Nghề bẫy gấu

28/10/2005 11:27 GMT+7

Chỉ cần một sợi dây phanh xe đạp hoặc xe gắn máy kết thành một vòng thòng lọng gắn với một con lanh rất nhạy thì không một con gì đi qua mà thoát được, trừ con voi. Hổ, gấu, heo rừng, hươu, nai, mang, nhím, chồn, công, phượng, gà rừng, gà gô... Tất cả đều nằm trong tầm ngắm.

Cả vùng đi bẫy

Ngô năm nay 27 tuổi, có thâm niên khoảng chục năm đi đãi vàng, làm trầm và bây giờ là bẫy gấu ở trên rừng. Không chỉ Ngô mà thanh niên các xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm (Quảng Nam) ùn ùn đi bẫy gấu. Bàn chân của những thợ bẫy vùng này đã giẫm nát các khu rừng từ Quế Sơn lên đến Hiệp Đức, Phước Sơn rồi Nam Giang sang giáp giới tận Lào.

Ngô hỏi: "'Đại ca' có dám lên rừng thăm bẫy với bọn em không?". Tôi vặn lại: "Mày tưởng tao đi không nổi à?" Nó bảo: "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Mốt đi thử mới biết có chịu đời nổi hay không. Chừ không nói trước!".

Sáng hôm sau, Ngô xuống chợ Trung Phước "đóng chuyến" ứ hự một ba lô nặng gần 50kg. Gạo, muối, dầu ăn, mì tôm, thuốc lá và rượu "Lên núi không thể thiếu rượu được" - Ngô giải thích.

Đối với thợ bẫy thú rừng quan trọng nhất vẫn là gấu. Ngoài gấu, không ai cất công chuyển cả một con nai hay con heo rừng ra đến cửa rừng để bán với giá bèo 20.000 - 30.000 đồng/kg. Thời điểm hiện nay, thợ bẫy bán gấu rừng với giá sàn nguyên con còn sống là 1 triệu đồng/kg. Dân buôn gấu lậu vào tận cửa rừng để mua và xử lý. Ngô tiết lộ: "Bây giờ mà nếu được gấu, chỉ cần chạy ra cửa rừng phone một cú là người mua gấu vào tận trại mua chứ chả cần khiêng ra tốn công, mệt, có khi bị kiểm lâm bắt lấy hàng, xử phạt!". Ngô cho biết thêm, thợ bẫy ai cũng có trong người một vài số phone như vậy để gọi lúc “cần thiết”. Tôi muốn xin một số nhưng nó không cho. “Đại ca thông cảm! Mình phải giữ uy tín vì đã hứa với họ rồi!".

Chuyện một người giải nghệ

Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ chợ Trung Phước bằng mô tô phân khối lớn. Sau đó, Ngô đón xe chở đá cho công trình thủy điện khe Diên đi nhờ. Cả hội hẹn gặp nhau ở cửa rừng, trong một quán ăn. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, mọi người tập kết đầy đủ ở đấy.

Thủy điện khe Diên thuộc địa phận xã Quế Phước khởi công gần 2 năm nay. Đơn vị thi công mở đường băng qua mỏ than Nông Sơn, bạt núi phóng tuyến làm đường vận chuyển vật liệu, thiết bị. Từ khi có công trình này, núi rừng nhộn nhịp hẳn lên. Hàng chục lều quán mở ra phục vụ cho gần cả ngàn công nhân. Lều quán, cũng là nơi dừng chân của đám thợ sơn tràng, thợ bẫy, thợ săn. Chủ quán chúng tôi làm điểm hẹn có biệt danh Mười Thiên. Đấy là một người đàn ông vui tính, xởi lởi. Thấy có khách, anh ta thịt ngay một con gà, nướng lên. Tích tắc sau, bàn nhậu đã xôm tụ. Anh Mười Thiên tham gia bằng cách vác ra cây đàn guitar. Khúc dạo đầu, Mười Thiên xin tham gia một bài hát. Quả là một giọng boléro thuộc hàng “sát thủ”, cao ngất. Ngô giải thích, thợ bẫy, thợ rừng, dân làm vàng, tìm trầm không ai không ghiền boléro. Những bài hát về thân phận nghèo, những cuộc tình bơ vơ, tan vỡ, những mơ ước không thành... "Đêm trong rừng không có boléro thì buồn thúi ruột!” - Ngô nói.

Mười Thiên mới năm ngoái đây thôi cũng còn là thợ bẫy gấu trên tận Hiệp Đức. Làm nghề mấy năm chẳng bẫy được con gấu nào nên giải nghệ, lên cửa rừng mở quán nuôi con ăn học. Mười Thiên nói: "Toàn thế bắt buộc cả. Nếu có đường sống khác thì không ai muốn làm nghề đó. Vừa cực khổ, vừa nguy hiểm lại vừa vi phạm pháp luật!". Năm ngoái, bẫy của Mười Thiên dính một con gấu ngựa cỡ khoảng hơn một tạ. Hai ngày sau đi thăm bẫy anh thấy con gấu ngồi thu lu trong một bụi cây phủ lá. Chân sau của nó bị vòng dây thít chặt gần đứt. Quá mừng, anh ta chặt một khúc cây và tiến đến gần. Không ngờ con gấu gần như đã kiệt sức đó chờ đối phương đến gần mới chớp nhoáng vùng dậy tát một cái. Bất ngờ nhưng nhờ có chút võ nghệ, Mười Thiên né người và chỉ dính đòn trên cánh tay. Con gấu bị đứt lìa chân thoát bẫy chạy mất. Trên cánh tay anh ta bây giờ còn vết sẹo sâu hoắm. Đó là trường hợp thoát hiểm trong gang tấc. Thợ bẫy vùng này còn kinh hoàng về cái chết của một người ở làng Xuân Hòa vừa rồi. Con gấu dính bẫy khi thoát ra đã tấn công người đi thăm bẫy, xé toang lồng ngực và tát nát cả khuôn mặt đến mức mặt không còn nhận dạng được tại khu rừng chỉ cách quán của anh Mười Thiên nửa giờ đi bộ. Bây giờ một ngày Mười Thiên thu nhập vài chục ngàn, đủ tiền sinh sống và nuôi con ăn học ở tận Tam Kỳ. Nghiệp bẫy gấu coi như chấm dứt.

Đời bẫy gấu

Trời sẫm tối, Ngô hỏi tôi rằng “đại ca” muốn nghỉ lại hay tiếp tục ở đến nửa đêm để về trại mình. Tôi bảo muốn nghỉ. Lập tức nó cất tiếng hú dài. Phía dưới suối có người hú đáp lại. Nó vạch rừng đổ xuống, băng qua con suối rộng và giữa rừng cây đã thấy le lói ánh lửa. Có trại săn của một bầu ở đấy. Nghênh đón chúng tôi là dàn đồng ca gầm gừ của 18 con chó săn thiện chiến. Chủ trại tên Xuân hỏi Ngô: "Sao vào tối di rứa?". Nó đáp: “Có mấy ông anh nhà báo đi theo. Không quen nên đi chậm rì!". Chúng tôi gật đầu chào ông chủ chào lại và nói luôn: “Xuống suối tắm đi. Chờ chút nữa rồi ăn!". Tôi thấy trên nền đất và cả trên bếp la liệt thịt heo rừng. Một người trong bầu nói: "Con này mới được hồi chiều. Nhỏ! Khoảng ba chục ký. Con ngày hôm qua mới lớn. Heo độc, gần một tạ!".

Ngô cho biết thêm ở khu vực này có khoảng 30 trại của thợ bẫy và chỉ có trại này là trại săn duy nhất. Mỗi trại cách nhau chừng 20 tiếng hú. Thợ bẫy sống mỗi người một trại, một khu rừng, ít bao giờ họ ở chung với nhau trừ bà con hoặc anh em ruột. Tuy nhiên, tất cả đều biết nhau và sống nương tựa vào nhau. Những lúc được thú, trừ gấu, họ có thể tìm đến nhau và lai rai giữa rừng. Chúng tôi chia tay với những người thợ săn vào buổi sáng hôm sau và tiếp tục đi vào trại bẫy của Ngô. Sau khi đi thăm hết đường bẫy (khoảng 700 cái), chỉ dính được một con kỳ đà. Ngô buồn thiu: “Được kỳ đà là xui lắm! Em chỉ mong trúng gấu một lần nhưng không được. Bây giờ dân đi bẫy nhiều quá! Hết gấu rồi!".

Chưa ai thống kê được số lượng dân đi bẫy gấu trong các khu rừng tại Quảng Nam hiện nay nhưng theo ước lượng của Ngô, dễ đến hơn 500 người sống nhờ nghề này. "Biết là mình làm trái pháp luật nhưng em không còn con đường nào khác "đại ca” ạ. Em chỉ trông được gấu một lần thôi, mọi thứ trót lọt là em sẽ chuyển nghề khác...". Nhưng vận may đó chưa bao giờ đến với Ngô.

Theo Pháp Luật CN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.