Người đánh máy chữ cuối cùng ở ngã tư Cầu Đất

Lê Tân
Lê Tân
17/12/2018 18:09 GMT+7

Ở ngã tư Cầu Đất giữa trung tâm thành phố Hải Phòng, có một người từ gần 30 năm nay vẫn kỳ cạch viết đơn thư, giấy tờ cho khách bằng chiếc máy đánh chữ cũ kỹ.

Những người lớn tuổi sống ở ngã tư Cầu Đất (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) nói rằng những năm 1990, khu vực này có hàng chục người làm nghề đánh máy chữ. Nhưng theo thời gian, chỉ còn lại ông Vũ Văn Xiêm vẫn theo nghề.
[VIDEO] Tâm sự của người đánh máy chữ cuối cùng ở Ngã tư Cầu Đất
Ông Xiêm năm nay 67 tuổi và bắt đầu gắn bó với chiếc máy đánh chữ từ năm 1990. “Tôi là dân gốc phố này (phố Trần Phú, quận Ngô Quyền). Sau khi rời quân ngũ, tôi lấy vợ, sinh con rồi làm đủ nghề để mưu sinh. Những năm đầu đổi mới, nhu cầu soạn thảo văn bản rất lớn nên tôi quyết định đi học nghề đánh máy chữ của một ông thầy ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng). Thầy cũng bán cho tôi cái máy chữ đầu tiên để tôi ra ngã tư này hành nghề", ông Xiêm nói.
Công việc của ông Xiêm những năm 1990 đã nuôi sống cả gia đình. “Công việc hồi ấy đều lắm, ngày nào cũng có khách. Sáng tôi ra làm từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Có hôm phải ngồi thông trưa vì yêu cầu của khách. Có những hôm đánh máy nhiều quá, các ngón tay tê dại hết cả, hôm sau gõ vào phím mà như gõ vào đầu kim”, vừa nói, ông Xiêm vừa đưa bàn tay ra như thể minh họa.
nghe-danh-may-chu
"Đánh nhiều quá, các ngón tay tê dại lại, hôm sau gõ vào phím mà như gõ vào đầu kim", ông Xiêm chia sẻ Ảnh Lê Tân
Những năm tháng làm nghề đánh máy chữ mang lại cho ông Xiêm nhiều kỷ niệm. “Năm 1992, đúng lúc Hải Phòng đón cơn bão to thì tôi nhận được mối khách lớn. Đó là một công ty đến liên hệ và mời tôi đem máy chữ về công ty họ để soạn giấy tờ nhập khẩu xe máy đã qua sử dụng. Họ thuê xích lô đưa tôi và máy đi. Đến nơi, họ giao cho tôi 500 tờ phơi và yêu cầu sáng hôm sau phải làm xong. Việc nhiều quá, mà phải làm nhanh nên tôi đành gọi vợ lên đọc cho mình gõ. Từ tối đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau thì xong, kiếm được khá tiền vì họ trả gấp đôi giá thị trường".
Làm nghề đánh máy chữ, ông Xiêm nhận được rất nhiều yêu cầu viết đơn. “Đơn ly hôn, đơn kiện, đơn đề nghị.... Gõ đơn phải có kiến thức để làm cho chuẩn mẫu và tư vấn thêm cho khách về nội dung để họ được việc. Tôi phải mua thêm sách pháp luật về đọc", vừa nói, ông Xiêm vừa thị phạm cho tôi xem việc soạn thảo một lá đơn ly hôn, trong khoảng 15 phút ông làm xong lá đơn trên một mặt giấy A4 kín chữ.
Chỉ là người gõ máy đánh chữ kiếm sống nhưng ông Xiêm luôn sẵn lòng giúp đỡ bất kỳ ai. “Nhiều cụ già đến thuê gõ đơn xin trợ cấp, tôi không lấy tiền. Gõ đơn xong, tôi gọi xe ôm chở cụ về. Người nào vội quá quên tiền, tôi luôn sẵn lòng cho nợ. Có người bị oan, không biết kêu thế nào, tôi ngồi nghe họ kể rồi viết đơn cho. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là cách đây 18 năm, tôi viết đơn kiện đòi đất cho bà Liên ở 132 Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng. Một thời gian sau, bà Liên đòi được đất và mua 1 cái tủ lạnh trị giá gần 3 triệu mang vào tận nhà tặng tôi”, ông Xiêm chia sẻ.
nghe-danh-may-chu
Chiếc máy chữ đã lỗi thời khiến những người như ông Xiêm mất dần công việc Ảnh Lê Tân
Theo năm tháng, máy đánh chữ dần lỗi thời khiến nghề của ông Xiêm mất dần khách hàng. Ngay cả chiếc máy chữ cũng khó mua. Chiếc máy ông Xiêm đang dùng là hàng của Đức sản xuất. "Cách đây chục năm, tôi được một ông làm doanh nghiệp nhà nước bán lại cho với giá 250.000 đồng. Tuổi nó không khéo còn hơn tuổi tôi ấy chứ. Được cái loại máy này bền, hầu như không bao giờ hỏng”, ông Xiêm cho biết
Ông Xiêm có cái tiếng tư vấn làm đơn hay, nên nhiều người lớn tuổi vẫn tìm đến. “Có hôm, tôi kiếm được vài trăm nhưng có thời điểm ngồi chơi mấy ngày liền, cũng chả sao cả, căn cơ một chút cũng đủ ăn. Sáng ôm máy ra, chiều lại vác máy về, bất kể mưa nắng. Còn sức khỏe thì tôi còn theo nghề. Tôi làm vì yêu nghề và cũng vì cuộc sống nữa”, ông Xiêm tâm sự. Được biết, ông Xiêm có một người con trai duy nhất đang đi... tù. Một mình ông Xiêm đi làm nuôi vợ và cháu nội năm nay đã 14 tuổi ăn học.
Ngoài ông Xiêm, ở Hải Phòng còn có một người cũng gần 70 tuổi làm nghề đánh máy chữ ngồi ở ngã Sáu (quận Ngô Quyền) nhưng gần đây bị tai biến nên đã nghỉ. Có lẽ, ông Xiêm là người đánh máy chữ cuối cùng ở thành phố Hải Phòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.