Người Sài Gòn đau đầu nạn tiểu bậy, các nước trị phóng uế ra sao?

09/02/2017 14:02 GMT+7

Không chỉ ở Việt Nam mới ồn ào vấn nạn tiểu bậy ngoài đường mà trên thực tế, nhiều nước khắp thế giới cũng đau đầu với chuyện phóng uế bừa bãi khắp phố.

Người ta dùng "trăm phương ngàn kế" để trị thói tiểu bậy trên đường, từ tăng số tiền phạt đến buộc làm công ích hoặc thậm chí tạm giữ hay dùng tới sản phẩm "công nghệ cao"...
Ở Việt Nam, tiền phạt đối với hành vi phóng uế bừa bãi là từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ là 200.000 - 300.000 đồng). Đây là con số thuộc hàng khá cao nếu so với mức phạt tiểu bậy ở các nước khác. 
Cùng xem qua các mức phạt của nhiều thành phố trên thế giới: 
 
Xử lý đồ họa: Trần Ka
Tuy nhiên, việc phạt tiền vẫn có vẻ như chưa đạt hiệu quả cao trong việc xóa sổ nạn "bạ đâu tè đó" trên phố. Nên ngoài việc cho xây thêm nhiều toilet công cộng thì các thành phố trên thế giới còn nghĩ ra nhiều ý tưởng độc, lạ và thậm chí quái chiêu để dẹp bớt thói quen xấu xí nói trên.
Tốn quá nhiều tiền để tẩy rửa nước tiểu trên tường

Để tẩy rửa mùi xú uế trên các bức tường cũng như vỉa hè, chính quyền khu ăn nhậu Hackney tại thủ đô nước Anh phải chi 100.000 bảng (hơn 3,3 tỉ đồng) mỗi năm. Năm 2015, tại khu vực này có hơn 500 người bị phạt vì tội tè bậy.

  • Ở Ấn Độ: Các thành viên trong nhóm chống tè bậy có tên "Làm sạch Ấn Độ" (hình thành tự phát) sẽ đeo mặt nạ và lái xe bồn rảo khắp các con phố lớn nhỏ. Hễ bắt gặp người nào xả bậy bên đường, họ sẽ dùng vòi trên xe bồn xịt nước thẳng vào người đó. Hoạt động này được "thí điểm" đầy ấn tượng ở các tuyến phố tại Mumbai từ năm 2014.

  • Tại TP.HCM: Người vi phạm tiểu bậy ngoài đường không những bị phạt tiền mà còn bị buộc làm vệ sinh bằng cách giội nước cho sạch sẽ ngay chỗ đã "trút bầu tâm sự".

  • Tại Đà Nẵng: Từ tháng 4.2015, Hội Doanh nghiệp Q.Hải Châu vận động hàng trăm khách sạn, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn cho người dân cùng du khách sử dụng miễn phí toilet. Hễ thấy chỗ nào dán trước cổng logo in dòng chữ “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” thì khách vô tư vào trút bầu tâm sự mà không mất đồng nào.

  • Tại Brighton (Anh): Cảnh sát buộc những người vi phạm phải lau dọn sạch sẽ chỗ đã tè bậy trên đường, nếu không sẽ bị phạt đến 100 USD hoặc bị tạm giữ (tùy mức độ).
  • Thành phố San Francisco (Mỹ), thành phố Hamburg (Đức) năm 2015 đã áp dụng cách làm như hình dưới đây. Nhiều nơi khác cũng bắt đầu áp dụng phương thức tương tự, chẳng hạn như thủ đô Paris của Pháp.
Xử lý đồ họa: Trần Ka
Triệt tiêu hoàn toàn nạn tiểu bậy quả là nhiệm vụ bất khả thi. Chính quyền nơi nào cũng muốn bộ mặt đô thị văn minh, sạch đẹp nhưng ý thức của mỗi cá nhân là vấn đề cực kỳ nan giải. Ngay cả siêu sao Cristiano Ronaldo ngời ngời phong độ thế kia cũng từng bị cảnh sát bắt quả tang hành vi tè bậy trên đường phố St Tropez nước Pháp đấy thôi! Bằng chứng có ngay TẠI ĐÂY
Bạn đọc hiến kế chống tiểu bậy

“Ở Mỹ, tôi thấy rất ít nhà vệ sinh công cộng, nhưng không bao giờ thấy người dân đi tiểu ngoài đường, kể cả người Việt mình và các sắc dân khác cho dù mới đặt chân đến Mỹ. Bởi bên Mỹ có luật bắt tất cả các nhà hàng, cây xăng, siêu thị phải cho mọi người sử dụng nhà vệ sinh miễn phí dù đó không phải là khách hàng”, bạn Thạc Lê góp thêm ý kiến.
Đây là kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc về vấn nạn tiểu bậy do Thanh Niên thực hiện hồi tháng 3.2016
“Tôi đi Hồng Kông, Seoul thấy tất cả nhà hàng, shop, các điểm công cộng đều cho du khách vào sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Mình nên áp dụng cái này”, bạn đọc Ngọc đề xuất.
"Kết hợp xây dựng nhà vệ sinh công cộng và phạt những người tiểu bậy nhưng nhà vệ sinh phải có người trông coi lau chùi sạch sẽ và hoàn toàn miễn phí. Bởi vì ở ta ý thức chưa tốt nên cái gì cũng phải từ từ thực hiện từng bước một", một bạn đọc tên Đại viết.
"Xả rác, tiểu tiện nơi nào cũng có, sao chỉ một số nơi ra quân bắt quả tang xử phạt? Ví dụ như bến xe Miền Đông, sau khi mua vé xong thử ra khu vực chờ xe xem, mùi khai của nước tiểu dội lên kinh khủng. Rồi khách và bảo vệ khạc nhổ liên tù tì nhưng không có ai bị phạt cả", bạn đọc tên Nam bức xúc lên tiếng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.