Người Sài Gòn ăn hủ tiếu chay Sa Đéc, ăn nhiều ít cũng chỉ 20.000 đồng

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
05/11/2018 12:41 GMT+7

Quán hủ tiếu chay Sa Đéc ở số 330 Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không chỉ đông nghịt khách vào ngày rằm mà ngày thường cũng không ngớt. Ngày thường, quán bán hơn 150 tô, ngày cao điểm hơn 350 tô.

Ngày cao điểm bán hơn 350 tô

Chạy trên đường Phan Văn Trị, nhìn tấm biển Hủ tiếu chay Sa Đéc của quán khiến ai cũng lầm tưởng là món ăn của người Đồng Tháp. Lần đầu đến quán không ít vị khách đã hỏi chủ quán: “Chị là người Đồng Tháp hả?”. Chủ quán lúc nào cũng vui vẻ: “Tôi là người gốc Sài Gòn, ông xã tôi gốc Đồng Tháp”.

Điều khiến khách trở lại nhiều lần nữa chính là ở hương vị đặc biệt của những món chay tại quán. Khách mới rồi khách cũ, từ khi mở quán đến nay hủ tiếu chay Sa Đéc chưa bao giờ ngớt khách ra vào.

Nước hầm ở quán gồm có bắp, củ cải đỏ, củ cải trắng, su, đậu hũ. Ngoài ra, còn có nấm đông cô, nấm rơm, lạc rang LÊ HỒNG HẠNH
Chị Thư mở quán nhưng không học nghề từ ai mà tự nấu nướng LÊ HỒNG HẠNH

Nguyễn Hoàng Anh Thư (36 tuổi, chủ quán) nhớ lại: “Ông xã mình là người gốc ở Sa Đéc Đồng Tháp. Sợi mì, sợi hủ tiếu được lấy trực tiếp từ Sa Đéc và chuyển lên Sài Gòn hàng ngày. Thành ra vì vậy mà mình lấy tên là Hủ tiếu chay Sa Đéc”.

Thực đơn của quán ngoài hủ tiếu chay còn có mì xào, bún xào, nui xào, chả giòn và bì cuốn. Tất cả đều là món chay.

Mỗi ngày, quán hủ tiếu chay Sa Đéc bán được khoảng 150 tô, nếu là ngày rằm thì hơn 350 tô. Chị Thư chia sẻ: “Mình mở quán cũng lâu rồi mà ở địa điểm này thì mới khoảng một năm rưỡi thôi. Nói đến đông khách nhất thì phải nói đến những ngày rằm, không nghỉ tay luôn”.

Nồi nước hầm ở quán gồm có bắp, củ cải đỏ, củ cải trắng, su, đậu hũ. Nấm đông cô, nấm rơm, lạc rang thì được đựng bằng đĩa riêng chứ không cho vào nồi để hầm. Tùy theo khách gọi, sợi mì và hủ tiếu sẽ được trụng ngay rồi chan nước hầm và cuối cùng là thêm nấm, đậu và vài miếng tàu hũ ky vàng ươm, dòn rụm trông bắt mắt.

Khách gọi tô nhiều bánh, mì giá vẫn không đổi

Dù quán rất đông khách nhưng một phần dù là phần ít hay nhiều sợi mì thì vẫn có giá 20.000 đồng. Đây cũng là một điểm đặc biệt của Hủ tiếu Sa Đéc.

Nếu khách gọi tô nhiều sợi mì thì giá vẫn không đổi LÊ HỒNG HẠNH

Chị Thư bộc bạch: “Không phải vì người ta kêu phần nhiều mà chị thêm tiền, vì có những người ăn nhiều nhưng cũng có người ăn ít coi như là bù qua bù lại thôi”. Vừa “ngon, bổ, rẻ” nhìn lại hấp dẫn nên cũng dễ hiểu khi thực khách quay lại quán sau khi đã ăn thử lần đầu tiên.

Hủ tiếu chay Sa Đéc mở bán từ 12 giờ trưa cho đến khi nào bán hết mới dọn hàng. Nồi nước hầm được hầm khoảng 7 tiếng trước khi mở hàng. Chính vì vậy, vị ngọt của nước hầm là vị ngọt từ rau củ rất đậm đà.
Ngày rằm hủ tiếu chay Sa Đéc bán được gấp 2 lần rưỡi ngày thường LÊ HỒNG HẠNH

Tuy được hầm trong khoảng thời gian dài nhưng giữ lửa đều và không để lửa quá lớn nên rau củ không bị nhừ quá. Sợi mì dai và mềm, không khô và cứng. Trên bàn có để sẵn dĩa rau lớn, chanh, sa tế... phục vụ thực khách.

Bà Cao Thị Vân (55 tuổi) sinh sống tại quận Gò Vấp là khách quen của quán. Bà Vân tấm tắc: “Tôi chưa có ăn cái quán nào mà ngon như vậy, giá thành rẻ, ngon. Tôi biết được quán này là vì đi ngang thấy nên vào ăn thử. Ăn xong, thấy rất ngon. Cái mà làm tôi thấy thu hút nhất là vị rất đậm đà mà không bị ngọt quá, cái kiểu chay rất nhẹ nhàng".

Trước đây, quán Hủ tiếu chay Sa Đéc nằm ở số 336B Phan Văn Trị nhưng vì một số lý do nên quán phải dời đi đến đầu một con hẻm cách địa chỉ cũ khoảng 100m. Tuy quán đổi địa điểm nhưng không vì thế mà lượng khách đến quán giảm đi. Một vị khách đang ăn hủ tiếu ở quán nói đùa: “Quán này là quán khiến người ta phải đi tìm”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.