nguyên vẹn. Chính suy nghĩ này cùng sự mê tín đã đẩy quan chức vào thế “đứng ngồi không yên” do không đạt chỉ tiêu hỏa táng và dẫn đến nạn trộm xác kinh hoàng ở một số vùng nông thôn của Trung Quốc.
“Đám cưới ma”
Ban đầu nạn trộm xác ở Trung Quốc xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của hủ tục “đám cưới ma”, trong đó một người độc thân qua đời được tổ chức kết hôn và chôn cùng với xác chết khác giới.
Giáo sư Từ Khắc Khiêm thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh (Trung Quốc) khẳng định việc tổ chức “đám cưới ma” cho người qua đời tồn tại trong nhiều thế kỷ và thường xuất hiện ở vùng quê nghèo, nơi người dân còn mê tín và tin vào “thế giới bên kia”, theo AP.
Ông Từ cho hay nhiều người tin rằng việc một người thân độc thân, nhất là đàn ông, chết là điềm gở cho gia đình và cách hóa giải nó là tổ chức “đám cưới ma”. Từ đó làm phát sinh nạn đào mộ trộm xác để cung cấp “cô dâu”.
Theo tờ The Telegraph, thị trường chợ đen thi thể người được cho là đã phát triển mạnh trong những năm gần đây do người giàu ở nông thôn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua xác “cô dâu” cho người thân quá cố.
Hồi tháng 10.2015, cảnh sát đã bắt giữ 3 nghi phạm bị cáo buộc đào thi thể của một phụ nữ ở tỉnh Sơn Tây để bán làm “cô dâu” với giá 25.000 nhân dân tệ (gần 86 triệu đồng), theo Tân Hoa xã. Trước đó khoảng một năm, tờ South China Morning Post đưa tin cảnh sát tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc bắt 11 nghi phạm đào thi thể để bán làm “cô dâu ma” trên thị trường chợ đen. Một phụ nữ họ Vương cầm đầu nhóm này khai với giới chức rằng xác càng mới, giá càng cao, dao động từ 16.000 - 20.000 nhân dân tệ.
Vương còn khai rằng nhóm của bà đã bán một thi thể chết khoảng 3 tháng cho gia đình có một người nam độc thân qua đời với giá lên tới 38.000 nhân dân tệ.
Trộm theo đơn đặt hàng
Nạn trộm xác ở Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn trước tình trạng quan chức ở một số địa phương Trung Quốc muốn hoàn thành chỉ tiêu hỏa táng.
Theo China Daily, cách đây hơn một thập niên, hạn ngạch hỏa táng thi thể mỗi năm đã được giao cho chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc theo tỷ lệ người chết của năm trước. Để đáp ứng chỉ tiêu, nhiều quan chức địa phương câu kết với giới trộm mộ để lấy thi thể đưa đi hỏa táng.
Tình trạng này tồn tại khá lâu ở biên giới giữa tỉnh Quảng Đông và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nhưng chỉ bị báo chí Trung Quốc phanh phui mới đây.
Theo Hoàn Cầu thời báo, kẻ trộm mộ Chung Mỗ Phú thuộc thành phố Bắc Lực (Quảng Tây) hồi cuối tháng 6.2014 khai nhận từng trộm xác theo “đơn đặt hàng” của hai quan chức phụ trách vấn đề mai táng Quảng Đông là Đổng Mỗ Khánh và Hà Mỗ Minh. Sau khi điều tra, giới chức phát hiện chỉ trong 2 năm, Chung đã trộm 20 thi thể từ nhiều thị trấn xung quanh Bắc Lực để bán cho 2 ông Đổng và Hà.
Ông Đổng khai rằng ông được người tiền nhiệm giới thiệu Chung hồi tháng 11.2013 và kể từ đó ông đặt hàng xác chết với với giá 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng)/thi thể. Ông Đổng thừa nhận đã mua 10 thi thể từ ông Chung để đưa đến lò hỏa táng thiêu theo tên của những người chết.
Còn ông Hà khai rằng ông đã trình kế hoạch mua xác chết từ Quảng Tây lên cấp trên và đã được phê chuẩn. Theo đó, từ cuối năm 2012, ông Hà đã mua khoảng 10 xác chết từ ông Chung, với giá 1.500 nhân dân tệ (hơn 5 triệu đồng)/thi thể. Hai quan chức này cùng ông Chung đã bị khởi tố về tội trộm xác chết và có thể đối mặt mức án 3 năm tù giam, theo Hoàn Cầu thời báo.
Ngành kinh doanh béo bở
Nạn trộm, bán thi thể lan tràn ở khu vực biên giới giữa Quảng Đông và Quảng Tây trong nhiều năm qua. Hồi năm 2005, cảnh sát Quảng Tây triệt phá một băng nhóm bán xác chết, phát hiện nhóm này bán hơn 100 thi thể sang các thị trấn ở Quảng Đông.
Nhiều người trung gian ở tỉnh này mua xác chết với giá 300 nhân dân tệ (hơn 1 triệu đồng)/thi thể rồi bán lại cho một số quan chức thị trấn với giá cao gấp 10 lần.
Tại một số địa phương nơi việc hỏa táng là bắt buộc, gia đình có người chết cũng thường mua thi thể để mang đi hỏa táng thay cho người thân qua đời, theo Hoàn Cầu thời báo. Nhiều kẻ trộm mộ còn độc quyền cung cấp dịch vụ hỏa táng - chôn cất: đem thi thể thay thế đi hỏa táng, lấy giấy chứng nhận hỏa táng và tìm một khu mộ để chôn thi thể thật. Giá trọn gói từ 5.000 - 10.000 nhân dân tệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.