Ngư dân lao đao vì ngao chết bất thường

05/01/2017 10:02 GMT+7

Khoảng nửa tháng nay, ngao nuôi chết hàng loạt khiến ngư dân H.Hậu Lộc (Thanh Hóa) đứng trước nguy cơ trắng tay, lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Nhìn ngao chết trắng bãi nuôi, buông tiếng thở dài, ông Phạm Văn Thành (62 tuổi, ngụ tại thôn Lạch Trường, xã Hải Lộc, H.Hậu Lộc) cho biết, để chuẩn bị cho vụ ngao tết năm nay, gia đình ông đã đầu tư 500 triệu đồng tiền giống, thả nuôi trên diện tích 1 ha và bỏ công sức chăm sóc hàng tháng trời.
Những ngày qua, toàn bộ 1 ha ngao đến kỳ thu hoạch bỗng nhiên chết trắng bãi, thiệt hại khoảng 70%. “Hầu hết bà con nuôi ngao đều phải vay vốn ngân hàng để sản xuất. Giờ ngao chết sạch thế này, không biết tới đây, chúng tôi lấy gì trả lãi cho ngân hàng nữa…”, ông Thành nói.
Cùng chung cảnh ngộ như ông Thành, anh Ngô Văn Tá (30 tuổi, ngụ tại thôn Trường Nam, xã Hải Lộc) và một số anh em, họ hàng vay vốn ngân hàng chung nhau đầu tư nuôi 7 ha ngao, trong đó có 5 ha ở xã Hải Lộc và 2 ha ở xã Minh Lộc (H.Hậu Lộc). Theo anh Tá, những năm trước, thi thoảng cũng có hiện tượng ngao chết, nhưng chết đồng loạt với số lượng lớn như năm nay thì chưa từng xảy ra.
“Chưa năm nào người nuôi ngao khốn khổ như năm nay. Mấy anh em chúng tôi coi như mất tết, bởi hơn 70% số ngao trên bãi đã chết há miệng. Hiện, chúng tôi đang cố thu hoạch số ngao sống để vớt vát được đồng nào hay đồng đó, chứ 3,5 tỉ đồng tiền giống coi như bị mất trắng theo xác ngao rồi”, anh Tá nói.
Ngao chết vì ô nhiễm?
Trước tình hình trên, Sở NN - PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ngao không bị chết do mắc ký sinh trùng Perkinsus (là bệnh nguy hiểm có khả năng gây tình trạng ngao chết hàng loạt). Người nuôi ngao tại xã Hải Lộc phán đoán nhiều khả năng ngao chết là do nguồn nước bị ô nhiễm, nên đã đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra các cơ sở chế biến hải sản, chăn nuôi có xả nước thải ra môi trường, làm ảnh hưởng đến nguồi nước nuôi ngao.

tin liên quan

Nhật ký một đợt cứu trợ
Chỉ hai năm nay, thiên tai có vẻ như “tha” cho dải đất miền Trung, còn thì những năm trước đó, hầu như năm nào vùng “đòn gánh” của hai đầu đất nước cũng oằn vai vì bão lũ.
Trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân gây tình trạng ngao chết hàng loạt, thì rạng sáng 31.12.2016, người dân bắt quả tang ông Hoàng Văn Thành (ngụ tại xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc) đang điều khiển thuyền, đổ nhiều thùng nước thải ra bãi nuôi ngao của xã Hải Lộc. Nhận được tin báo của quần chúng, chính quyền địa phương đã tiến hành tạm giữ phương tiện của ông Thành. Vào thời điểm bị bắt giữ, trên thuyền của ông Thành chở 11 thùng phuy nước thải, đã đổ 8 thùng xuống biển.
Ngày 4.1, bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND H.Hậu Lộc cho biết, chính quyền địa phương đã chỉ đạo công an huyện khẩn trương điều tra làm rõ việc ông Thành đổ chất thải xuống biển. Làm việc với công an, bước đầu ông Thành khai nhận được một cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã Ngư Lộc thuê chở chất thải sau quá trình chế biến hải sản đổ xuống biển từ đầu năm 2016 đến nay với giá 200.000 đồng/chuyến.
“Nếu ngao chết có nguyên nhân từ việc đổ nước thải của các hộ chế biến hải sản, chúng tôi sẽ buộc họ phải đền bù thiệt hại cho người nuôi ngao. Tuy nhiên, cho đến ngày 4.1, cơ quan chức năng vẫn chưa kết luận về nguyên nhân ngao chết bất thường”, bà Hà nói.
H.Hậu Lộc có trên 700 ha bãi ngang ven biển dọc các xã Hải Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc và Đa Lộc được quy hoạch để nuôi ngao, hằng năm người nuôi ngao có doanh thu ổn định hàng trăm tỉ đồng. Hiện ngao chết tập trung ở khu vực bãi nuôi thuộc xã Hải Lộc với diện tích lên tới trên 40 ha, tỷ lệ chết khoảng 40 - 70%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.