Ngư dân Thanh Hóa hồ hởi ra biển săn 'vàng trắng'

10/02/2019 13:04 GMT+7

Cứ dịp đầu năm mới, hàng ngàn ngư dân vùng biển tỉnh Thanh Hóa lại hồ hởi chuẩn bị cho hành trình đi đánh bắt sứa ở vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng.

Cũng như mọi năm, từ mồng 5 đến mồng 8 Tết là thời gian ngư dân Thanh Hóa chuẩn bị ngư lưới cụ để bắt đầu hành trình săn sứa biển kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, gọi là mùa sứa. Một trong những nơi có nhiều bè (kết bằng gỗ, cây luồng và xốp) đi đánh bắt sứa nhất là xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Vận chuyển dầu chuẩn bị cho hành trình đi săn "vàng trắng" Ảnh Minh Hải
Ghi nhận dọc bãi biển kéo dài khoảng 7 km ở xã Hoằng Trường vào những ngày này, đâu đâu cũng thấy cảnh ngư dân tấp nập kéo bè từ trên bờ xuống biển, chuẩn bị lưới, dầu, gạo… sẵn sàng chờ giờ đẹp để xuất phát. Ấn tượng nhất là màu đỏ của cờ Tổ quốc đỏ rợp cả rải dọc bờ biển, mỗi bè thường đem theo từ 5 - 7 lá cờ Tổ quốc để treo trên bè trong suốt 3 tháng.
Một người phụ nữ đang kéo vàng lưới để đưa lên bè chuẩn bị cho chồng đi đánh bắt sứa Ảnh Minh Hải
Mỗi bè đánh bắt sứa ở đây thường đi 3 người, thời gian đi biển kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, nên những năm gần đây ngư dân Hoằng Trường thường đóng những chiếc bè lớn hơn bè đi biển trong ngày. Bè thường có chiều dài 12 m, rộng khoảng 3 m, được kết bằng gỗ, luồng và xốp.
Trước đây, ngư dân ở Hoằng Trường chỉ đánh bắt sứa ở khu vực biển gần bờ, nhưng khoảng 7 năm nay đã chuyển vùng đánh bắt ra khu vực quanh đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng). Mỗi vụ sứa, mỗi bè có cho thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng, nên từ lâu sứa được xem là "vàng trắng" trên biển.
Sứa biển giúp nhiều gia đình ngư dân đổi đời Ảnh Minh Hải
Ông Lê Xuân Tăng (58 tuổi, ngụ tại thôn 1, xã Hoằng Trường) cho biết, ông cùng 2 con trai của mình 4 năm nay đi đánh bắt sứa ở đảo Cô Tô. Trung bình mỗi vụ sứa thu về khoảng 200 triệu đồng. “Gia đình tôi sinh sống bằng nghề biển. Ngày trước, sứa không ai ăn nên quanh năm chỉ đi đánh bắt cá và các loại hải sản khác. Khoảng 10 năm nay, sứa trở thành món đặc sản, nhiều người mua, giá lại cao nên đến mùa là cả làng, cả xã tập trung đi đánh bắt. Nếu vụ nào trúng đậm thì bằng cả năm đi đánh bắt các loại hải sản khác. Do vậy, bây giờ chúng tôi xem sứa như vàng ở trên biển”, ông Tăng nói.
Nghề săn sứa biển cũng rất vất vả nên yêu cầu ngư dân cần có sức khỏe và kinh nghiệm Ảnh Minh Hải
Thời gian đánh bắt sứa trong ngày thường bắt đầu từ 2 giờ sáng đến 19 giờ tối. Sứa sau khi đánh bắt được chở vào các đảo bán cho thương lái để chế biến thành phẩm. Giá thành sứa mỗi năm cũng khác nhau, trung bình từ 7.000 - 15.000 đồng/1 con sứa.
Đưa bè từ trên bờ xuống nước Ảnh Minh Hải
Anh Nguyễn Hữu Hoàng (37 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Hoằng Trường), nói: "Trước đây, tôi đi tàu lớn đánh bắt xa bờ, nhưng thấy nghề đánh bắt sứa cho thu nhập cao nên quay về sắm bè để đi ra đảo săn sứa. Nghề này cũng rất vất vả. Thường thì đi đánh bắt sứa ban ngày, nhưng có những đợt do thời tiết và hướng di chuyển của sứa nên chúng tôi phải đi đánh bắt ban đêm. Nghề này cho thu nhập cao nhưng vất vả, do vậy, người đi săn sứa phải là những người có sức khỏe tốt và có kinh nghiệm”.
Ngư dân thường treo cờ Tổ quốc trên bè trong muỗi chuyến đi biển Ảnh Minh Hải 
Do thu nhập cao từ sứa nên thời gian này nhiều lao động đã bỏ đi tàu đánh bắt xa bờ để đi bè đánh bắt sứa khiến nhiều tàu thiếu lao động không thể vươn khơi. Theo thống kê của UBND xã Hoằng Trường, vụ sứa năm 2018 đem về cho người dân xã này gần 100 tỉ đồng.
Sau khi chuẩn bị xong ngư lưới cụ, ngư dân chờ giờ đẹp để xuất phát Ảnh Minh Hải
Không chỉ ở Hoằng Trường, ngư dân nhiều nơi như ở huyện Quảng Xương, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), ngư dân các tỉnh Nam Định và Nghệ An cũng tập trung đi đánh bắt mỗi khi đến vụ sứa biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.