Người chống 'giặc' lửa 42 năm: 'Điếng người' khi thấy người vẫy tay cầu cứu ở ITC

04/03/2018 09:32 GMT+7

Sau 42 năm công tác trong ngành phòng cháy chữa cháy (PCCC), đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, vừa nghỉ hưu đầu năm 2018.

Ông luôn trăn trở làm sao để lực lượng PCCC ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng sự phát triển của TP.HCM.
Đại tá Lê Tấn Bửu chia sẻ với Thanh Niên về công việc của người lính PCCC.
Gắn với nghề như một cái nghiệp
Hạnh phúc lớn nhất của người lính phòng cháy chữa cháy là cứu được người trong đám cháy và bảo vệ được tài sản của người dân
Người phát biểu
Cơ duyên nào đưa ông vào ngành PCCC ?
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi vừa tròn 18 tuổi và tham gia
du kích xã Sơn Định, H.Chợ Lách, Bến Tre, sau đó tham gia Công an H.Chợ Lách. Cuối năm 1975, theo yêu cầu từ TP.HCM, tôi xung phong đi để bổ sung lực lượng công an trên đó. Lên TP.HCM được đưa về Đội PCCC Thủ Đức công tác và học tập. Từ đó tôi gắn liền với PCCC.
Còn “chất keo” nào gắn cả cuộc đời ông với ngành PCCC?
Lúc mới lớn, mơ ước của tôi là làm người chiến sĩ công an vũ trang, bảo vệ nhân dân. Sau khi xung phong lên TP.HCM thì được tổ chức phân công vào ngành chữa cháy. Hồi đó chưa biết gì về chữa cháy, chỉ biết là nơi nào có đám cháy thì đem vòi nước đến dập lửa. Thế nhưng khi vào công tác, được đào tạo mới thấy nghề này đòi hỏi tính chiến đấu, khoa học cao. Trải qua nhiều trận “chiến” với giặc lửa, hạnh phúc lớn nhất của người lính PCCC là cứu được người trong đám cháy và bảo vệ được tài sản của người dân. Không biết từ bao giờ tôi trở nên yêu thích, đam mê với nghề này và gắn với nó như một cái nghiệp.
Trong chữa cháy, tính đồng đội rất cao, thành tích đạt được là của cả tập thể. Từng là lính lên làm lãnh đạo, tôi hiểu và rất thương các anh em chiến sĩ trực tiếp xông vào biển lửa, trinh sát đám cháy, lái xe, cứu nạn cứu hộ… Các anh em luôn đối mặt với nguy hiểm chực chờ, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng thầm cảm ơn tất cả anh em kề vai sát cánh với mình trong cả sự nghiệp PCCC.
Đại tá Lê Tấn Bửu Ảnh: Công Nguyên

Nỗi ray rứt khôn nguôi
42 năm trong nghề, điều gì làm ông nhớ nhất?

Nhắc tới kỷ niệm giữa lằn ranh sự sống và cái chết thì nhiều lắm. Có những chuyện giờ nhớ lại nó như nỗi đau mà cuộc đời làm nghề của tôi vẫn còn ray rứt. Đầu tiên phải kể đến vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC, ngày 29.10.2002), lúc đó tôi là người trực tiếp chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong sự cố này (thời gian này đại tá Bửu là Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM - PV).
Khi nhận tin báo cháy, từ trụ sở phòng nhìn ra hướng chợ Bến Thành, thấy khói cuồn cuộn, với kinh nghiệm cho thấy đây là vụ cháy cực kỳ lớn nên tôi lệnh tất cả các đội liên quan đến ngay hiện trường. Khi đến nơi, ngọn lửa đã bao trùm và rất nhiều người mắc kẹt bên trong, trên tòa nhà. Tất cả các mũi chiến đấu đều tập trung bằng mọi giá cứu được càng nhiều người càng tốt.
Đứng vị trí người chỉ huy toàn lực lượng ra hiện trường, thấy người vẫy tay cầu cứu trên tòa nhà mà tôi “điếng người”. Lực lượng của mình hết sức cố gắng nhưng chỉ cứu hơn 100 người ra ngoài. Những gì mình cứu không nói lên được so với hậu quả 60 người chết, 90 người bị thương. Chứng kiến những người từ trên cao nhảy xuống đất, tôi chết lặng.
Qua vụ cháy ITC, thật sự đến giờ này mỗi khi nhắc lại, bản thân tôi thấy như nhắc lại nỗi đau tột cùng của một người chỉ huy chữa cháy. Mình bất lực trước cảnh hoang tàn của vụ cháy. Giá như lúc đó mình đủ phương tiện, giá như mình đến sớm hơn, giá như công trình này tuân thủ phòng cháy…
Đây là sự cố mà tôi ám ảnh, không muốn nhắc tới. Sự cố ITC như một lời cảnh tỉnh, một bài học cho từng cá nhân. Nhìn vụ cháy ITC là nhìn bằng trách nhiệm của Cảnh sát PCCC và đừng để những nỗi đau tương tự xảy ra.
Đại tá Lê Tấn Bửu kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ Ảnh: Mã Phong
Ông gửi gắm gì cho thế hệ tiếp nối, sau khi về hưu?
Trong những năm qua, Cảnh sát PCCC TP được các cấp lãnh đạo quan tâm nên được trang bị các phương tiện, máy móc phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện đại cũng như thành lập các đội chữa cháy để rút ngắn bán kính đến hiện trường sự cố cháy, nổ. Các chiến sĩ được đào tạo và ngày càng chuyên nghiệp trong công tác PCCC.

Bên cạnh những việc Cảnh sát PCCC TP làm được, vẫn còn những vấn đề khiến tôi bận tâm. Còn đâu đó một vài cán bộ chiến sĩ PCCC quản lý địa bàn có biểu hiện vòi vĩnh, làm khó doanh nghiệp (DN). Quan điểm nhất quán của Cảnh sát PCCC TP là luôn tạo điều kiện tối đa để DN phát triển nhưng phải đảm bảo an toàn PCCC. Kiểm tra, kiểm soát DN trong công tác PCCC phải minh bạch, người chiến sĩ làm bằng cả cái tâm, tinh thần trách nhiệm chắc chắn sẽ được dân tin yêu. Không được tháng trước kiểm tra, tháng sau phúc tra rồi trong quá trình đó có những hành động, lời nói, cử chỉ để nhũng nhiễu DN. Đây là những trường hợp cần được ngăn chặn. Cảnh sát PCCC phải quyết tâm hơn nữa để phát hiện và loại trừ những cán bộ thoái hóa, biến chất.
Tôi muốn gửi gắm cho thế hệ sau hết sức chú ý việc này. Tôi mong muốn thời gian tới hình ảnh Cảnh sát PCCC luôn đẹp và thân thiện trong lòng DN và nhân dân TP.
Thành phố thông minh, PCCC cũng phải thông minh
Điều ông lo lắng nhất cho công tác PCCC tại TP.HCM?
TP.HCM là đô thị lớn với lượng dân cư và cơ sở hạ tầng phát triển rất nhanh; những nguy cơ cháy, nổ xảy ra cao. Vì vậy đòi hỏi cảnh sát PCCC ngày càng chuyên môn hóa, sẵn sàng chiến đấu khi sự cố xảy ra để cứu người và giữ gìn tài sản cho dân. Tôi thật sự lo lắng về nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ trong khu dân cư, đặc biệt nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh. Đây là một những nơi xảy ra nhiều vụ cháy chết nhiều người. Trong tương lai, TP sẽ phát triển mạnh nhà cao tầng, trung tâm thương mại, tập trung đông người, đường hầm. Đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ dẫn đến thương vong về người, thiệt hại tài sản lớn.
Theo ông, giải pháp nào quan trọng nhất để giảm sự cố cháy nổ?
Trong lĩnh vực PCCC chia làm 3 mảng: phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Công tác phòng cháy là cực kỳ quan trọng. Ý thức điều đó, lâu nay Cảnh sát PCCC TP luôn xem báo chí như một người đồng đội, đồng hành để góp phần tuyên truyền công tác PCCC đến người dân. Khi công tác phòng cháy đã tốt thì nguy cơ cháy, nổ sẽ giảm; công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng giảm theo. Theo tôi, công tác tuyên truyền tới nhân dân là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt sắp tới chúng ta xây dựng TP thông minh, thì công tác PCCC phải có cách tiếp nhận và xử lý thông tin hiện đại. Sự điều hành, chỉ huy chữa cháy từ xa (truyền hình ảnh) tích hợp được thông tin liên lạc. Công tác PCCC đều số hóa thì Cảnh sát PCCC phải là những con người có đam mê, có nghề, kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao mới đáp ứng được.
Vợ, con luôn thấu hiểu
Đại tá Lê Tấn Bửu (trái) tiếp cận hiện trường chỉ đạo chữa cháy Ảnh: Mã Phong

Điều may mắn nhất của ông?
Điều may mắn nhất của tôi là vợ và con tôi luôn thấu hiểu, cảm thông cho công việc vất vả và đầy nguy hiểm của tôi. Đó là hậu phương vững chắc để tôi luôn phấn đấu trong công việc và hoàn thành nhiệm vụ. Khi vừa có quyết định nghỉ hưu thì gia đình tôi có cháu nội đầu tiên. Đây là niềm vui lớn nhất của tôi khi về hưu. Tính tôi rất hiếu động, nếu ngồi không là khó chịu lắm! Tôi dự định về Bến Tre hùn vốn với người em trồng nấm linh chi.

Tiểu sử
Đại tá Lê Tấn Bửu nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Ảnh: Công Nguyên
Đại tá Lê Tấn Bửu sinh năm 1957 tại Bến Tre.
Tháng 5.1975, ông tham gia du kích xã Sơn Định, H.Chợ Lách, Bến Tre.
Tháng 10.1975 gia nhập Công an H.Chợ Lách. Tháng 12.1975 xung phong đi chi viện
cho TP.HCM.
Tháng 12.1975 - 1986 công tác tại
Đội PCCC Thủ Đức. Từ năm 1987 - 1989 công tác tại Đội tham mưu Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM.
20.11.1989 - 2000, ông được bổ nhiệm Phó đội PCCC trung tâm thuộc Phòng Cảnh sát PCCC TP, sau đó lên đội trưởng. Năm 2000, được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP.
Từ tháng 9.2006 - 2014, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.
Từ năm 2014 - 1.2018, đại tá Lê Tấn Bửu giữ chức Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.

Mong có nhiều người như anh Bửu
       
Có thể nói, anh Lê Tấn Bửu là một trong những người đặc biệt nhất trong lĩnh vực PCCC của TP.HCM. Anh liên tục gắn bó với nhiệm vụ chống "giặc lửa" ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất, và xuyên suốt đến tận bây giờ. Tôi được biết từ năm 1975, khi còn ở miền Tây, anh đã xung phong lên TP.HCM công tác trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Khi lên TP.HCM, anh được điều động về Đội chữa cháy Thủ Đức theo diện tạm tuyển. Đứng trong hàng ngũ chiến sĩ PCCC, anh là binh nhì, thường xuyên cầm vòi chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Trong 42 năm công tác, anh Bửu tham gia tác chiến ứng phó trong rất nhiều sự cố cháy, nổ nghiêm trọng, điển hình là vụ nổ kho đạn Long Bình (năm 1977), vụ cháy rừng U Minh (Cà Mau), cháy tòa nhà ITC (TP.HCM) năm 2002... Có thể nói anh Bửu là tấm gương trong ngành; từ khi bước vô ngành đến nay, dù ở cương vị nào anh cũng luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm công vụ của mình, luôn quyết liệt, thẳng thắn trong thi hành nhiệm vụ chung cũng như trong công tác điều hành, quản lý.
Chúng tôi luôn mong rằng ngày càng có nhiều hơn nữa những con người tận tụy, nhiệt huyết vì sự nghiệp chung như thế. Anh Bửu đã cống hiến trọn cuộc đời mình vì dân, vì nhiệm vụ PCCC bảo đảm an toàn cho cộng đồng ở TP.HCM.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Luôn xông xáo tiếp cận, chỉ đạo tại hiện trường
       
Là cấp dưới có nhiều cơ hội làm việc với đại tá Lê Tấn Bửu, với chúng tôi, anh không chỉ là người lãnh đạo giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh khi xung trận... mà còn là một người anh ân cần, gần gũi, giản dị, mộc mạc; một người thầy mẫu mực về đạo đức, tác phong, luôn thương yêu và tôn trọng cấp dưới. Làm việc với anh, chúng tôi luôn được khích lệ kịp thời dù chỉ là một lời khen tặng nhỏ, một cử chỉ động viên cũng làm cho anh em cấp dưới thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là người lãnh đạo trưởng thành từ người lính thông qua thực tiễn nên anh vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, điều hành và chỉ huy, nhất là trong công tác chỉ huy chữa cháy.
Là người chỉ huy cao nhất của Cảnh sát PCCC TP, khi có những vụ cháy lớn xảy ra, anh luôn xông xáo, tiếp cận hiện trường để đưa ra quyết định kịp thời, đúng lúc và chỉ đạo rất quyết liệt để dập tắt đám cháy nhanh nhất. Anh là người có tư duy hành động tiếp cận và giải quyết vấn đề rất nhanh, nói là làm rất quyết liệt và thuyết phục. Là một người rất say mê, tâm huyết, tận tâm, tận tụy với nghề nên anh luôn là người anh, người thầy, người chỉ huy mẫu mực của lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM.
Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC H.Bình Chánh (TP.HCM)
Công khai số điện thoại cá nhân để dân báo cháy
       
Đại tá Lê Tấn Bửu khi còn là Giám đốc Cảnh sát PCCC TP công khai số điện thoại cá nhân và của Ban giám đốc để nhận tin nhắn báo cháy, phản ánh những sai phạm về công tác PCCC, đặc biệt là cán bộ địa bàn có dấu hiệu nhũng nhiễu làm khó người dân, DN. Tôi thấy đó là việc làm đầy trách nhiệm. Chúc đại tá Bửu luôn khỏe, hạnh phúc bên gia đình sau khi về hưu.
Anh Lê Văn Thiệp (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Đình Phú - Công Nguyên


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.