Những năm trước, cứ vào 20 tháng giêng là bà con nông dân xã Phú Xuân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bước vào vụ nuôi tôm đầu năm (hay còn gọi là vụ 1, vì một năm có thể nuôi 2 vụ). Thế mà năm nay, đã bước qua những ngày đầu tháng hai nhưng phần lớn các diện tích ao hồ vẫn chưa được cải tạo. Cả xã, 7 thôn thì có 320 ha nuôi tôm sú nhưng chỉ mới cải tạo được 2,5 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các khu vực không phải là vùng nuôi tôm chủ lực.
Ông Lê Đình Bảo, một người nuôi tôm lâu năm ở đây cho biết: "Năm trước diện tích nuôi của gia đình tôi là 3 ha nhưng có lẽ năm nay chỉ là 2 ha thôi. Những năm trước khoảng đầu tháng 6 là có thể thu rồi. Nhưng năm ni muốn hay không muốn thì tháng 2 cũng phải thả thôi, đến tháng 7 mới thu hoạch được. Sợ nhất ảnh hưởng của hai tháng 5 và 6 - nắng hạn nhất trong năm". Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm của xã cũng như các vùng lân cận đang phải đối mặt với cơn "bão giá", giá thức ăn của tôm và dầu quá cao so với những năm trước. Trong khi đó giá tôm vẫn không thay đổi, thậm chí còn bị giảm xuống. Anh Cư, một người nuôi tôm cho hay, trước kia giá tôm sú do Sở Thủy sản quy định nhưng nay thì do người mua đặt ra, nên người nuôi tôm bị ép giá nhiều lắm. Vì thế cũng có thể nhiều diện tích hồ hạ triều sẽ chuyển qua nuôi chắn sào để giảm chi phí.
Nhiều người nuôi tôm của tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện còn phải lo về việc mua tôm giống. Theo thông tin từ Sở Thủy sản Thừa Thiên-Huế, vụ nuôi tôm sú năm nay bắt đầu từ tháng 3.2008 và toàn tỉnh thả nuôi với tổng diện tích 3.850 ha, tập trung ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Diện tích nuôi này sẽ cần lượng tôm giống khoảng 500 triệu con. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh chỉ có 15 trại tôm giống, trong đó có Trung tâm Tôm giống nước lợ của tỉnh và 14 trại sản xuất tôm giống của tư nhân, với lượng tôm giống khoảng 200 triệu con, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Trước tình hình trên, người nuôi tôm ở Thừa Thiên-Huế phải đổ xô đi mua tôm giống trôi nổi trên thị trường các tỉnh lân cận không đảm bảo chất lượng, nguy cơ dịch bệnh là rất lớn. Diện tích đất nông nghiệp của xã Phú Xuân dường như đã được chuyển sang làm hồ nuôi tôm hết nên "dẫu không muốn cũng phải nuôi thôi, chứ lấy chi mà làm, lấy chi mà ăn?" - một người dân ở Phú Xuân than thở.
Thùy Trang - Minh Phương
Bình luận (0)