“Ngã tư quốc tế” - những chuyện bây giờ mới kể

13/10/2005 15:24 GMT+7

“Ngã tư quốc tế” - người Sài Gòn thường gọi thế về nơi giao nhau giữa đường Bùi Viện và Đề Thám, bây giờ mở rộng ra các đường xung quanh, bao gồm Phạm Ngũ Lão, Phạm Quang Đẩu, Cống Quỳnh, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thị Nghĩa. Đây là thế giới của du khách bình dân với tất cả những phức tạp của nó.

“Mafia... rác"

Lập, mới ngoài 40 nhưng răng rụng gần hết, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra vài giờ đồng hồ ngồi chơi phía đường đối diện khách sạn Quê Hương là có thể kiếm được mấy trăm ngàn đồng. Lập nói anh thu mua đồ "second-hand", nhưng thực chất là đồ được nhặt ra từ các đống rác. Tất tần tật đều mua, từ giày dép, quần áo cũ, mũ nón cho đến sách báo... của du khách vứt trong sọt rác trước khi lên máy bay về nước. Mà bán lại cho ai đâu xa lạ, cho chính “Tây ba lô" khu "ngã tư quốc tế" này. Gần hai chục năm làm nghề, Lập có dư tiền nuôi con ăn học, nghe đâu sắp tới sẽ cho con đi du học Singapore.

Lập có nhà trong hẻm đường Đề Thám, từ nhỏ đã thông thạo tiếng Anh do tiếp xúc nhiều với người nước ngoài. Lớn lên, Lập cũng bôn ba tìm đủ nghề để sống nhưng không trụ vững, cuối cùng nhận thấy không đâu hơn ở phố Tây. Chiều chiều, Lập ngồi chờ mấy tay thu gom rác mang đến và bán cho anh những thứ có thể “tái sử dụng”. Quần áo, giày dép, mũ nón thì giặt tẩy, chùi rửa thật kỹ bán cho các shop "si đa"; sách cũ “tân trang" rồi bán cho nhà sách mini trên đường Phạm Ngũ Lão.

Giày dép là tuyệt nhất. Có khi Lập mua đôi giày cũ 50.000 đồng nhưng bán ra được 500.00 đồng vì trúng hàng hiệu. Cả khu phố Tây chỉ mỗi Lập làm nghề này, không ai có thể chen chân. Lập tự hào cho mình là "mafia... rác".

Để trở thành công nhân quét dọn, thu gom rác ở phố Tây không đơn giản. Bởi như Lập nói, mỗi đống rác là mỗi đống tiền.

Phố Tây với "nhà nhà phòng trọ, nhà nhà khách sạn, nhà nhà quán ăn", nên thường xuyên thấy cảnh anh thu gom rác kiên nhẫn đứng mười mấy phút chờ chủ nhà mang rác ra đổ mới chịu đẩy xe đi. Lập bảo: "Con cái tui xấu hổ với bạn bè vì thấy tui làm nghề... mua rác. Nhưng tui nói mình làm nghề lương thiện thì có gì phải sợ".

"Quán chảnh" ở phố Tây

Tại "ngã tư quốc tế" còn có một người buôn bán lập dị số một. Đấy là cô Ba. Cô Ba làm chủ một "quán" bán nghêu sò ốc hến, hột vịt lộn đặt ngay trên hè đường Bùi Viện, với vài ba chiếc ghế và mấy cái bàn con con. Thế mà, cứ chiều xuống, khách ta đến "quán" cô Ba đông nghẹt. Đến để nghe chuyện trên trời dưới đất của cô Ba hơn là ăn, dù các món cô làm, như lời anh bạn sành ăn của tôi là "Sài Gòn chẳng có nơi nào ngon bằng". Có người bảo "quán" cô Ba là "quán chảnh” bởi ít khi bán cho khách lạ, còn khách quen ngồi nhâm nhi đến chai bia thứ 4, thứ 5 là cô Ba đuổi về vì còn phát dành chỗ cho người khác.

Mỗi ngày cô Ba chỉ bán từ 4 giờ chiều đến khoảng 9 giờ tối, số lượng giới hạn ở một mức cố định, hết sớm thì về nhà sớm, không bán thêm. Phải nói thêm rằng, đây là quán lề đường sạch nhất mà tôi từng thấy. Cái gì cũng được chùi rửa trắng tinh; cọng rau, con nghêu, con sò được bảo quản cẩn thận, tươi nguyên. Mấy anh "Tây ba lô" ghé vào "quán" muốn thử, cô Ba xua tay không bán vì cho rằng “Tụi nó không biết ăn đâu. Tui chỉ bán cho ai biết thưởng thức cái ngon thôi!". Cô Ba rành “ngã tư quốc tế” như lòng bàn tay, tỏ tường từng mặt thằng nghiện, đứa nào chuyên cướp giật thì đừng có bén mảng đến tài sản của khách đang ngồi ăn ở "quán" của cô dù khách có hớ hênh đến mấy.

Thương hiệu cho phố “Tây ba lô”

Khu dân cư trong con hẻm 40 trên đường Phạm Ngũ Lão được biết đến là nơi đầu tiên đón khách “Tây ba lô” trong những năm 90 thế kỷ trước. Con hẻm nhỏ chỉ đủ hai chiếc xe gắn máy lọt qua nhưng nhà cửa hai bên đều cao tầng, dành cho thuê phòng trọ. Du khách đến đây ở rồi thông tin cho nhau về tiện nghi đầy đủ nhận nhưng giá cả phải chăng, dần biến khu "ngã tư quốc tế” trước kia thành khu phố "Tây ba lô" sầm uất. Ban đầu, chỉ có khách đến từ các nước châu u , Mỹ là chọn nơi đây làm điểm dừng chân, nhưng hiện nay có cả khách Nhật, Trung Quốc, Thái Lan... Và vô hình trung, tất cả những khách trọ ở khu vực này đều được gọi là "Tây ba lô”', bất kể người đó là châu Á hay châu Phi.

Theo thống kê của Sở Du lịch, trung bình mỗi ngày có từ 2.000 - 4.000 du khách lưu trú ở phố Tây ba lô"; tại đây có 500 cơ sở kinh doanh các ngành nghề liên quan đến du lịch, trong đó có 247 cơ sở lưu trú và lữ hành. Khảo sát của Sở Du lịch từ 333 du khách nước ngoài ở phố Tây, điều họ thích nhất là người dân thân thiện; ghét nhất là tình hình giao thông lộn xộn và tệ bán hàng rong; chi tiêu bình quân khoảng 66 USD/người/ngày.

Theo Thể thao & Văn hóa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.