Ngang qua xứ Nẫu

22/01/2008 13:18 GMT+7

(TNO) Mỗi khi nghĩ về xứ Nẫu (Phú Yên), tôi lại nhớ đến Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Vị quan này vâng lệnh chúa Nguyễn Hoàng đến các xứ Cù Mông, Xuân Đài, Đà Nông, Đà Diễn - những địa danh thuộc tỉnh Phú Yên ngày nay - kết lập gia cư, khai phá đất đai với lời dặn dò “vì việc mà nhiễu dân sẽ bị xử tội”...

Bây giờ, Phú Yên đã trở nên thân thuộc trong tôi. Tình cảm nồng hậu của những người bạn xứ Nẫu đã làm cho hình ảnh về vùng đất này gần gũi, thiết thân hơn.

Cũng đã lâu lắm rồi nếu tính ngày đầu tiên tôi đặt chân đến miền đất kỳ vĩ “thiên Nam đệ nhất tự”. Đó là chuyến đi thăm người chị gái đã nhiều năm rời quê nhà đi làm dâu xứ người. 18 tuổi, chị tôi lấy chồng. Ngày lên xe hoa, mẹ khóc òa vì sẽ phải chịu cảnh xa nhớ con. Theo chân chồng, chị tôi đến định cư ở Sơn Thành (nay thuộc huyện Tây Hòa). Vùng đất bán sơn địa chưa từng xuất hiện trong tâm trí chị tôi trước đó. Chị sinh ra và lớn lên ở làng biển, hiếm khi ra khỏi xứ cát đi đó đây, giờ lại sống ở quê mới cách xa ngót nghét cả sáu bảy trăm cây số, âu đó cũng là duyên phận.

Bẵng đi quãng thời gian chừng sáu năm, tôi trở lại Sơn Thành. Lần này vừa thăm chị, vừa thăm hai đứa cháu ngoại đang độ tuổi đến trường. Cũng địa chỉ ấy nhưng tôi loay hoay mãi vẫn không tìm ra. Căn nhà gỗ lợp tôn tuyềnh toàng lẻ loi dưới hỏm sâu ven tỉnh lộ năm nào giờ đã biến thành căn nhà mới kiên cố, cao ráo, khá đầy đủ tiện nghi, nằm liền kề các ngôi nhà mới khác. Tôi vẫn nhớ như in ngày chị về nhà chồng, mẹ tôi gắng thu vén lắm cũng chỉ cho được một chỉ vàng xem là của hồi môn. Gia đình phía nhà chồng vốn là dân đi kinh tế mới nên cũng chẳng giàu có gì. Trong bữa cơm chiều, tôi thăm hỏi công việc làm ăn. Chị tôi bảo cũng chỉ nhờ siêng năng làm nương, làm rẫy, buôn bán vặt mới có cơ ngơi ấy.

***

33 năm sau ngày giải phóng, Phú Yên từng bước thay da đổi thịt, khởi sắc từ phố thị Tuy Hòa đến mọi miền quê. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là những cung đường rộng mở, những khu đô thị thênh thang, yên bình ngày mọc lên càng nhiều. Trong lần gặp lại người bạn xứ Nẫu mới đây, tôi hỏi đất ở khu đô thị mới ven biển đã bán hết chưa. Ông bạn cười và bảo còn bát ngát lắm, nhưng nếu “rinh một tấc đất sẽ phải tốn một tấc vàng”! Ông bạn chẳng khoe gì về tốc độ phát triển kinh tế địa phương đã đạt “2 con số” mấy năm gần đây nhưng qua cách nói hình tượng ấy, tôi thấy vùng đất này đang mở ra một tương lai mới. Đôi khi vị thế, tầm quan trọng của một thành phố lại thể hiện bằng giá đất.


Một góc TP Tuy Hòa - Ảnh:Đình Phú

Năm 2007, miền Trung - Tây Nguyên đã thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 3,54 tỉ USD. Trong đó, với dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô có kinh phí đầu tư hơn 1,7 tỉ USD, tỉnh Phú Yên đã vươn lên dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI (nguồn Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung -  IPCC, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Dự án “tỉ đô” này đang triển khai, được ví như là một đòn bẫy để Phú Yên tăng tốc trong những năm tới. 

Ngược dòng lịch sử, có thể nói thành quả lao động của những cư dân Việt tiên phong khi đến khai sơn mở cõi vùng đất phên dậu là một minh chứng về sự thịnh vượng của Phú Yên hôm nay. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục viết năm 1776 đã chép rằng, gần 15.000 người dân sinh sống ở 38 thuộc của phủ Phú Yên đã khai phá thành thục được 128.940 mẫu ruộng đất, số thóc nộp thuế điền bộ hằng năm là 128.994 thưng 7 cáp. Phủ Phú Yên với những yếu tố thuận lợi đã thúc đẩy quá trình Nam tiến tiếp tục phát triển và công cuộc Tây tiến cũng như Đông tiến dần dà diễn ra trên khắp vùng rộng lớn...

Đất nước gia nhập nền kinh tế toàn cầu, tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa bây giờ càng được đẩy nhanh, mạnh và toàn diện hơn. Không có tiếng là miền đất hấp dẫn làn sóng đầu tư nước ngoài như Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh thành hai đầu đất nước, nhưng Phú Yên đang đứng trước hàng loạt cơ hội tăng tốc. Cả miền đất đang trỗi dậy với nhiều dự án trị giá hàng tỉ đô la. Cảng quốc tế Vũng Rô, tổ hợp hóa dầu, đường hầm qua đèo Cả... đã và đang được xúc tiến, gấp rút triển khai được xem là “điểm nhấn” giúp Phú Yên vững tin bước vào thời kỳ hội nhập.

***

Thú thật tôi không rành lắm về lịch sử phát triển của Phú Yên. Những chuyến đi ngắn ngủi của tôi chỉ giúp biết được mảnh đất này có nhiều huyền thoại trong quá khứ và hàng trăm địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu, nổi tiếng, in đậm dấu ấn trong lòng cư dân bản địa và du khách. Đặt ra ngoài những tiêu chí về mặt hành chính, một thành phố phát triển phải là một thành phố có nhiều du khách tìm đến và muốn đến không chỉ một lần! Để đạt được điều này, đầu tư phát triển du lịch một cách đến nơi đến chốn là việc làm không thể xem nhẹ. Những di tích, thắng cảnh phải “sống lại” gần hơn, tiện ích hơn, hấp dẫn hơn với du khách. 


Xứ Cù Mông, Xuân Đài ngày nay - Ảnh:Thanh Xuân

Cột mốc kỷ niệm 400 năm hình thành, xây dựng và phát triển Phú Yên đang đến rất gần. Nhịp đập nội lực trong từng thớ đất, từng trái tim như đang sục sôi hơn. Tất cả vững bước đi lên từ quá khứ in đậm công sức tiền nhân. Mỗi khi nghĩ về xứ Nẫu, tôi lại nhớ đến Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Vị quan này vâng lệnh chúa Nguyễn Hoàng đến các xứ Cù Mông, Xuân Đài, Đà Nông, Đà Diễn - những địa danh thuộc Phú Yên ngày nay -  kết lập gia cư, khai phá đất đai với lời dặn dò “vì việc mà nhiễu dân sẽ bị xử tội”! Hơn năm trăm năm sau, câu nói ấy vẫn còn ý nghĩa lắm thay... 

Đ.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.