Người mẹ 94 tuổi tần tảo 70 năm nuôi con tâm thần

22/03/2016 13:02 GMT+7

Cụ bà Bùi Thị Tập đã 94 tuổi, nhưng vẫn còng lưng chăm cho người con trai duy nhất bị bệnh tâm thần đã hơn 70 năm.

Cụ bà Bùi Thị Tập đã 94 tuổi, nhưng vẫn còng lưng chăm cho người con trai duy nhất bị bệnh tâm thần đã hơn 70 năm.

Cụ Tập và người con trai 72 tuổi bị bệnh tâm thần - Ảnh: LTCụ Tập và người con trai 72 tuổi bị bệnh tâm thần - Ảnh: LT
Bà Tập sống ở số 40/52/286 đường Lê Lai, P.Máy Chai, Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng.
Đằng sau cánh cổng sắt, cụ Tập với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt nhăn nheo, chầm chậm đưa tay vuốt lên mái tóc xơ xác của ông Trịnh Văn Chỉnh, người con trai duy nhất. Ông Chỉnh năm nay 72 tuổi nhưng ngô nghê như đứa trẻ lên 1.
Cụ Tập nhớ lại: “Năm 1945, hai mẹ con tôi đang ngồi ăn cháo cứu đói ở khu Hạ Lý thì giặc càn qua, người chết nhiều lắm, thằng Chỉnh bị thương ở đầu rồi tâm thần luôn, năm ấy nó mới 1 tuổi”.
Nhà cụ Tập có khoảng sân 10 m2, chiều nào hai mẹ con cũng đưa nhau ra tắm rửa. Người mẹ già với đôi bàn tay đồi mồi nhăn nheo, run rẩy múc từng gáo nước tắm cho con. Tắm xong, cụ Tập bê 1 nồi cơm, 1 cái bát lớn, 1 bát mắm cáy ra sân. Bà ăn một miếng lại đút cho con một miếng.
Ngày xưa nó hay lên cơn động kinh, co giật, máu trào ra từ miệng, mũi. Nhà chỉ có hai mẹ con, những lúc như thế tôi chỉ biết ôm con và khóc. Nhiều lần tôi tưởng mất nó rồi
Cụ bà Bùi Thị Tập
Ông Chỉnh không biết nói, không thể tự ăn, tự vệ sinh cá nhân, cả ngày cứ ngồi gật gù, cười một mình. Ngồi chán, ông lại đứng lên đi khắp xóm thu gom rác đổ đầy ngõ hoặc mang về nhà. Chính vì vậy, cụ Tập vẫn phải chăm cho con từng bữa ăn, giấc ngủ.
“Ngày xưa nó hay lên cơn động kinh, co giật, máu trào ra từ miệng, mũi. Nhà chỉ có hai mẹ con, những lúc như thế tôi chỉ biết ôm con và khóc. Nhiều lần tôi tưởng mất nó rồi”, cụ Tập rưng rưng. Có lần ông Chỉnh còn đốt cháy căn bếp, may sao hàng xóm kịp thời cứu hỏa, nếu không hậu quả khôn lường.
Cụ Tập kể, lấy chồng năm 17 tuổi, làm vợ lẽ. Chồng cụ là ông Trịnh Văn Biến, quê ở Thái Nguyên, xuống Hải Phòng làm công nhân nhà máy điện. Trước ông Chỉnh, cụ Tập có sinh được 1 người con gái, nhưng được vài ngày sau thì mất. Rồi ông Biến cũng mất sớm.
Con cháu, họ hàng thì nghèo không giúp được gì nhiều. Người vợ trẻ phải một mình kiếm sống, chăm con. Để tối giản chi phí, thi thoảng người mẹ ra chợ muộn, xem hàng nào ế thì hỏi mua đồ rẻ về kho mặn để hai mẹ con ăn dần.

Hôm Tết, được mọi người cho ít tiền, tôi ra chợ mua được mấy con gà chết rẻ lắm, thế là có cái Tết….

Cụ Tập

Cụ Tập cười nói: “Hôm Tết, được mọi người cho ít tiền, tôi ra chợ mua được mấy con gà chết rẻ lắm, thế là có cái Tết…”. Có lẽ thấy hoàn cảnh cụ Tập như thế, trời cũng thương. Hai mẹ con sống kham khổ nhưng không ốm vặt, không phải đi bệnh viện bao giờ.
Chị Trịnh Thị Hồng Ánh, Tổ trưởng tổ dân phố 13, cũng là hàng xóm sát vách với cụ Tập cho biết: “Chính quyền và nhân dân cũng rất quan tâm ưu ái cụ Tập. Chúng tôi gọi nhà cụ Tập là gia đình “nghèo bền vững”. Hai phận đời già cả, ốm yếu, không một kế sinh nhai, sống dựa hoàn toàn vào tiền trợ cấp của chính quyền phường, sự hảo tâm của xã hội và gúp đỡ của bà con chòm xóm".
Hiện nay, mỗi tháng hai mẹ con cụ Tập được hỗ trợ gần 1 triệu đồng theo chính sách cho người già trên 80 tuổi, người tàn tật. Ngoài ra, các tổ chức xã hội của phường cũng hỗ trợ mỗi quý 400.000 đồng. Thi thoảng có người hào tâm cho ít tiền, đồ ăn. Tất cả tạm đủ duy trì sự sống của hai mẹ con. Căn nhà đang ở và hệ thống điện nước cũng được phường xây sửa lại vào năm 2004.
“Chỉ lo tôi mà chết trước thằng Chỉnh thì đời nó khốn khổ”, bà mẹ già nói và rưng rưng nhìn người con dại đang gật gù nơi bậu cửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.