Người cao tuổi Hải Phòng 'mỏi mắt' chờ lĩnh trợ cấp theo mức mới

13/04/2020 09:16 GMT+7

Do chưa có ngân sách bổ sung nên các địa phương ở Hải Phòng chưa thể chi trả tiền trợ cấp xã hội cho người cao tuổi theo mức mới, như nghị quyết mà HĐND TP.Hải Phòng đã thông qua.

Việc triển khai trễ hơn 1 quý

Trong kỳ họp thứ 11, ngày 5.12.2019, HĐND TP.Hải Phòng khóa 15 đã ra Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND về việc nâng mức trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025.
Theo nghị quyết này, Hải Phòng sẽ nâng mức trợ cấp xã hội của thành phố từ 270.000 đồng/tháng lên 380.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện đầu từ tháng 1.2020. Đến giai đoạn 2021 - 2025, mức chuẩn trợ giúp xã hội sẽ được tính bằng 1,4 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định của Chính phủ (được làm tròn số).
Đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hưởng trợ cấp hàng tháng, trợ cấp mai táng phí. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp của Nhà nước, có hộ khẩu thường trú ở vùng núi, vùng hải đảo thuộc thành phố Hải Phòng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hưởng trợ cấp hàng tháng… như người 80 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, sau khi nghị quyết này có hiệu lực (1.1.2020), đến nay đã hơn 3 tháng, việc chi trả trợ cấp xã hội mức mới cho các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn chưa được thực hiện.
Phản ánh với Thanh Niên, một số người cao tuổi ở quận Ngô Quyền (TP.Hải Phòng) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, họ vẫn nhận mức trợ cấp cũ. Tay run run chỉ vào cuốn sổ nhận trợ cấp xã hội hàng tháng, cụ N.B, một người cao tuổi ở quận Ngô Quyền, thắc mắc: “Tôi vẫn đang lĩnh số tiền là 270.000 đồng/tháng. Nghe đài báo nói là được tăng lên 380.000 đồng/tháng từ đầu năm rồi mà không biết vì sao lại chưa được lĩnh?”.
Đại diện gia đình của cụ N.T.C, một người trên 80 tuổi, cũng ở quận Ngô Quyền, cho biết: “Nghe tin thành phố sẽ nâng mức hỗ trợ cho các cụ lên thuộc mức cao nhất cả nước, chúng tôi ai cũng hoan hỉ vì sự quan tâm này của thành phố dành cho các cụ. Nhưng rồi mãi vẫn chưa thấy mức trợ cấp mới, chúng tôi cũng không được giải thích lý do vì sao?”
Trong khi đó, anh Lê Sơn (ngụ huyện An Dương, TP.Hải Phòng) bày tỏ: “Hơn 1 quý rồi mà chưa thấy triển khai, liệu thành phố lại có thay đổi gì không, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như thế này?”.

Chưa có ngân sách bổ sung

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Phạm Hồng Nghĩa, Trưởng phòng LĐ-TB-XH quận Ngô Quyền, cho biết: “Không riêng gì quận Ngô Quyền mà các địa phương khác ở Hải Phòng cũng chưa thể chi trả tiền hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi theo nghị quyết của HĐND thành phố. Nguyên nhân là do các địa phương chưa nhận được nguồn ngân sách bổ sung”.
Theo ông Phạm Hồng Nghĩa, Phòng LĐ-TB-XH quận Ngô Quyền đã làm danh sách, dự toán kinh phí gửi Sở LĐ-TB-XH TP.Hải Phòng phê duyệt. “Khi nào có ngân sách, các cụ sẽ được truy lĩnh số tiền chưa nhận. Chúng tôi cũng yêu cầu các phường và cán bộ phát tiền giải thích cho các cụ hiểu”.
Một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.Hải Phòng cho biết, cơ quan này đã phê duyệt xong danh sách mà các quận huyện gửi để chuyển sang Sở Tài chính bố trí kinh phí. Theo đó, có thể trong tháng 5 sẽ có kinh phí. “Việc triển khai cũng cần một vài bước theo quy định. Chúng tôi cũng muốn làm nhanh để các cụ được hưởng chính sách tốt đẹp của thành phố”, vị này chia sẻ.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, một số cán bộ làm công tác phát tiền tại các phường trên địa bàn Hải Phòng cho biết, tuy HĐND đã có nghị quyết, nhưng họ chưa được phổ biến cụ thể về việc triển khai quyết định này, nên không có thông tin để giải thích gì cho những người cao tuổi.
Được biết, trong thời gian sắp tới, Hải Phòng cũng sẽ tiến hành hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó có đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc triển khai Nghị quyết số 53/2019/NQ-HĐND kể trên của TP.Hải Phòng cũng đang làm dấy lên sự băn khoăn của người dân về tiến độ triển khai các chế độ, chính sách khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.