Bố ông Đỗ Mẫn là một “
người Việt Nam mới”, tên Nhật Bản là Sato Masao, sinh năm 1909, tên Việt Nam là Đỗ Văn Hùng. Năm 1942, ông đã làm quen và kết hôn với bà Đỗ Thị Phùng, sinh năm 1917, người con gái xinh đẹp phố Cầu Gỗ là công nhân xưởng may vá tại Hà Nội.
Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, ông Sato Masao gia nhập Việt Minh, hỗ trợ bộ đội sử dụng vũ khí, làm nhiệm vụ kháng chiến chống Pháp. Tùy theo công việc được Việt Minh giao phó, lúc gia đình ông Hùng ở Hà Nội, khi tản cư lên làng Đanh Xá, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Sato Masao trong tấm ảnh gửi về cho vợ con ở Việt Nam năm 1952 Ảnh Thúy Hằng
|
Năm 1950, ông Đỗ Văn Hùng bị giặc Pháp bắt và bị đưa trở về Nhật Bản. Đau đớn nhất là từ khi ông Hùng bị quân Pháp bắt giữ cho đến ngày ông buộc phải về nước Nhật, bà Phùng và hai con chưa một lần được nhìn thấy cha.
“Tôi khao khát được một lần ôm bố”
Trong căn phòng treo đầy những bức tranh tĩnh vật, phong cảnh, có một bức chân dung người đàn ông với vầng trán cương nghị được đặt trang trọng trên tủ cao. “Bố tôi đấy. Tôi vẽ lại dựa trên một tấm ảnh duy nhất ông gửi về và bằng cả những kỷ niệm yêu thương còn đọng lại”, ông Đỗ Mẫn xúc động.
Ly biệt bố từ năm 1950, dù lúc đó mới chỉ là cậu bé 7 tuổi, nhưng ông Mẫn vẫn nhớ rất rõ: “Bố tôi cao lớn, điển trai. Bố và các chú bộ đội hay mặc quần áo vải màu nâu. Tôi còn nhớ như in là sáng nào bố cũng gọi tôi dậy rất sớm để “tập kiếm”. Kiếm làm từ cái đòn gánh cũ, bố chẻ chiếc đòn gánh ra làm hai, tôi một phần, bố một phần, bố dạy tôi vung lên vung xuống, lùi lên, lùi xuống và nói ở bên Nhật như thế này là đấu kiếm”.
Năm 1949, em gái thứ 2 của ông Mẫn là Đỗ Thị Ngọc bị bệnh nặng và qua đời ở tuổi lên 4. Cả ngày, Mẫn không gặp bố bèn hớt hải chạy đi tìm, mãi sau, Mẫn thấy bố đang ngồi phủ phục bên nấm mộ em gái vừa đắp đất, giữa cánh đồng hoang vắng làng Đanh Xá. “Bố tôi ngồi bên mộ em nguyên một ngày, đôi mắt trũng sâu, đau đớn”, kỷ niệm về người cha còn vẹn nguyên như thế.
Năm 1950, trên đường làm nhiệm vụ, ông Đỗ Văn Hùng bị giặc Pháp bắt giam sau đó đưa về nước Nhật.
Ông Sato Masao (bìa trái) cùng gia đình bên Nhật, ảnh gửi về Việt Nam năm 1952 Ảnh chụp lại từ tư liệu
|
Trong hai năm liên tiếp sau đó, bà Đỗ Thị Phùng (khi đó là nhân viên hộ sinh tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) không biết chồng ở nơi nào Nhật Bản, chỉ biết khăn gói đi bộ từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội nhờ nhân viên lãnh sự Nhật tại đây chuyển quần áo, thuốc lá sang cho chồng. Không biết quà có đến tay chồng hay không, năm 1952 bà Phùng nhận được hai tấm ảnh, một tấm chân dung, một tấm ông Hùng chụp cùng vợ và hai con riêng tại Nhật (ông Hùng từng có vợ cả tại Nhật trước khi sang Việt Nam, bà Phùng biết điều này từ trước hôn nhân nhưng chấp nhận làm vợ lẽ).
“Chỉ có ảnh mà không có thư từ, địa chỉ gì cả, chúng tôi nhìn thấy dòng chữ viết tay, ghi sau tấm ảnh ghi là Akadomari, Nhật Bản. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ tôi nhận được kỷ vật từ bố”, ông Đỗ Mẫn bồi hồi.
Kháng chiến chống Pháp thành công, bà Phùng và hai con vẫn sinh sống ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Năm 1965, ông Mẫn về Hà Nội, năm 1988, ông đón mẹ về để tiện chăm sóc. Trăn trở trước ước mơ gặp lại chồng lần cuối của mẹ mình, ông Mẫn nhiều lần làm đơn đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt - Nhật, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV để tìm kiếm cha. Nhưng, mọi thứ vẫn bặt vô âm tín.
"Mẹ tôi ở vậy đợi cha tôi đến lúc qua đời, không đi thêm bước nữa. Trước khi nhắm mắt, bà cứ nhắc đi nhắc lại, “các con cố gắng tìm đường về thăm quê cha đất tổ”, Đỗ Lan Anh, con gái út bà Phùng nhớ lại.
“Tôi xa bố 67 năm rồi. Giờ đã 74 tuổi, gần đất xa trời, mãi vẫn chưa tìm thấy bố, tôi chỉ khao khát được một lần ôm bố, gọi hai tiếng “bố ơi”, ông Mẫn rưng rưng.
“Các con cố gắng giúp bố tìm ông nội”
Ông Đỗ Mẫn truyền cho hai con của mình tình yêu hai quê hương Việt Nam - Nhật Bản, từ nhỏ ông đã nói với các con: “Cố gắng thay bố tìm ông nội, tìm gia đình”. Nghe lời cha, con gái út Đỗ Anh Thư của ông Mẫn tốt nghiệp khoa tiếng Nhật xuất sắc, đang là giáo viên dạy tiếng Nhật, có công ty riêng hỗ trợ các học sinh Việt Nam sang Nhật Bản du học. Hai con của chị Anh Thư được học tiếng Nhật từ nhỏ và đang giao tiếp rất tốt bằng ngôn ngữ này.
Ông Đỗ Mẫn và em gái Đỗ Lan Anh mong mỏi biết tin tức về bố Ảnh Thúy Hằng
|
Năm 2009, chị Đỗ Anh Thư đưa bố sang Nhật Bản đi du lịch lần đầu tiên, ông Mẫn thì kỳ vọng, đó sẽ là chuyến đi giúp ông tìm được cha mình. Nhưng, giữa xứ người, biết cha nơi đâu? “Tôi nghẹt thở khi đặt chân tới Tokyo, quê hương của bố đây rồi. Giá như tôi được thấy cha tôi”.
Người con mang trong tim hai dòng máu
Việt Nam - Nhật Bản trải lòng: “Suốt đời tôi, chưa phút giây nào tôi oán trách cha. Cha đã sinh ra tôi, cho tôi hình hài. Như cây có cội rễ, tôi chỉ mong biết được cha đã nơi đâu, còn sống hay đã qua đời, các em cùng cha khác mẹ của chúng tôi có khỏe không. Tôi luôn tin rằng, suốt đời cha vẫn luôn nhớ về ba mẹ con tôi ở Việt Nam, chỉ vì quá cách xa và điều kiện khó khăn, ông đã không thể đoàn tụ với chúng tôi, dù chỉ một lần duy nhất”.
Bình luận (0)