Người Sài Gòn đi Chợ Bà Chiểu nghe những chuyện xưa trải dài 7 thập kỷ

03/03/2017 09:32 GMT+7

Nằm ngay trung tâm quận Bình Thạnh, giá cả hàng hóa bình dân nên chợ Bà Chiểu ngày trước là điểm mua bán sầm uất của người Sài Gòn. Các sạp thực phẩm mở cửa bán từ 4 giờ sáng đến khoảng 15 giờ là hết sạch.

Chợ Bà Chiểu được xây dựng trên khu đất rộng của quận Bình Thạnh vào năm 1942. Cổng chính chợ là mặt tiền đường Phan Đăng Lưu, đối diện là đường Lê Quang Định. Từ ngày thành lập chợ cho đến nay, đây được xem là nơi mua bán với giá cả phải chăng, phục vụ được nhu cầu của người dân quanh khu vực.
Video: Chợ Bà Chiểu xưa và nay - Thực hiện: Vũ Phượng

tin liên quan

Người Sài Gòn với ký ức 'chợ nhà giàu' Tôn Thất Đạm giữa trung tâm
Lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng sầm uất ở trung tâm Sài Gòn, Chợ Cũ Tôn Thất Đạm, hay còn gọi là 'chợ nhà giàu' trước đây ngày qua ngày ngắm nhìn sự chuyển mình của thành phố. Theo UBND TP, tiền thân Chợ Cũ là tự phát nên nằm trong kế hoạch giải tỏa để trả lại lòng đường, vỉa hè.
Đến năm 1987, chợ được sửa chữa, xây thêm 1 lầu để phục vụ việc kinh doanh buôn bán của tiểu thương.
Chợ Bà Chiểu ngày trước tấp nập, náo nhiệt và đông vui, còn ngày nay siêu thị mọc lên nhiều, lượng khách đến chợ có giảm nhưng chợ vẫn có đầy đủ mặt hàng và giữ nguyên sức hút với khách lâu năm.
Hơn 50 năm bán thịt heo ở chợ
Bà Dương Mai (62 tuổi) tiểu thương bán thịt tại chợ Bà Chiểu tâm sự rằng từ năm lên 10 tuổi, bà đã phụ mẹ bán thịt ở chợ. Thời trước giải phóng, không giống như những chợ khác ở Sài Gòn, nơi đây mở cửa từ 4 giờ sáng, đến chiều 17 giờ thì đóng cửa để đảm bảo an ninh.
Tất cả hàng sạp đều nằm ngay ngắn trong chợ theo sự sắp xếp của ban quản lý. Từ cổng Bùi Hữu Nghĩa vô, bên trái là nhà lồng chuyên bán cá, bên phải là nhà lồng bán thịt, tới hàng ăn, đồ khô, trong cùng là giày dép và quần áo.
Mỗi sạp khi đó rộng thênh thang, tha hồ buôn bán. Sau vì người dân đi chợ quá đông, các sạp cung không đủ cầu nên ban quản lý cho thu hẹp sạp để tăng cường thêm sạp mới. Sau nữa đến năm 1987 thì xây thêm một lầu trong khu chính và dời hàng quần áo lên trên. Vậy mà người ta chấp nhận ngồi chật chứ không ai mang hàng hóa ra bán vỉa hè.
Theo mẹ bán thịt heo ở chợ từ năm 10 tuổi, bà Mai cho biết những người bán thịt heo xưa nay đã xuất ngoại hoặc xây nhà lầu Ảnh: Vũ Phượng
Bà Mai nhớ lại: “Ngày đó nói đến khu thịt heo chợ Bà Chiểu là ai cũng biết nhà tôi, tính thêm họ hàng là có tổng cộng 5 sạp trong khu này. Trước giải phóng, việc bán buôn thuận lợi, 5 sạp của gia đình tôi một ngày bán hết hai chục con heo. Tiền lời kha khá, một số người tích góp mà khá giả, riêng tôi vì ba mất sớm, phải nuôi 5 đứa em nên giờ vẫn ngồi đây bán thịt”.
Ngày nay chợ Bà Chiểu vẫn có sức hút với những khách quen lâu năm Ảnh: Vũ Phượng
Trở lại chuyện thịt heo, bà Mai nói để “bao lời”, cứ 4 giờ chiều mỗi ngày là nhà bà lại chạy xe đến miệt lò heo Chánh Hưng để “chấm heo”. Thấy con nào to béo, ưng ý thì người nhà sẽ viết tên lên con heo rồi nhờ người bán chở đến lò riêng của nhà ở gần chợ. Việc mổ heo ban đầu gia đình bà tự làm, nhưng sau bán đắt quá nên thuê luôn thợ, người nhà chỉ việc ra chợ ngồi bán.
“Heo ngày xưa mỡ dày chứ không như bây giờ. Ngày nay người mua cũng không hảo mỡ như ngày trước nữa”, bà Mai chia sẻ.
Đến khi đất nước thống nhất, theo chủ trương, gia đình bà vô hợp tác xã để tiếp tục công việc. Sau một thời gian, ban quản lý tiếp tục phân sạp lại để các hộ tự buôn bán thì gia đình bà chỉ còn được một sạp.
Bà Mai cho hay, có một thời gian ngắn chợ đóng cửa đó là khoảng 30.4.1975. Khi đó chợ không cho tiểu thương buôn bán mà khuyến khích ở nhà, nhưng nhiều người “làm liều” vẫn cầm rổ rau và vài ba món đồ hộp ngồi bên hông Lăng Ông để bán.
Mặc dù đã mở rộng chợ nhưng nhiều người vẫn bày bán hàng ở sát vỉa hè Ảnh: Vũ Phượng
Sau khoảng 1 tuần thì người ta rủ nhau chạy xuống khu của lính Mỹ ở bên kia cầu Sài Gòn để lấy lương thực và thực phẩm dự trữ. Nghe đâu kho lương thực đó toàn hàng Mỹ, người ta lấy về rồi bán lại cho tiểu thương ở chợ với đủ mức giá, miễn có tiền.
Năm 1987, chợ tu sửa, xây thêm lầu để làm sạp mới, những người trong khu lồng chính mới di chuyển ra các phía hông chợ để bán. Sau khi hoàn tất việc tu sửa chợ, các mặt hàng được phân theo khu và tiểu thương bốc thăm để chọn vị trí ngẫu nhiên.
Bà Dương Mai cũng tâm sự thêm: “Lúc ấy bán thịt heo sướng lắm, tới hai chục con mỗi ngày mà bán tới 3 giờ chiều là hết sạch. Nay ngồi từ sáng đến chiều mới bán được 1 con”.
'Hồi xưa bán thấy mà ham'
Bà Lê Thị Nga (70 tuổi), tiểu thương bán mắm tại chợ Bà Chiểu cho biết hiện nay chợ vẫn đông người đến tham quan và mua sắm, nhưng so với khoảng thời gian cách đây hai chục năm thì vắng hơn rất nhiều.
Bà Lê Thị Nga bán mắm ở chợ Bà Chiểu lâu năm cho biết ngày trước người đến chợ rất đông, hàng nào cũng đắt khách Ảnh: Vũ Phượng
“Trước người ta đi đông cỡ mười thì nay còn có năm thôi, xưa bán thấy ham, hàng nào cũng khách nườm nượp, còn nay một số người bán mắm nghỉ bớt do đìu hiu người mua. Theo tôi là vì xưa người ta ăn mặn để đỡ tốn thức ăn nên ai cũng khoái mắm (mắm cá), còn nay ăn mặn dễ bị bệnh nên cũng ít người ăn lắm, có chăng là những người già. Hàng của tui sống được đến giờ này cũng toàn nhờ khách quen”, bà Nga chia sẻ.
Theo bà Nga, ngày bà còn là học sinh của trường tiểu học nữ sinh Chi Lăng (trường THCS Hà Huy Tập ngày nay) đã phụ mẹ bán mắm ở chợ. Khi ấy khách đông, mẹ bà Nga chủ động mua cá và dưa về làm mắm, còn nay chợ vắng vẻ nên bà lấy hàng ở ngoài.
Xung quanh chợ Bà Chiểu có gì?
Nhà ở ngay đường Phó Đức Chính gần bên chợ, bà Dương Mai cho biết rằng chợ Bà Chiểu xưa cũng như nay, nằm ngay trung tâm quận Bình Thạnh, những tiện ích xung quanh chợ cũng nhiều, có thể kể đến như dãy bán vàng ở đường Diên Hồng; dãy bán đồ chơi cao cấp, bàn ủi điện, ví ở đường Châu Văn Tiếp (đường Vũ Tùng ngày nay).
Chợ hiện có 1.479 sạp kinh doanh buôn bán Ảnh: Vũ Phượng
Trên đường này còn có rạp chiếu bóng Huỳnh Long (nay là nhà kho) chuyên chiếu phim Ấn Độ, Việt Nam. Rạp Cao Đồng Hưng trên đường Bạch Đằng (nay là nhà sách Fahasa) hồi chưa giải phóng chiếu phim Mỹ, sau giải phóng thành tụ điểm hát cải lương. Đây là rạp mà nghệ sĩ cải lương Thanh Nga biểu diễn lần cuối cùng trước khi bị bắn chết trên đường đi diễn về vào năm 1978. (Đọc thêm giai thoại về cố nghệ sĩ Thanh Nga TẠI ĐÂY)

tin liên quan

Lạc trôi vào quán cà phê thời... 'ông bà anh' ở Sài Gòn
Những khi lòng chùng xuống trước cảnh phố xá tấp nập và bon chen, cảm giác muốn tìm một nơi thật thư thái, tĩnh lặng để nghe những giai điệu cũ trỗi dậy. Để được đắm mình trong những khoảnh khắc khiến tâm hồn lắng lại, thử ghé Tiệm Café Saigon Retro.
Nằm ở vị trí thuận lợi nên hiện nay chợ Bà Chiểu vẫn là điểm đến tham quan, mua sắm của người dân Bình Thạnh và những quận lân cận. Chợ hiện có 1.479 sạp với đủ các mặt hàng, ban ngày khu vực trong nhà lồng và rìa chợ buôn bán bình thường, đêm đến chợ thu hút nhiều người trẻ đến mua sắm, ăn uống với đủ các món ngon có thương hiệu như: xôi gà Bà Chiểu, bún mắm, bún nem nướng,…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.