Người Sài Gòn ăn mì 'cửa không đóng' bao giờ suốt hơn nửa thế kỷ
08/08/2018 12:32 GMT+7
Quán mì Nguyên Lợi ở số 333 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngoài 3 tên riêng còn được thực khách gọi là 'quán mì không cửa' vì mở bán 24/24.
Tự động phát
"Chị sắp dẫn em đến một quán rất đặc biệt, bởi vì nó có tận… ba cái tên chính thức”, chị đồng nghiệp nói rồi đưa tôi đến quán mì người Hoa “có tiếng” ở khu vực Hàng Xanh. Ngoài cái tên Nguyên Lợi được ghi trên chiếc xe gỗ cũ đặt trước cửa thì quán còn hai tấm biển hiệu ghi hai cái tên được treo trên cao, lần lượt là Cẩm Vinh và Cẩm Nguyên.
[VIDEO] Lạ lùng quán mì người Hoa ‘không cửa’ gần 60 năm ở Sài Gòn
Thực hiện: LƯU TRÂN
|
Một thành viên trong gia đình chủ quán cho biết: “Quán mì này do ông bà nội tôi mở ra cách đây khá lâu rồi, tôi nghe cô chú kể lại là từ năm 1962. Ông bà nội là người gốc Hoa(Quảng Đông) di cư sang đây rồi mở hàng ăn bán kiếm sống. Cái tên Nguyên Lợi là do ông bà đặt, qua các đời chủ thì lần lượt có các tên khác như trên biển hiệu. Hiện tại trên giấy phép kinh doanh thì quán mang tên Cẩm Vinh, việc vẫn giữ lại cả ba tên vì mỗi tên sẽ có một lượng khách quen thuộc khác nhau”.
|
Trở lại với không gian của quán mì, nằm lọt thỏm trong nhà với năm bộ bàn ghế inox loại chân cao được xếp thành hai dãy sát tường. Bên hông nhà là một đường luồng nhỏ, đủ kê một cái bàn và một người ngồi làm há cảo, sủi cảo, hoành thánh…
|
|
Toàn bộ nguyên liệu từ sợi mì, rau, giá, thịt, tôm, gia vị… đều được xếp gọn trên chiếc xe gỗ phía trước. Khi có khách gọi món, nếu là mì khô thì chủ quán sẽ cho hai vắt mì vào mui rồi trụng qua nước sôi cho mềm. Sợi mì chín sẽ được cho vào tô, thêm ít xà lách, húng quế, lá hẹ, giá trụng, chủ quán tiếp tục cho thịt, tôm và trứng cút vào, rắc thêm ít tiêu, hành phi và tóp mỡ chiên giòn đem ra cho khách kèm một chén nước lèo nóng hổi. Đổi lại, nếu là mì nước thì sau các bước sắp xếp nguyên liệu trên, chủ quán sẽ múc một vá nước lèo đầy cho thẳng vào tô rồi phục vụ thực khách.
|
Đặc quyền của thực khách khi ăn mì khô chính là được thưởng thức sợi mì dai giòn, một chút cay của ớt sa tế, chút mằn mặn, chua chua của xì dầu và giấm đỏ. Còn với những ai không thích sự “khô khan” sẽ chọn ăn mì nước, gắp một đũa mì với thịt xá xíu, húp miếng nước lèo trong veo, thơm lừng mùi xương ống, hành lá thì khó có ai cưỡng lại được sự quyến rũ của hương vị đậm chất “Nguyên Lợi” này.
“Sợi mì ở đây thơm mùi trứng rất đặc trưng, dai dai, tôi có tật ăn lâu nhưng ngồi ăn hết tô thì sợi mì vẫn không bị nở ra hay bị bột quá. Cũng là một nồi nước lèo, nhưng nếu ăn mì nước thì sẽ ra hương vị khác, ăn mì khô húp kèm nước riêng thì lại ra hương vị khác nữa, nếu chấm theo thang điểm 10 thì tôi cho 8 điểm”, thực khách tên Minh Hà nhận xét.Chia sẻ về nồi nước lèo mang hương vị độc đáo, chủ quán cho biết: “Nước lèo của quán chúng tôi được nấu theo công thức mà cha mẹ để lại. Xương heo và xương ống bò được hầm cùng một số gia vị từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ, khi nước sôi sẽ có lớp bọt nổi lên trên thì phải nhanh tay vớt ra để nước lèo không bị chua. Số lượng xương heo và bò khi bỏ vào cũng phải theo quy tắc hai phần ba, nghĩa là xương bò hai phần, xương heo ba phần, nếu khác đi sẽ không có được mùi vị riêng nữa”.
|
Ngoài điểm đặc biệt vì có đến ba cái tên thì đây còn được nhiều thực khách biết đến là “quán mì không cửa”. Lý giải điều này, chủ quán chậm rãi nói: “Thực ra đây là quán ăn của dòng họ, đời chủ đầu tiên là cha mẹ thì các đời chủ tiếp theo đều là anh em trong gia đình. Chúng tôi thay phiên nhau đi chợ, nấu nướng, chế biến và bán. Suốt gần 60 năm nay chưa một ngày nào quán đóng cửa, bán 24/24 nên nhiều khách tới ăn mới gọi vui là “quán không có cửa”.
|
Một thực khách tên Hùng vui vẻ cho biết: "Tôi ăn ở đây khá lâu rồi, từ lúc quán có hai cái tên cho tới khi có thêm cái tên mới thứ ba. Cách phục vụ của quán rất dễ thương và tâm lý, các cô chú quan tâm tới thực khách và cực kỳ nhớ khẩu vị của từng người. Và việc quán mở cửa 24/24 cũng là một điểm cộng thú vị, lúc nào mình thèm bất chợt cũng có thể ghé ăn được".
Bình luận (0)