Đến hẻm 195 Trung Mỹ Tây 2A (KP.2, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) hỏi ra ai cũng biết bà Sáu thương binh, là tổ trưởng tổ dân phố khu phố 2 đã 25 năm nay. Bà Sáu tên thật là Võ Thị Trọng (73 tuổi), chủ của một vài dãy trọ trong khu phố, bà vừa nghỉ làm tổ trưởng tổ dân phố 2 tháng trước.
Cho người thuê nợ tiền phòng cả năm
Bà Sáu cho biết, người thuê phòng trọ của bà chủ yếu là công nhân và buôn bán nhỏ lẻ. “Những người buôn bán là khổ nhất vì cấm chợ, những người bên trong khu phong tỏa còn khó khăn hơn. Đa số những người thuê trọ đều ở nhà, chỉ trừ những người làm tài xế và làm việc công ty thì vẫn đi làm được”, bà nói.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Sài Gòn, nhiều chủ phòng trọ ở TP.HCM hỗ trợ bằng cách giảm giá tiền thuê phòng. Riêng bà Sáu cũng xem xét giảm tiền phòng cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo nhiều mức khác nhau.
|
Bà Sáu có 3 dãy nhà trọ cho thuê, ngày 11.6 dãy nhà trọ có 10 hộ thuê nhà ở hẻm 195/4 đường Trung Mỹ Tây 2A của bà nằm trong khu vực phong tỏa phòng dịch Covid-19. Bà cho biết dãy trọ có 2 hộ gia đình đặc biệt khó khăn.
Nói về hai hộ gia đình này bà kể lại từ đợt dịch năm 2020 có một hộ nợ tiền phòng đến giờ vẫn chưa trả, gồm cả tiền điện tiền nước. Vì biết rõ hoàn cảnh của gia đình nên bà Sáu đang xem xét giảm hết tất cả số tiền nợ. Bà nói thêm: “Hộ thứ 2 là gia đình có chồng chết vì tai nạn giao thông một mình nuôi hai con nhỏ đã nợ tiền phòng mấy tháng nay cũng sẽ giảm 100% tiền phòng trong tháng 6, 8 hộ còn lại đều sẽ được giảm nhưng mức giảm thấp hơn 2 hộ kia”.
|
Những dãy trọ bên ngoài khu vực phong tỏa của bà Sáu cũng được giảm giá tiền phòng nhưng mức giảm không cố định.
Ngoài phòng trọ, bà Sáu còn có 2 mặt bằng cho thuê để làm nhà trẻ. Vì phải đóng cửa, có mặt bằng 5 tháng rồi vẫn chưa trả tiền thuê. “Tôi hứa sẽ giảm 100% số tiền thuê cho tháng 5 còn nếu sắp đến Covid vẫn còn thì giảm 50%. Còn một mặt bằng cho thuê 22 triệu cũng được giảm 50% tiền thuê của tháng 5 và tháng 6”, bà Sáu nhấn mạnh.
|
20 năm qua, bên cạnh việc giảm giá tiền phòng thì mỗi dịp lễ Tết bà đều tặng phần quà cho những người thuê trọ. Bà Sáu tâm sự, vì cũng từng bươn chải nên rất hiểu cho hoàn cảnh “thiếu trước hụt sau” của người ở trọ. Thời còn trẻ, vì bị mất một tay nên bà Sáu phải nghỉ hưu sớm do mất sức dù chưa hết tuổi lao động. Chồng đi công tác ở Campuchia, một mình bà một tay nuôi nấng 2 người con.
Bà kể lại ngày xưa lúc đi công tác bị bắt và bị đánh gãy xương tay rồi bỏ tù khiến bà bị hư tay nhưng kéo dài mấy năm thì mới cưa tay, bà chính thức thành thương binh năm 20 tuổi.
Xem người thuê trọ như con trong nhà
Nói đoạn bà Sáu vào góc nhà xách theo một phần quà gồm gạo, mì gói,... bằng tay phải rồi đội nón dắt tôi đến dãy phòng trọ phía sau nhà đến căn phòng trọ phía cuối dãy. Chủ phòng trọ là chị Danh Thị Chiều (43 tuổi), tiếp đón niềm nở chị cho biết quê ở Bạc Liêu và là người dân tộc Khmer. Khoảng 5 - 6 năm trước, chị Chiều đưa 2 con gái lên Sài Gòn thuê phòng trọ của bà Sáu để sinh sống.
Vì không biết chữ, chị Chiều nhận may hàng gia công tại nhà, nếu may hàng xuyên suốt có tháng chị kiếm được 3 triệu đồng. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến chị Chiều không có đơn đặt hàng mới, số tiền kiếm được ọp ẹp không đủ trả tiền thuê trọ. Cũng may chị còn có đứa con trai lớn đi làm xa lâu lâu về thăm cũng cho chị ít tiền để chi trả chi phí.
|
Trước đây chị Chiều thuê phòng ở góc tối bên trong không thấy đường lựa màu vải và chỉ, bà Sáu thấy vậy cho chị chuyển ra căn phòng mới đón nắng sáng sủa hơn. Không những vậy, trong nhà có đồ ngon gì từ trái cây, gạo, đồ ăn vặt… bà Sáu đều xách đến gõ cửa gửi cho.
Thấy 2 con gái của chị Chiều đến tuổi đi học mà vẫn ở nhà, bà Sáu hỏi thăm rồi thay chị Chiều làm giúp giấy tờ để 2 con đến trường học. Nhờ đó hai con chị được miễn phí học phí, bé đầu học lớp 4, bé sau học lớp 1, sách vở bút viết, cặp của hai cháu đều được bà Sáu mang đến, chăm lo từng chút một.
|
“2 đứa con được đi học cũng đều nhờ dì Sáu chứ tôi không biết gì hết, lên Sài Gòn còn không biết đường đi, xe đạp cũng không biết chạy. Lúc đầu mới lên chưa nói chuyện với dì Sáu, sau này bà biết bà mới hỏi sao không cho con đi học. Gia đình mất hết rồi, bà ấy cũng như là người mẹ thứ hai của tôi vậy”, chị Chiều rưng rưng nước mắt.
|
Chị Chiều lau nước mắt rồi đến bàn lấy ra tờ giấy ghi nợ, chị giải thích từ năm ngoái tới nay đã nợ bà Sáu hơn 20 triệu tiền nhà trọ nhưng trả dần còn hơn 9 triệu. Giá tiền phòng trọ là 1,8 triệu đồng (chưa tính tiền điện nước) mỗi tháng.
Hỏi ra mới biết đến tháng bà Sáu vẫn tính tiền phòng nhưng nếu chưa có tiền đóng thì cộng dồn lại, nào có thì trả chứ không đòi. “Mình cũng xem xét, nếu thấy người nào vẫn đi làm ăn được thì mình thu tiền phòng trọ đầy đủ không cho thiếu nhưng hoàn cảnh nào khó khăn thật thì mình sẵn sàng giúp đỡ thêm”, bà Sáu bộc bạch.
Bình luận (0)