Hai thằng trong ảnh này là bạn tôi, người còn khỏe mạnh là Sỹ, người đang ở phòng tuyến cuối của sự sống là Lê Ngọc Quý. Tôi và 2 đứa nó học chung với nhau vài tháng ở kỳ bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi văn hồi 20 năm trước. Lớp học chỉ vài người, nên chơi với nhau dễ dàng. Giữa hành lang lộng gió, nhìn xuống sân trường vắng ngắt, 3 thằng nói với nhau về gia đình, về dự định. Chúng tôi đã nhìn thấy lá sân trường xanh ngắt. Xong kỳ thi, 2 thằng nó có giải, tôi rớt. Chào nhau, chia tay, rồi chớp mắt 20 năm qua. Sỹ theo nghề khác, Quý được tuyển thẳng vào sư phạm văn, rồi về quê dạy học.
Rời bệnh viện, Quý không còn khả năng và sức khỏe đứng trên bục giảng, trường học thông cảm, bố trí cho Quý công việc hành chính. Sau 2 năm, trong thảm cảnh, gia đình nhỏ của Quý cũng tan, người vợ chia tay Quý. Người đàn ông trong ảnh, ở tuổi 80, vẫn phải đùm bọc, chăm sóc Quý. Đó là ba Quý.
10 năm sau tai nạn, các vấn đề sức khỏe tích tụ từng ngày, quật ngã Quý lần nữa, trên toàn cơ thể. Do di chứng từ chấn thương đầu sau tai nạn giao thông, giờ Quý bị suy tim, suy phổi, nhiễm trùng tiểu... Vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị hơn 1 tháng thì gia đình cạn kiệt, người nhà xin đưa Quý về Bệnh viện Ninh Thuận.
Giữa vòng xoay bất tận của cuộc đời, vẫn là ông bà cụ 80 tuổi đưa con đi, chăm sóc con, bán tất cả những có thể để chạy chữa cho con.
|
Người đàn ông già yếu với cái áo mục quá, con níu ông ngồi dậy, áo toạc cả vai, nhưng ông không còn cái áo lành nào mang theo. Ông để vết rách ấy tất bật mấy ngày trong bệnh viện khi con nằm phòng hồi sức tích cực.
|
Thấy tôi cùng Sỹ lên thăm Quý, giúp trò, giúp bạn lúc ngặt nghèo khi Quý mê tỉnh bất thường, chỉ người cha đến nước mắt cũng không còn đó ngồi vuốt lưng cho con.
"Tui từ Quảng Ngãi vô đây, mang theo con, mong tìm được đời sống khác. Con học giỏi, mừng lắm, tưởng rồi con có thể yên ổn, mình vui tuổi già, ai mà ngờ...", người cha cúi đầu nói.
Giờ Quý vẫn nằm hồi sức tích cực, phòng tuyến cuối cùng của việc duy trì sự sống. Người cha áo toạc vai vẫn ngóng bên ngoài ô cửa kính nhìn vào giấc mơ, hy vọng của mình đang bập bênh tan biến. Người cha nào cũng thế phải không? luôn là người ở lại, người cuối cùng, bảo vệ con mình và nhận luôn cả phần đau đớn nhất của người ở lại.
Mọi người cũng đã giúp Quý, nhưng có lẽ, người cần giúp khác là người cha ấy, cho việc duy trì cuộc chiến, cho cả việc thất thủ của ông nếu xảy ra. Vì khi làm cha, chúng ta làm cả đời mình, không làm trong 1 ngày.
Bình luận (0)