Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Thanh: Kho báu trong... trái dừa

11/03/2006 17:00 GMT+7

Người dân quê bảo gáo dừa chỉ dùng để... múc nước. Người thành thị, khách du lịch thì quen với chuyện gáo dừa làm đồ mỹ nghệ, thìa... Các nhà khoa học cho biết than hoạt tính của gáo dừa được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp... Chỉ có một người phụ nữ nhỏ nhắn gốc Hải Phòng lại tẩn mẩn mấy năm trời mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và rồi trình làng sản phẩm vật liệu xây dựng, trang trí nội thất từ gáo dừa. Chưa hết, trong cuộc triển lãm mới đây tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, chị còn giới thiệu tranh gáo dừa bóc lớp độc đáo. Người phụ nữ ấy chính là nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Thanh.

Duyên nợ cùng dừa

Quê gốc Hải Phòng, lớn lên ở Sài Gòn, học cơ khí tận bên Liên Xô, rồi lại về nước làm phiên dịch, kế toán trước khi bước chân qua lĩnh vực giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, thế mà trong suy nghĩ của Kim Thanh lúc nào cũng có hình ảnh cây dừa duyên dáng nghiêng mình bên dòng kênh xanh trong sách tập đọc ngày nào. Với chị, những cây dừa xanh lá chính là bóng dáng của quê hương.

Năm 2000, trong một dịp xuống Bến Tre chơi, chị Thanh để ý thấy những chiếc gáo dừa quanh năm múc nước mà chẳng bị mối mọt, hư hỏng gì. Tìm hiểu mới biết gáo trái dừa là một dạng sừng hóa của thiên nhiên có độ bền uốn cao hơn cả đá granit. Một ý tưởng ngồ ngộ lóe lên và hướng Thanh bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: vật liệu mới từ gáo dừa ứng dụng trong xây dựng và trang trí nội thất. Năm 2003, đề tài này đã giành được giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của TP.HCM trong sự thích thú và ngỡ ngàng của các vị giám khảo bởi trước đây, ít ai có thể hình dung những chiếc gáo dừa lăn lông lốc lại có thể biến thành gạch lót sàn, bàn tủ, ghế xa lông... Với sự gợi ý của một người bạn, công ty Dừa Việt mong muốn đặt thương hiệu và tiếp sức cho cây dừa nước Việt đi xa hơn của chị Thanh ra đời.

"Phụ nữ làm kinh doanh là gánh thêm nhiều vất vả vào người, nhất là mình chỉ rành về kỹ thuật còn chuyện kinh doanh thì vừa làm vừa học", chị Thanh tâm sự như vừa trút lòng mình vừa để lý giải vì sao người thân và bạn bè lại xót chị cực thân vì quá đam mê cùng dừa. Mà không đam mê sao được khi càng ngày chị càng khám phá thêm nhiều nét mới từ cây dừa. Như tranh gáo dừa bóc lớp từng phần sử dụng đủ mọi sản phẩm của cây dừa, từ gáo, xơ, lớp lưới bọc quanh thân đến cọng chỉ sống lá... chẳng hạn. Nếu chưa tận mắt ngắm nhìn, thật khó hình dung những chất liệu thô mộc, xù xì ấy lại có thể bước vào khung tranh để tạo ra khung cảnh hồ Gươm, chân dung thiếu nữ hay những đóa hoa hướng dương đam mê vươn về phía mặt trời...

Chị Thanh chia sẻ: "Cách đây mấy năm, không ai tin mình có thể đưa gáo dừa về dạng mặt phẳng để làm vật liệu xây dựng nhưng mình đã làm được. Vì thế, mình nghiệm ra một điều rằng với một chất liệu bất kỳ cộng với niềm say mê và ý chí đều sẽ cho ra một sản phẩm có giá trị. Hãy mạnh dạn thử sức để khám phá bản thân!".

Bí quyết "canh lửa cho vừa"

Nhắc lại những ngày mới lập gia đình cách đây 26 năm, gương mặt người phụ nữ mê việc này càng rạng ngời. Chị khoe: "Người ta bảo tuổi Thân là cực. Có lẽ mình cực vì ham công việc thôi, chứ cuộc sống gia đình thì trên cả tuyệt vời". Và tất nhiên, chẳng có hạnh phúc nào là ngẫu nhiên, dù chị Thanh tự nhận mình may mắn có được người chồng luôn có trách nhiệm với gia đình.

Nhiều người khen chị Thanh giữ chồng nhờ tay nghề nấu ăn "khá lắm", còn chị lại khiêm tốn: "Bí quyết của mình chỉ đơn giản là biết "canh đúng lửa" mà thôi. Như luộc rau, xào rau thì cần lửa lớn, đồ kho thì nhất định phải giữ lửa liu riu. Hạnh phúc gia đình cũng thế, phải “canh đúng lửa” để giữ hòa khí trong nhà. Khi chồng nóng giận thì phụ nữ chúng mình nên bớt lời, chờ hôm sau thỏ thẻ tâm sự. Dịu dàng luôn là vũ khí tối thượng của phái yếu mà".

Lan Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.