Chiều nay, 19.12, Sở GTVT Hà Nội đã họp báo giải đáp về cách thức vận hành xe buýt nhanh cũng như phương án tổ chức giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến liên quan đến hoạt động của xe buýt nhanh.
Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện tại tuyến buýt nhanh đã được đưa vào vận hành thử nghiệm và được chia làm 5 giai đoạn (từ ngày 15 - 31.12.2016).
Thời gian phục vụ tuyến từ 5 - 22 giờ, tần suất phục vụ ngày thường 5 - 10 - 15 phút/lượt với tổng số 358 lượt xe, ngày chủ nhật 264 lượt. Giá vé 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường; vé tháng áp dụng như vé tháng xe buýt; miễn phí vé cho hành khách sử dụng trong vòng một tháng đầu tiên.
Ngoài ra, khi đưa vào vận hành tuyến buýt này, Sở GTVT cũng điều chỉnh, chuyển tuyến đối với các tuyến xe buýt đi trùng với hành lang hoạt động của tuyến BRT (tuyến buýt số 22, 09, 18, 19, 50).
Sau nhiều năm chậm tiến độ, dự án xe buýt nhanh trị giá hơn 1.200 tỉ đồng của Hà Nội chuẩn bị vận hành vào 31.12 tới, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả dự án, cũng như bài học về quy hoạch, kết nối cho các tuyến xe buýt nhanh khác trong tương lai.
Sở GTVT cùng Công an thành phố tiếp tục đánh giá tình trạng thực tế giao thông trên tuyến để từng bước hoàn thiện phương án tổ chức giao thông và phương án tổ chức vận hành trên tuyến cho phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế ảnh hưởng đi lại của người dân trong khu vực.
Dự án BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD, chiều dài khoảng 14,7 km, với 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4 m và 9 nhà chờ 5 m), 1 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 1 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 1 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa.
Bình luận (0)