Người con dị dạng bao năm qua bán vé số nuôi cha

28/02/2018 08:33 GMT+7

Lúc sinh ra ông Lép không khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, khuôn mặt lại dị dạng khác thường.

Sinh ra với gương mặt dị dạng, sức khỏe yếu ớt, nhưng suốt 22 năm qua ông Lê Hữu Hiền (Ba Lép, 42 tuổi, ngụ số 76 Lê Thị Hồng Gấm, P.2, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) vẫn hằng ngày đi bán vé số kiếm tiền nuôi cha già yếu.
Cụ Lê Văn Vui (80 tuổi), cha ông Lép, cho biết trước kia cụ tham gia kháng chiến. Sau ngày miền Nam giải phóng, cụ lập gia đình và có 1 người con trai là Ba Lép. Lúc sinh ra ông Lép không khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, khuôn mặt lại dị dạng khác thường. “Lúc đó, tôi mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam nên con tôi bị ảnh hưởng. Bản thân nó từ lúc sinh ra chịu quá nhiều thiệt thòi nên tôi đã dồn hết tình cảm bù đắp cho nó”, cụ Vui nói.
Lên 6 tuổi, Ba Lép quyết tâm đi học, nhưng do gương mặt dị dạng nên đến đâu ông cũng bị bạn bè chọc ghẹo, cho là gương mặt của “quỷ” và xa lánh. Mặc cảm bản thân mang hình dạng khác người, ông Lép nghỉ học, tránh xa mọi người, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Đến năm 20 tuổi, ông quyết định đi làm để phụ cha nhưng không ai dám nhận. Vì vậy, ông tìm đến đại lý vé số lấy vé bán từ đó đến nay.
Đã 22 năm qua, ông rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm để bán vé số kiếm tiền nuôi cha.
Để mưu sinh được bằng nghề bán vé số, ông dành dụm mua trả góp một chiếc xe đạp điện để đến những nơi xa. Trò chuyện với chúng tôi, giọng ông Lép ngọng nghịu: “Mỗi ngày tôi lấy 100 - 200 tờ vé số bán để có tiền mua thuốc chữa bệnh và chăm sóc ba tôi. Ba tôi già rồi, thường xuyên đau ốm không biết lấy gì để lo”.
Cụ Vui cho biết mỗi ngày ông Lép đi bán vé số từ 8 giờ sáng đến chiều mới về, tối lại tiếp tục nhận vé số đi bán. Nhiều lúc thấy con đi bán mệt, về nhà nằm thở hổn hển, cụ kêu nghỉ nhưng ông Lép không chịu. “Có tiền nó dúi vào tay tôi kêu mua đồ ăn tẩm bổ hoặc có khi đang đi bán thì ghé nhà đưa tôi bịch đồ ăn rồi đi tiếp. Nhiều khi đi bán trẻ con gặp sợ hãi nên khóc thét. Thấy vậy nó cũng buồn, về nhà ngồi một góc, mặt buồn bã trông tội lắm”, cụ Vui kể.
Bà Trần Thị Hồng Hà (53 tuổi, ngụ cùng địa phương) cho biết: “Ông Ba Lép rất có hiếu. Mỗi sáng, trước khi đi bán, ông đều chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho cha, đến trưa lại mang đồ ăn về
cho cha. Tính tình ông Ba Lép rất hiền lành, tuy bị tật, trí não chậm phát triển nhưng chưa bao giờ quấy phá một ai. Không chỉ có hiếu với cha, ông còn có hiếu với người cô ruột vừa mất cách đây mấy tháng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.