Bao nhiêu cho đủ?
Nghe Nga giải thích thì 4 đôi xem ra rất hợp lý: đôi xăng-đan cao gót màu trắng phù hợp với chiếc váy xoa-rê trắng, làm tôn dáng cô dâu; đôi xăng-đan hồng hợp với chiếc váy rực rỡ trong buổi tiệc riêng với gia đình; đôi đế thấp thì hợp với kỳ đi biển tuần trăng mật; đôi đế xuồng thì hiện đang là mốt, dành để mặc với đồ dạo phố thì hợp vô cùng... Những lý do "vô cùng hợp lý" ấy khiến cho tủ giày dép của cô nàng lúc nào cũng lỉnh kỉnh tới mười mấy đôi.
Còn Hồng Nguyên, cô bạn gái thân hay cùng Nga la cà mua sắm thì tặc lưỡi đổ tại... nhà sản xuất: "Giày dép con trai quanh đi quẩn lại chỉ có vài kiểu dáng, còn của con gái lại quá phong phú: kiểu sang trọng, kiểu nghịch ngợm, kiểu nữ tính... Làm sao mà ngăn nổi cái thú được xỏ chân để làm điệu trên những thứ xinh xẻo ấy chứ!". Mà những thứ "xinh xẻo" đâu phải chỉ có giày dép. Nào quần áo, kẹp tóc, đồ lưu niệm, thiệp, mỹ phẩm... Tóm lại là tất cả những thứ lọt vào "tầm ngắm" của các nàng. Cũng như nhiều bạn gái trẻ, hai cô bạn này có sở thích lang thang mua sắm, mỗi lần đi là sắm liền tù tì thỏa thích cho tới khi... cạn túi thì thôi!
Xin phác họa qua về chân dung những "kẹp tóc" nghiện mua sắm: trẻ, hầu hết làm việc trong văn phòng, thu nhập khá và... sống cùng bố mẹ. Vì họ trẻ nên rất quan tâm tới thời trang, không khí văn phòng cũng giúp họ có thời gian để tìm hiểu và cập nhật thông tin về mốt. Họ có thu nhập khá, đủ để có thể tự chi cho sở thích tốn kém này. Và vì sống cùng bố mẹ, tiền lương họ kiếm được chủ yếu dùng cho chi tiêu cá nhân, không cần phải lo nhiều khoản chi mà những bạn trẻ xa nhà phải "mướt mồ hôi".
Mùa hạ giá - thiên đường nơi mặt đất
Lướt qua các con phố tập trung nhiều nhãn hiệu thời trang như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ (TP.HCM), hay Trần Nhân Tông, Hàng Gai, Quan Thánh (Hà Nội)... đa phần khách mua là những người trẻ, trong đó nữ chiếm đa số. Các nhà sản xuất đã tập trung phục vụ nhu cầu của giới trẻ ở độ tuổi dưới 30, vốn chiếm gần 60% dân số Việt Nam. Kiểu dáng, mẫu mã cập nhật liên tục khiến các "thượng đế" chẳng ngại ngần khi mở hầu bao.
Tại Sài Gòn Square - khu mua sắm ở Sài Gòn khá có tiếng về các mặt hàng thời trang, chịu khó lùng bạn sẽ kiếm được đồ chất lượng mà giá mềm, được các chủ sạp "bật mí" là hàng xuất khẩu. Chính vì thế, khu này luôn tấp nập bước chân nữ giới ham mua sắm. Nhưng chiêu mà các cửa hàng hay sử dụng để "chiêu dụ" các nàng, ấy là giảm giá.
Kính "hàng hiệu" ngay trong chợ - tha hồ chọn. Ảnh: Ngọc Ánh |
Ví như một cửa hàng trên tầng 3 trung tâm Giày Plaza trên đường Lý Chính Thắng (TP.HCM), mua đôi thứ 2 được giảm 10%, đôi thứ 3 giảm 15% và cứ thế tăng lên. Một tiệm giày dép khá nổi tiếng đầu đường Cao Thắng cũng áp dụng chiêu giảm giá tương tự. Vì thế, nhiều cô nàng lúc đầu chỉ định đi mua một món, nhưng vì nhiều thứ hấp dẫn quá, lại ham giảm giá, nên lúc về tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ, hầu bao thì xẹp lép mà vẫn cười thật tươi vì ý nghĩ... tiết kiệm được bao nhiêu tiền từ % giảm giá!
Đặc biệt, từ trước Noel tới năm mới, khi các cửa hàng đồng loạt treo biển Sale off, Big sale, Đại hạ giá... chính là mùa các cô nàng nghiện mua sắm vui như mở hội, cầm lòng không đặng trước những lời mời chào hấp dẫn kia. Phương Lan, nhân viên văn phòng một ngân hàng tại TP.HCM, người có kinh nghiệm qua nhiều mùa sale off nhún vai: "Chiêu của họ cả thôi. Trừ một số nhãn hiệu có tên tuổi là bán hạ giá thật, nhiều khi mình tìm được đồ khá mốt mà giá mềm; còn thì những cửa hàng nhỏ đa số treo biển hạ giá nhưng chỉ đối với những hàng lỗi mốt, cũ mèm, hàng mới giá vẫn ngất ngưởng như thường!".
Làm sao để "thắt hầu bao"?
Thật ngạc nhiên, lý do khiến nhiều bạn nữ lang thang qua các cửa hàng và mua sắm vô tội vạ lại vì... đang chán và muốn trốn tránh một việc gì đó trong hiện thực! Cảm giác được chiêm ngưỡng và sở hữu những thứ hợp với ý thích khiến cho các nàng cảm thấy hưng phấn và khuây khỏa phần nào.
Thanh toán qua thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng cũng khiến nhiều nàng ngỡ hầu bao mình là vô hạn. Vì thế, thay vì mua 1, 2 món như dự tính lại lỉnh kỉnh xách về hàng đống mà có khi rất ít dịp dùng tới.
Thu Huyền, nhân viên một tổ chức phi chính phủ tại TP.HCM chỉ lên chiếc kệ đầy ắp nước hoa đủ mọi nhãn hiệu, kích cỡ mà có những lọ chẳng khi nào dùng tới, rút ra kết luận: "Nếu bạn thực sự muốn "dứt" chứng nghiện mua sắm của mình, khi nào chán nản hoặc cần mua sắm đừng nên tìm tới những người bạn thân "có cùng sở thích". Như mình đây, hai đứa mà đi với nhau nhiều là tiêu luôn cả tháng lương như chơi! Ngoài ra, cần kiên quyết với bản thân, định mua gì thì chỉ mang dư ra một ít thôi, đừng mang nhiều quá".
"Và phải có những "cam kết" ngắn hạn, dài hạn về mặt tài chính" - Nguyệt Anh, phóng viên một tờ báo điện tử tại Hà Nội kết luận. Ra trường, đi làm lương khá cao, lên kế hoạch là trong năm đầu phải "hoàn lại" được chi phí những năm học đại học cho bố mẹ, thế mà hai năm rồi, cái thú nghiện mua sắm khiến nàng "phá sản" kế hoạch dạo nào. Thời gian gần đây, cô nàng quyết tâm cải thiện tình hình bằng cách mỗi tháng tự đặt yêu cầu phải "đóng góp" một khoản cố định cho mẹ giữ hộ. "Nếu cứ thoải mái tiêu phóng tay thì chắc chẳng có "tí vốn dắt lưng" nào mất. Nhờ áp dụng cách "thắt hầu bao" này mình mới có đủ tiền để đổi cái xe mới, sắp tới sắm thêm máy tính xách tay để tiện hơn khi công tác".
Trên thế giới, "nghiện mua sắm" đã trở thành một loại bệnh tâm lý của xã hội tiêu dùng. Cô nàng đình đám của làng giải trí Lindsay Lohan thậm chí còn phải cầu viện tới bác sĩ tâm lý để điều trị chứng này. Nếu bạn có sở thích bất tận với những shop thời trang, coi chừng đấy nhé!
Ngọc Ánh
Bình luận (0)